ĐI GIỮA ĐƯỜNG THƠM
Tặng Thạch Lam
Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm,
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu
Lên bề cao hay đi xuống bề sâu?
Không biết nữa. - Có chút gì làm ngợp
Trong không khí… hương với màu hòa hợp…
Một buổi trưa không biết ở thời nào
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ.
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
Buổi trưa này xưa kia ta đã đi,
Phải cùng chăng? Lòng nhớ rõ làm chi!
Chân bên chân, hồn bên hồn, yên lặng
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng,
Trí vô tư cho da thở hương tình.
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không; - khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ…
Trong cảnh lặng, vẫn đưa mùi gió thoảng…
Trí bâng quơ nghĩ thoáng nhưng buồn nhiều:
“Chân hết đường thì lòng cũng hết yêu”
Chân đang bước bỗng e dè dừng lại
- Ở giữa đường làng, mùi rơm, hoa dại…
Bài thơ tặng Thạch Lam. Cả món quà và người được tặng hòa hợp với nhau vô cùng. Vì tâm hồn Thạch Lam cũng nhẹ nhàng, nhạy cảm và buông xả như bài thơ này.
Cách đây hai năm, sau tết, tôi ra Đà Nẵng gặp nhà văn Đặng Tiến mới từ Paris về Đà Nẵng ăn tết, tôi đã đưa anh Đặng Tiến về Hội An thăm chơi với nhà văn Nguyên Ngọc. Hôm ấy, không gặp được Nguyên Ngọc vì anh bị ốm phải về điều trị ở Đà Nẵng, nhưng thật tình cờ, chúng tôi đã gặp chính “con đường thơm” mà Huy Cận đã viết bài thơ “Đi giữa đường thơm”. Anh Đặng Tiến là một nhà bình thơ rất tinh tế và rất am tường xuất xứ từng bài thơ hay. Con “đường thơm” ấy là một con đường nhỏ nhưng khá dài thuộc ngoại vi Hội An. Anh Đặng Tiến nói: “Cảnh trí hai bên đường này vẫn không khác mấy so với hồi Huy Cận viết bài thơ. Chỉ có khác, đường này xưa là đường đất, giờ là đường nhựa. Nhưng bóng tre và bóng phượng thì vẫn còn nguyên đó. Hồi nhỏ, tôi đi học cũng có nhiều dịp đạp xe trên con đường này, cứ có cảm giác lâng lâng thế nào ấy”.
Cái cảm giác lâng lâng đúng là cảm giác mà tôi nhận được từ bài thơ Huy Cận:
“Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không; - khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho”
Cái lâng lâng ấy, vừa là những động chạm đầu tiên của tuổi học trò khác giới, vừa là những động chạm của thiên nhiên cũng đầy những trinh nguyên e ấp. Mừng cho Hội An giờ vẫn còn giữ được con đường thơm này, dù có khác một phần, nhưng những khóm tre, những cây phượng già vẫn còn, gió vẫn nhẹ mà nắng vẫn vàng ươm, cái lâng lâng ấy chưa mất.
“Đường trong làng hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm”
Mùi rơm cùng mùi hoa dại, bây giờ người thành phố mới thấy quý cái mùi thơm mộc mạc, như quý những dòng thơ trong trắng của Huy Cận. Bây giờ người ta có thể gọi đó là “thơ sinh thái” cũng được, vì có thể hít thở cái không khí sạch trong từ chính những câu thơ.
Luôn luôn, bài thơ là một cơ thể thống nhất, dù người ta có nhận ra đôi mắt to tròn, làn da trắng mịn hay mái tóc dài mượt mà, thì cả cơ thể bài thơ vẫn là một. Và giọng nói trong bài thơ nữa, nhẹ nhàng như giọng nói người Hội An. Chính thiên nhiên làng quê của Hội An ngày xưa ấy đã cho Huy Cận bài thơ này. Bây giờ thì Hội An có hơi nhiều những resort hay khách sạn, may mà còn giữ được “con đường thơm” là nguyên mẫu bài thơ Huy Cận ngày xưa.
Thơ Huy Cận cổ điển là như vậy. Và cảm thức vũ trụ nảy sinh từ những li ti bé bỏng thân yêu nhất, từ những “bước chân mưa” hay mùi hoa dại cùng mùi rơm mùa gặt phơi trên đường. Sự giản dị, đó cũng là một vũ trụ của thơ.
Tôi cảm thấy mát rượi cả người khi đọc bài thơ “Đi giữa đường thơm”, cứ như bóng tre và bóng phượng đã tỏa mát xuống mình giữa mùa hạ nóng bức.
22/06/2019 10:57 | QUẢNG NAM ONLINE
Tác giả: THANH THẢO
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn