Kỷ yếu Cù lao Chàm : vị thế - tiềm năng và triển vọng
Thứ hai - 29/07/2013 22:08
Khi nói Cù Lao Chàm - hòn ngọc của biển Đông là nói đến vị thế, tiềm năng của nó. Lần giở từng trang “sách đất”, từng trang tư liệu thư tịch hay tư liệu dân gian, chúng ta thấy rằng Cù Lao Chàm đã trải qua một chặng dài lịch sử, với nhiều lớp cư dân sống, lao động trên nền tài nguyên thiên nhiên biển - đảo, có sự giao lưu mạnh mẽ với trong nước và quốc tế. Nét nổi bật của quá trình hình thành và phát triển này, thể hiện ở chỗ ngay từ thời Tiền sử (cách nay trên 3.000 năm) đã có cư dân sinh sống tại Cù Lao Chàm và cư dân Sa Huỳnh bản địa đã xem Cù Lao Chàm là điểm dừng chân để vào một Tiền - Cảng thị sơ khai ở Hội An.
Khi nói Cù Lao Chàm - hòn ngọc của biển Đông là nói đến vị thế, tiềm năng của nó. Lần giở từng trang “sách đất”, từng trang tư liệu thư tịch hay tư liệu dân gian, chúng ta thấy rằng Cù Lao Chàm đã trải qua một chặng dài lịch sử, với nhiều lớp cư dân sống, lao động trên nền tài nguyên thiên nhiên biển - đảo, có sự giao lưu mạnh mẽ với trong nước và quốc tế. Nét nổi bật của quá trình hình thành và phát triển này, thể hiện ở chỗ ngay từ thời Tiền sử (cách nay trên 3.000 năm) đã có cư dân sinh sống tại Cù Lao Chàm và cư dân Sa Huỳnh bản địa đã xem Cù Lao Chàm là điểm dừng chân để vào một Tiền - Cảng thị sơ khai ở Hội An. Thời Champa, Cù Lao Chàm trở thành tụ điểm giao thương quan trọng trên con đường hàng hải quốc tế, đồng thời là bức bình phong cho một Chiêm Cảng, một Lâm Ấp phố phía trong. Cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, cư dân Đại Việt đã tiếp tục xây dựng Cù Lao Chàm trở thành đảo tiền tiêu, điểm dừng chân cho các tàu thuyền quốc tế qua lại trên biển Đông hoặc ghé vào Đô thị - Thương cảng Hội An. Vào các thế kỷ trước, thương nhân nhiều nước phương Đông và phương Tây đều khao khát về vùng đảo Cù Lao Chàm, coi đây là cơ sở lý tưởng cho những dự định, toan tính về kinh tế, quân sự và ngoại giao đối với nước Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam. Có thể khẳng định rằng, trải qua các thời kỳ lịch sử, các lớp cư dân địa phương đều nhận thức rõ về những lợi thế - tiềm năng của vùng đảo này và có tầm nhìn, tư duy đúng đắn để phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa và bảo vệ lãnh thổ; đồng thời đương đầu với mọi gian nan thử thách để sống, tồn tại và làm nên vốn liếng lịch sử văn hoá độc đáo, đa dạng truyền lại cho đến ngày nay. Như một tặng vật quý của tạo hóa ban cho Hội An - Quảng Nam, cụm đảo Cù Lao Chàm có vị thế địa lý lý tưởng, khoảng cách giữa đảo với đất liền tạo nên một khoảng không gian cửa sông - ven biển cần và đủ để vừa đón nhận nguồn nước từ thượng nguồn Vu Gia, Thu Bồn đổ về, vừa đón nhận dòng Cổ Cò phía Bắc, dòng Trường Giang phía Nam cùng hợp lưu, hòa trộn trước khi đổ ra Cửa Đại Chiêm tạo nên vùng sinh thái đa dạng, phong phú. Cụm đảo được dàn trải hình cánh cung như bức tường thành chắn sóng cho đất liền, là vùng an toàn cho tàu thuyền trong khu vực tránh bão. Đặc biệt, trên các vách đá cheo leo, chót vót tại các hang đảo, là nơi sinh sống của loài chim yến, mà tổ của nó có giá trị rất cao về kinh tế và y dược, được ví như “vàng trắng”, “thần dược”. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà khoa học, kinh tế, du lịch,… đều đánh giá cho rằng Cù Lao Chàm sẽ là “thiên đường du lịch” trong tương lai. Đó là những đánh giá có chiều sâu và hết sức nghiêm túc về những tiềm năng, lợi thế, triển vọng của Cù Lao Chàm mà cho đến nay mới chỉ hé lộ chút ít qua những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực. Ngoài vị trí chiến lược quốc phòng, tiềm năng, lợi thế ấy, thể hiện trước hết ở tài nguyên nhân văn với số lượng, loại hình phong phú, dồi dào, độc đáo phản ảnh rõ nét đặc trưng văn hoá biển - đảo. Đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, là các rạn san hô nguyên sinh tuyệt đẹp, là các loài động - thực vật của rừng - núi - biển - đảo, trong đó nhiều loài được ghi vào sách đỏ động - thực vật Việt Nam. Tất cả những yếu tố đó chính là nguồn tiềm năng, lợi thế có tính chất quyết định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Cù Lao Chàm trước mắt lẫn lâu dài. Trong phạm vi ảnh hưởng của nó, chắc chắn Cù Lao Chàm sẽ là một thực thể sống động, giữ vai trò trung tâm khởi phát của những bước nhảy vọt về kinh tế du lịch - thương mại ở khu vực. Nếu Khu Phố cổ Hội An đã và đang tạo nên sức hút chung cho hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam và cả khu vực miền Trung thì trong tương lai, Cù Lao Chàm sẽ là một điểm đến làm nhân đôi sức hấp dẫn ấy. Bởi cùng với việc các di tích khảo cổ - kiến trúc nghệ thuật ở Cù Lao Chàm được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia(ngày 13/12/2006) và “thiên đường du lịch” này chắc chắn sẽ được khẳng định hơn, tôn vinh hơn khi mà cả một vùng đảo - biển rộng lớn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới. Đến với Cù Lao Chàm, chúng ta sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ huyền bí, được tiếp cận những truyền thuyết đầy ấn tượng phảng phất văn hoá tâm linh của cư dân đương đại kể về thời quá khứ. Từ đây, chúng ta sẽ càng yêu quý, trân trọng hơn về Di sản Văn hoá, Di sản Thiên nhiên của nhân loại, sẽ có cơ hội suy gẫm nhiều điều về cuộc sống, về sinh thái, về sinh quyển, về sự tồn tại - phát triển bền vững của kinh tế, của văn hóa và của bản thân con người. Như một sự tiếp nối đầy ưu tư về tính chất quan trọng của vùng đảo Cù Lao Chàm, gần đây, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam và thị xã Hội An đã có những định hướng chiến lược để xây dựng và phát triển Cù Lao Chàm xứng đáng với vị thế - tiềm năng vốn có của nó. Nhiều dự án, chương trình khảo sát, nghiên cứu về Cù Lao Chàm đã được triển khai, kết quả bước đầu rất khả quan, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng, phát triển Cù Lao Chàm một cách bền vững, đúng hướng. Cù Lao Chàm, quả là vùng biển - đảo giàu tiềm năng chưa được khai thác, nhưng rồi đây các Nghị quyết có tầm chiến lược phát triển kinh tế biển - đảo của Trung ương, tỉnh Quảng Nam, thị xã Hội An đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực. Nghĩa là, cả Nước, cả Tỉnh, cả Thị xã tập trung lo cho Cù Lao Chàm phát triển trong tương lai bằng sự huy động tổng lực từ nhiều nguồn tài chính, nhân lực và cả một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù... Các thiết chế phục vụ cộng đồng thuộc về lĩnh vực giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khoẻ, về viễn thông, về phát thanh, truyền hình, về văn hoá, về nước sạch, về thu gom xử lý chất thải, nước thải đã và sẽ được thiết lập. Hy vọng rồi sẽ có đường điện ngầm mang nguồn điện quốc gia ra đảo, giao thông giữa đất liền với đảo được nối thông hiện đại và bao ước mơ, những khao khát rất đời, rất người từ bao đời nay rồi sẽ thành hiện thực trên vùng đảo này. Trước những thành quả khoa học kỹ thuật của thiên niên kỷ mới và xu thế hội nhập hóa toàn cầu; với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước; với những hoạch định chiến lược đúng đắn; cùng với một hệ thống giải pháp đồng bộ, phù hợp, khả thi,... Cù Lao Chàm nhất định sẽ vươn lên trở thành khu kinh tế du lịch - sinh thái biển có chất lượng cao gắn với các dịch vụ cao cấp, độc đáo của Hội An, của tỉnh Quảng Nam. Cù Lao Chàm, từ vị thế đặc biệt cùng với những tiềm năng phong phú đang bước vững chắc cho một triển vọng tương lai ngời sáng.