Nhà gỗ Hội An - những giá trị và giải pháp bảo tồn
Thứ hai - 08/07/2013 00:01
Sách gồm có 3 chương: Chương 1: Tổng quan về khu phố cổ Hội An; Chương 2: Nhà gỗ Hội An - Những giá trị văn hóa; Chương 3: Nhà gỗ Hội An - Những giải pháp bảo tồn
Khu phố cổ Hội An, hạt nhân của đô thị cổ Hội An, một đô thị - thương cảng ngoại thương quốc tế thời trung - cận đại điển hình ở Việt Nam, ở Đông Nam Á và ở Châu Á, đã được Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới(1) và trở thành tài sản chung của nhân loại. Khu phố cổ gồm nhiều loại di tích kiến trúc nghệ thuật với những phong cách kiến trúc đa dạng thể hiện sự giao lưu, tiếp biến mạnh mẽ giữa các nền văn hóa trong nước và nước ngoài. Việc nghiên cứu về các ngôi nhà gỗ - những chứng tích vật chất chủ yếu cấu thành Khu phố cổ - có vai trò quan trọng trong việc nhận thức đầy đủ hơn, toàn diện hơn về giá trị lịch sử - văn hóa của khu Di sản Thế giới đô thị cổ Hội An. Các di sản kiến trúc trong Khu phố cổ Hội An hiện nay có niên đại xây dựng phổ biến vào thế kỷ XIX và được làm chủ yếu bằng gỗ. Do chịu nhiều tác động thường xuyên của các yếu tố khí hậu nhiệt đới ẩm (bão lớn, mưa nhiều, nắng gắt, lũ lụt, nhiệt độ và độ ẩm cao...) lại trải qua thời gian chiến tranh lâu dài nên nhiều di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ. Việc nghiên cứu, điều tra, xác định những giá trị lịch sử - văn hóa cùng hiện trạng kỹ thuật để tìm ra những giải pháp gia cố, bảo quản và tu sửa các ngôi nhà gỗ đã và đang là một trong những vấn đề rất bức thiết hiện nay của công tác bảo vệ và phát huy giá trị của khu Di sản Văn hóa Thế giới này. Khu phố cổ Hội An là một di tích SỐNG, là nơi cư trú, hoạt động mưu sinh của con người từ bao đời. Việc nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp để bảo tồn tính nguyên gốc của di sản kiến trúc truyền thống trước những áp lực của xu thế hiện đại hóa kiến trúc, của việc phát triển kinh tế du lịch, của việc tăng dân số và nhu cầu nhà ở, ... đang là vấn đề hết sức bức xúc của địa phương. Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin, từ năm 1999, Thị xã Hội An đã có Nghị quyết chuyên đề và lập Đề án xây dựng Hội An trở thành đô thị văn hóa đầu tiên trong cả nước vào năm 2005. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đề án xây dựng thị xã văn hóa là nghiên cứu, bảo vệ và phát huy vốn di sản văn hóa của tiền nhân, đặc biệt là di sản kiến trúc Khu phố cổ mà loại hình di sản văn hóa vật thể điển hình nhất là những ngôi nhà gỗ. Cho đến nay đã có khá nhiều (và ngày càng nhiều) công trình nghiên cứu về quá trình hình thành và phát triển của Khu phố cổ Hội An hoặc có liên quan đến Khu phố cổ Hội An. Tuy nhiên, chưa có công trình chuyên khảo nào đi sâu nghiên cứu về giá trị lịch sử - văn hóa và các giải pháp bảo tồn các ngôi nhà gỗ trong Khu phố cổ. Những tấm phản gỗ bóng nhẵn, những viên gạch, viên đá mòn vẹt, những lan can cầu thang trơn bóng,... mỗi ngóc ngách trong ngôi nhà gỗ Hội An đều ẩn chứa hơi thở, tâm hồn của con người nơi đây bao thế hệ. Lư hương trên bàn thờ gia tiên đã bao lần thay cát. Rêu xanh trên bờ tường, mái ngói đã mấy độ hồi sinh. Những đôi mắt cửa, những con cá chép, những con dơi,... trên vách, trên kèo đã chứng kiến lặng thầm biết bao đổi thay của đất và người Phố Hội ! Ngôi nhà gỗ Hội An, quần thể di sản kiến trúc khu phố cổ Hội An chính là bức thông điệp của các lớp tiền nhân gửi lại cho muôn đời sau toàn bộ giá trị để được thụ hưởng và tất cả trọng trách cần phải vun đắp, bảo tồn. Là người Hội An, được đào tạo chuyên ngành và gần 20 năm trực tiếp làm công tác nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ trong một cơ quan chuyên trách(2) nên chúng tôi quyết định lựa chọn “Nhà gỗ Hội An - Những giá trị và giải pháp bảo tồn” làm đề tài nghiên cứu nghiêm túc và đầy tâm huyết từ năm 2002. Với thái độ tôn vinh, tự hào về các di sản văn hóa của tiền nhân và bằng tình yêu quê hương tha thiết, chúng tôi hy vọng rằng đây là đề tài nghiên cứu sẽ được vận dụng vào thực tiễn và đem lại một số kết quả nhất định: - Góp phần nâng cao nhận thức về những giá trị lịch sử - văn hóa của các di sản kiến trúc, đặc biệt là loại hình nhà gỗ trong Khu phố cổ Hội An, từ đó, nâng cao ý thức trân trọng và bảo vệ những di sản văn hóa của tiền nhân còn được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác mà đến nay nhân dân thị xã Hội An đang là những chủ sở hữu hợp pháp. - Kiến nghị các chính sách, giải pháp phù hợp với lãnh đạo và các cơ quan chức năng của địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà gỗ trong Khu phố cổ, góp phần đổi mới việc bảo vệ và phát huy khu Di sản Văn hóa Thế giới Hội An. - Góp phần giải quyết có hiệu quả mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa và phát triển, giữa việc bảo tồn nguyên trạng kiến trúc truyền thống với việc đáp ứng nhu cầu dân sinh hiện nay, giữa việc đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch với việc giữ gìn bản sắc văn hóa của Hội An, của Quảng Nam và của cả dân tộc.