Vẽ thiên cẩu
Ông Trần Văn An cho rằng: “Hội An là trung tâm giao lưu văn hóa rất sớm, nên Tết Trung thu ở Hội An có sự giao lưu văn hóa với Trung Hoa, Nhật Bản… Cũng có thể vì Hội An xưa là thương cảng, nên cùng với việc hội tụ thương nhân nhiều nước thì nhiều mầm bệnh lạ cũng xuất hiện. Trong bối cảnh đó điệu múa Thiên cẩu được hình thành, mang ý nghĩ tống ôn, trừ tà, cầu mua may bán đắt. Bây giờ thì múa lân, sư, rồng phổ biến chứ ngày trước người già ở Hội An chỉ có biết múa Thiên cẩu”. Võ sư Trần A Hồng, chủ nhiệm một đội múa Thiên cẩu có tiếng ở xã Cẩm Hà, giải thích về sự ra đời của điệu múa Thiên cẩu bằng truyền thuyết được nghe từ thời cha ông: “Ngày xưa trần gian rất nhiều loại bệnh tật nên trời phái thiên cẩu xuống giúp đỡ bá tánh. Thiên cẩu ăn lá rồi nhả ra thuốc để trị bệnh cứu người. Nhớ ơn thiên cẩu, người trần gian bằng sáng tạo ra điệu múa Thiên cẩu để tôn vinh linh vật này”.
Vậy múa Thiên cẩu có gì khác biệt về đạo cụ, cách biểu diễn so với các điệu múa lân sư rồng đang phổ biến hiện giờ? Nói về đạo cụ thì đầu thiên cẩu không khác biệt nhiều với đầu lân. Cách chế tạo thì cũng làm bộ khung, các bộ phận rời sau đó ráp vào rồi đắp các lớp giấy bồi lên. Tuy nhiên có một số khác biệt. Thiên cẩu có một cái sừng cao khoảng 40cm, hình trụ tròn được gắn vào chính giữa đỉnh đầu thiên cẩu, tạo dáng vẻ rất mạnh mẽ. Hai bên ót thiên cẩu có hai cục u hình nón được tạo từ những vòng tre quấn tròn theo hình xoắn ốc, được làm rời, gắn đối xứng sát dưới niền đầu, được trang trí hoa văn xoắn ốc. Hai tai có hình lá đề, dài khoảng 25, rộng 2, sâu 10cm. Mắt thiên cẩu như mắt cá, có mang, vẩy như vẩy rồng, đuôi rất dài. Giữa trán thiên cẩu, gắn một miếng kính tráng thủy hình tròn mang ý nghĩa để trừ tà.
Sau khi hoàn thiện phần sườn, đầu thiên cẩu được trang trí với 5 màu cơ bản, tượng trưng cho ngũ hành, gồm: trắng, đen, xanh, đỏ, vàng, bố trí hợp lý ở từng bộ phận. Người thợ sơn lót từ 1 đến 2 lớp, sau đó sơn trang trí từng bộ phận với màu sắc tương ứng, đặc biệt chỉ sơn màu ở bước cuối cùng chứ không dùng vật liệu phản quang. Kiểu vẽ mặt và đầu thiên cẩu có nhiều điểm tương đồng với cách vẽ mặt của nghệ thuật Tuồng. Mặt thiên cẩu được sơn màu đỏ tươi, tròng mắt màu trắng, râu chỉ có một màu trắng, rậm, suông, rất dài để thể hiện là sự trung thành, nghĩa khí, bảo vệ tài sản và mang lại sự an lành, hạnh phúc cho đời sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Hưng (thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà) - nghệ nhân chuyên chế tác đầu linh vật cho biết: “Trong làm đầu thiên cẩu, lân quan trọng nhất là khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết của linh vật. Bởi mỗi con thiên cẩu, lân đều làm hoàn toàn thủ công nên mỗi sản phẩm tùy theo tâm trạng, cảm xúc người vẽ mà mang vẻ đẹp khác nhau và cái hồn của người cầm cọ. Đặc biệt thần thái con thiên cẩu, lân nằm hoàn toàn ở đôi mắt”.
Cách múa độc đáo
Tư liệu hồi cố cho biết, trước năm 1945 ở Hội An không có múa Lân mà chỉ có múa Thiên cẩu, và thường chỉ do các lò võ đảm nhiệm. Lúc bấy giờ hình dáng con thiên cẩu còn thô sơ, lối múa còn dung dị với các động tác của thiên cẩu như: đi, chạy, nhảy, lạy tổ, ngủ, ăn lá cây, ăn giải thưởng. Dần dần các thế đứng tấn, bộ pháp được khai thác từ võ cổ truyền Việt Nam và đưa vào lối múa đã làm cho nghệ thuật múa Thiên cẩu Hội An thêm hoàn thiện trở nên mạnh mẽ, hấp dẫn, sinh động hơn.
Trải qua quá trình phát triển, múa Thiên cẩu đã trở thành lối múa dân gian đặc trưng, có bài bản và kỹ thuật riêng. Bài biểu diễn của thiên cẩu gồm 2 phần: Phần thứ nhất Thiên cẩu và ông Địa xuất động, vái chào. Phần thứ nhì biểu diễn các tư thế, hoạt động của vật linh: ăn, xỉa răng, chìm vào giấc ngủ, thức dậy vươn vai liếm đuôi, gãi tai, vờn giỡn ông Địa, liếc mắt, thể hiện các sắc thái tình cảm vui vẻ, thận trọng, hung dữ, chạy nhảy, lộn qua các chướng ngại vật, cuối cùng là đốt pháo sáng hoặc tung bảng chào mừng, lạy tạ.
Các màn diễn của múa Thiên cẩu trong một bài múa gồm các bài ăn lá, bài ăn giải như thiên cẩu ăn nải chuối đặt trên ghế vuông, thiên cẩu ăn đồng tiền đặt trong thau nước dưới đất, thiên cẩu ăn cam, thiên cẩu “đăng thiên” phun lửa, tranh tài với Hồng Hài Nhi…
Nói về nét đặc sắc của điệu múa Thiên cẩu, võ sư Trần A Hồng cho biết: “Múa Thiên cẩu đi những thế tấn bên võ, đầu tiên là đinh tấn; kế đến là xa tấn, tức đi 2 chân chéo; thứ 3 là lập tấn, tức đi 2 chân khép, chỉ dùng khi vào cổng lớn của khu đình chùa, thể hiện sự khiêm tốn, khép nép khi vào nơi linh thiêng. Sau khi vào xong cổng rồi mới nhảy múa. Múa Thiên cẩu khác múa lân ở bài ăn lá rất hay, diễn tả trong vòng 3 phút, phải có thể lực mới múa nổi và người ta phải thay đổi người múa. Con lân múa chỉ cúi xuống, ngước lên còn Thiên cẩu thì có nhắp miệng. Nhắp miệng 3 lần, nhả ra đẩy đầu tới thì mới đẹp”.
Phục dựng để bảo tồn
Sau thời gian bị mai một, vài năm trở lại đây, múa Thiên cẩu được khôi phục lại ở Hội An. Trong các dịp Tết Trung thu có thi múa Lân, múa Thiên cẩu do chính quyền thành phố tổ chức. Tuy nhiên điệu múa này chưa phổ biến rộng rãi trong nhân dân như ngày xưa.
Võ sư Trần A Hồng khá tâm tư khi nói về điệu múa linh vật này: “Người dân hiện nay chuộng múa Lân hơn thiên cẩu. Vì điệu trống trong múa Thiên cẩu không hay, không hùng tráng, rộn rã bằng múa Lân. Hiện tại chỉ thấy cơ quan nhà nước là chú ý khôi phục thiên cẩu. Riêng tôi là đời thứ 3 trong gia đình gắn bó với múa Thiên cẩu nên tôi vẫn cố gắng giữ. Những năm qua chúng tôi đã múa trong Lễ hội Việt - Nhật, Hành trình di sản... Ngoài ra đôi khi cũng có khách đặt hàng để múa”.
Để bảo tồn điệu múa Thiên cẩu, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, thời gian tới thành phố tiếp tục mời những nghệ nhân am hiểu múa Thiên cẩu phục dựng các bài múa đặc trưng mang yếu tố tâm linh của múa Thiên cẩu như: đớp trẻ trừ sài, liếm cổng, nuốt cam, lạy bàn thờ tổ tiên... và đưa múa Thiên cẩu vào dạy tại các võ đường và một số trường trên địa bàn. Ngoài mục đích bảo tồn một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của phố cổ, thì việc phục dựng mang lại cơ hội thưởng thức loại hình múa linh vật đặc sắc cho cư dân Hội An và khách du lịch trong mỗi dịp trung thu, lễ tết.
(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.
15/09/2019 09:09 | QUẢNG NAM ONLINE
Tác giả: DUY HIỂN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn