Cẩm Hải nhị cung hay chùa Bà Mụ?

Thứ ba - 02/02/2021 21:56
Cẩm Hải nhị cung hay chùa Bà Mụ? - hiện vẫn còn nhiều xu hướng khác nhau trong việc định danh cho di tích này.
images1492869 image001
Cẩm Hải nhị cung sau khi trùng tu năm 2018. Ảnh: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG
Từ khi khởi thủy...

Cẩm Hải nhị cung được người dân làng Minh Hương xây dựng vào năm Bính Dần đời Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế - 1626, tại vùng đất giáp ranh hai xã Cẩm Phô và Thanh Hà, Hội An. Do chưa đủ tư liệu để chứng minh, nên thời gian dời về vị trí hiện nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong giới nghiên cứu.

Dựa theo cuốn “Di sản Hán Nôm Hội An” tập I, bản khắc trên bia đá do ngài cử nhân Thuấn Phu Trương Đồng Hiệp biên soạn, Ngô Đức Chí phiên âm, Nguyễn Bội Liên dịch nghĩa, Cẩm Hải nhị cung vốn thực sự là hai nơi thờ tự riêng biệt, nằm song song trên cùng một khuôn viên. Cẩm Hà cung nằm bên tả, thờ đức Bảo Sanh Đại Đế và 36 vị tướng được phong thần. Hải Bình cung nằm bên hữu, thờ ngài Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ.

Năm Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức nguyên niên - 1848, công trình này được trùng tu và làm lại cổng chính đi vào hai cung. Do là một cổng nhưng đi vào hai cung nên việc thiết kế cổng cũng có phần dị biệt so với cổng chính của các công trình tâm linh, tín ngưỡng khác. 

Cổng được thể hiện như hình một cuốn thư cách điệu. Trung tâm cổng là một vòng tròn, biểu trưng cho mặt trăng, được khóa chân bởi hai con lân và hai trụ cao đắp vẽ tinh xảo, chia đều hai không gian tả hữu. Theo quan niệm dân gian, cổng này là lối đi dành cho thần linh. 

Cẩm Hà môn. Ảnh: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG
Cẩm Hà môn. Ảnh: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG

Hai bên tả hữu có bốn cổng vào, mỗi bên gồm một cổng chính và một cổng phụ có mái che. Trên mỗi đỉnh của cổng chính trang trí hoa sen, hoa văn mái được gắn bằng những mảnh sứ, cổng này dùng làm lối đi vào những ngày lễ trọng đại. Mỗi cổng phụ được thiết kế theo dạng cổng vòm làm tăng thêm sự đa dạng trong thiết kế, dùng làm lối đi hàng ngày. 

Cổng tuy được thực hiện cách đây hàng thế kỷ, thoạt trông dáng vẻ cổ xưa nhưng cấu trúc và mỹ thuật vẫn không kém phần đương đại. Theo văn bia còn lưu lại, cổng này do lưỡng khoa tú tài Trương Chí Thi thiết kế và trùng khởi, nếu như so với nhiều di tích khác thông thường không xác định được người vẽ thiết kế thì chi tiết này cũng khá thú vị.

Khởi nguồn là vậy, nhưng do Cẩm Hà cung có thờ ngài Thiên Hậu Thánh Mẫu và 12 bà mụ nên người dân địa phương thường đến lễ tự nơi đây. Lâu dần, Cẩm Hải nhị cung được người dân địa phương gọi là chùa Bà Mụ. Theo văn bia thì tên gọi này ít nhất phải được dùng vào khoảng thời gian trước năm 1922.

b mu 1
Hải Bình môn. Ảnh: TRƯƠNG BÁCH TƯỜNG

Trong chiến tranh, lòng người ly tán nên chuyện thờ phượng, bảo tồn di tích có phần chểnh mảng. Cẩm Hải nhị cung dần hoang phế lụi tàn, làng Minh Hương không đủ kinh phí tu bổ nên vào năm 1965, đại diện làng Minh Hương đành phải hiến khuôn viên này cho Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam để làm trường Bồ Đề dạy Phật học. Cả hai bên đều thống nhất giữ phần kiến trúc cổng để lưu lại di tích cho hậu thế sau này. Hiện tại khu vực này là Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, Hội An. 

Cũng trong chiến tranh, khu vực hồ sen trước mặt tiền của hai cung đã bị công binh san lấp để làm trại gia binh cho binh lính của chế độ Sài Gòn. Do không được chăm sóc, tu bổ nên di tích này ngày càng xuống cấp trầm trọng.    

 … đến chuyện định danh

Giải tỏa đền bù, trùng tu lại di tích cổng Cẩm Hải nhị cung là một việc mong chờ của người dân phố Hội; đồng thời cũng làm đau đầu giới quản lý di tích hàng chục năm nay. Vì vậy việc trùng tu hoàn chỉnh di tích này thực sự là một cố gắng lớn của chính quyền Hội An, cũng là niềm vui của người dân phố Hội sau hơn nữa thế kỷ di tích này bị lu lấp.

Tuy nhiên, hiện nay tấm bia đá định danh di tích lại dán bằng decal gây không ít thắc mắc đối với nhiều người địa phương, cũng như du khách.

images1492872 image007
Bia đá khắc bài do Thuấn Phu Trương Đồng Hiệp biên soạn, hiện trưng bày tại chùa Quan Âm, Hội An. Ảnh: NGÔ ĐỨC CHÍ

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An cho biết: “Cái tên “Tam quan chùa Bà Mụ” đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương hơn nửa thế kỷ nay, nó cũng được ghi vào nhiều văn bản hành chính cũng như nghiên cứu. Mặt khác, xét về bảo tồn lại phải tôn trọng nguyên gốc mọi chi tiết liên quan đến di tích, theo nguyên tắc lại phải giữ tên nguyên khởi là “Cẩm Hải nhị cung”. Do vẫn còn nhiều xu hướng khác nhau trong việc định danh cho di tích này, nên việc dán decal chỉ là tạm thời để tham khảo dư luận trước khi quyết định”. Thiết nghĩ, đây là một cách làm rất cẩn trọng của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An khi chưa thống nhất được chuyện định danh cho di tích này. 

Thiển nghĩ, theo chuyên môn của ngành bảo tồn, dựa trên bia đá và sách vở như đã dẫn ở trên; đồng thời tham khảo thêm những dấu tích còn lại ở trên hai cổng lớn có hai biển hiệu được gắn chữ bằng sứ “Cẩm Hà môn” và “Hải Bình môn”, thì việc chọn tên “Di tích Cẩm Hải nhị cung” có thể là lựa chọn khả dĩ.

Thực tế ở Hội An vẫn có những di tích rơi vào tình trạng này. Như dân gian thường gọi là chùa Âm Bổn, hay chùa Ông… thì đích danh của những nơi này vẫn là “Triều Châu Hội quán”, hay “Trừng Hán cung”... và nhiều những di tích khác tên gốc vẫn khác với tên thông tục là chuyện thường tình.

Hơn nữa chuyện này cũng đã từng có tiền lệ, tại thủ đô Hà Nội lúc phát lộ ra những di chỉ của Hoàng thành Thăng Long, giới học thuật trong nước đã không ngần ngại định danh “Di tích Hoàng thành Thăng Long” là điều có thể xác tín.

Việc định danh cho một di tích để lại trên bia đá cho ngàn đời sau là chuyện hệ trọng. Mọi sự giải bày trên đây chỉ đơn thuần là ý kiến của cá nhân người viết. Những mong có sự góp ý của các bậc thức giả đương thời để cho công việc trùng tu di tích này có được kết quả mỹ mãn.

31/12/2018 08:32 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ

Nguồn tin: baoquangnam.vn

 Từ khóa: di tích, xu hướng, cẩm hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây