Theo thư tịch cổ, từ hàng trăm năm trước, lồng đèn đã được sử dụng rộng rãi ở phố Hội. Trong một số văn bản có niên đại thế kỷ 18, vào các dịp tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, các dịp mừng lễ vạn thọ của các chúa Nguyễn, dịp đón tiếp vua chúa, quan lại từ dinh trấn Quảng Nam đến tuần du, thị sát ở Hội An, các làng Hội An, Minh Hương, Cẩm Phô đã tổ chức giăng đèn kết hoa và hình thành những đêm hoa đăng rực rỡ.
Nghiên cứu từ Trung tâm Quản lý và bảo tồn di tích Hội An cho biết, từ lâu đời, tại Hội An đã hình thành tập quán sử dụng lồng đèn vào các dịp cưới hỏi, ma chay, nhất là ở các gia đình ngoại kiều. Chính vì điều kiện về thị trường tiêu thụ của cư dân tại chỗ nên từ khá sớm, nghề làm lồng đèn đã có mặt tại Hội An. Nghề này đã có sự giao lưu rộng rãi về kỹ thuật chế tác giữa người Việt, Nhật, Hoa và phương Tây.
Người Việt chuyên làm các loại lồng đèn truyền thống bằng khung tre, dán giấy hình bánh ú, ông sao, cá chép. Người Hoa, người Minh Hương chuyên làm các loại đèn khung gỗ, đèn kéo quân, trang trí các chữ Hán, các đồ án mang ý nghĩa cát tường hoặc tên các dòng họ, hiệu buôn, hội quán. Người Pháp đã để lại tại Hội An một số lồng đèn bằng sứ, nhôm, thân bằng kính màu. Chính kinh nghiệm, kỹ thuật từ nhiều phong cách… tạo điều kiện để nghề làm đèn lồng Hội An phát triển.
Không ai biết tổ nghề đèn lồng là ai. Nhưng cộng đồng người làm nghề phố Hội vẫn gần như mang ơn một ông lão đã có công cải tiến, làm nên kiểu đèn lồng xếp được, đưa sản phẩm này trở thành một món lưu niệm riêng có của Hội An. Những năm cuối thập niên 1990, khi du lịch trở thành ngành kinh tế chính của đô thị cổ, thì nghề làm lồng đèn cũng vào buổi hoàng kim.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Văn Ba khi ấy là một người thợ chuyên làm về mành trúc, mây tre. Khi Hội An rục rịch làm du lịch, người đàn ông này tìm thấy cho mình một sinh kế mới. Từ đó đến nay đã hơn 30 năm, cũng là chặng đường nghề làm đèn lồng phố Hội trở mình, góp phần vào diện mạo du lịch của đô thị di sản. Từ lúc chỉ có một vài cơ sở, đến nay, Hội An đã có hơn 200 xưởng sản xuất đèn lồng, và hàng hóa đã xuất bán khắp thế giới.
Tiếp sau ông Ba, nhiều người thợ đèn lồng đã ứng biến sáng tạo để sản phẩm thủ công này ngày càng tinh xảo, bắt mắt hơn. Dé Latana – đèn lồng của một người trẻ là mặt hàng thủ công mỹ nghệ đầu tiên của Hội An được đóng bao bì và có mã vạch hàng hóa đạt chuẩn chương trình OCOP.
Thương hiệu đèn lồng này của Võ Đình Hoàng đi theo hướng làm dịch vụ trọn gói từ khâu thiết kế, sản xuất đến lắp đặt các sản phẩm đèn cho khách hàng khiến đây gần như là xưởng sản xuất đèn lồng đa dạng nhất tại Hội An với các sản phẩm trang trí nội thất, bao gồm đèn lồng Hội An truyền thống, đèn lồng lụa, đèn bàn, đèn trần.
Hội An những ngày tháng hiện tại vẫn ngập đầy sắc màu của đèn lồng được biến tấu dưới rất nhiều hình thù, dáng dấp. Cuộc hội của đèn lồng vẫn diễn ra hằng năm, thu hút sự tham gia của rất nhiều tay thợ xuất sắc. Một năm dài, Hội An hiu vắng. Nhưng không vì thế mà tắt đi hy vọng về một cuộc chuyển mình. Đèn lồng Hội An, bây giờ, cũng như sức sống của vùng đất này, vẫn luôn được thắp sáng…
Tác giả: MINH KHÔI
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn