Lời thưa ...
Pulociam - Đại Chiêm Hải Khẩu - Chiêm Cảng - Lâm ấp Phố của Vương quốc Champa. Rồi Cù Lao Chàm - Cửa Đại - Thương cảng/Phố cảng Faifo/Hội An của nhà nước Đại Việt - Đại Nam trong lịch sử, vốn là một địa chỉ nổi tiếng quen thuộc trên con đường hàng hải. “Con đường tơ lụa trên biển” của thương nhân nhiều nước trên thế giới và trên hành trình truyền giáo của các Giáo sĩ phương Tây.
Chính vì thế mà địa danh này được nhiều bộ chính sử của Việt Nam, của vùng Ba Tư - ả Rập và Nam á của Trung Quốc, Nhật Bản... ghi chép lại. Và nhiều bản tấu trình, báo cáo, ký sự,... của các nhà sử gia, thương nhân, giáo sĩ đương thời ghi chép, mô tả, đáng chú ý ở trong nước có tác phẩm Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn; ở ngoài nước có ký sự của Thích Đại Sán, Chu Thuấn Thủy, Cristophoro Borri, A. Lexandre De Rhodes, Pierre Poive, J.Barrow,... Đến trước năm 1975, có nhiều tác phẩm, bài viết, nghiên cứu của các tác giả như: Sallet, Đào Duy Anh, Nguyễn Thiệu Lâu, Trần Kinh Hòa, Thành Thế Vỹ, Phan Khoang, Phan Du,... và gần đây có nhiều chuyên khảo, nghiên cứu đã xuất bản của các tác giả ở trong nước như Đỗ Bang, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Quốc Hùng,... ngoài nước của LiTaNa, Ogura Sadao. Viện nghiên cứu văn hóa quốc tế (Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản). Đặc biệt với 2 bộ Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Đô thị cổ Hội An: Quốc gia năm 1985 và Quốc tế năm 1990...
Trên đây là nguồn sử liệu, tư liệu, các công trình nghiên cứu mà bất cứ ai ngày nay, khi nghiên cứu, viết về Faifo - Hội An trong lịch sử đều phải trân trọng, tham khảo. Tuy nhiên, với chuyên khảo về cộng đồng “Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử” qua các chương mục: Lịch sử hình thành; Đời sống kinh tế; Đời sống văn hóa và với cách tiếp cận, trình bày của ngành dân tộc học, văn hóa học (văn hóa dân gian), dựa trên thành tựu, kết quả nghiên cứu của khảo cổ học, lịch sử, kiến trúc,... thì có thể xem đây là một cuốn sách chuyên khảo đầu tiên về cộng đồng cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử dưới góc độ dân tộc học.
Để hoàn thành cuốn sách nhỏ bé này (nguyên là Đề tài Luận văn Tốt nghiệp Đại học - chuyên ngành Khoa học Lịch sử năm 1985 và Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh năm 1987 - 1989 của bản thân) với những mong muốn được đóng góp hết sức khiêm tốn cho việc tìm hiểu về cộng đồng “Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử”, bản thân tác giả may mắn có được gần 30 năm sống, trong đó có 20 năm công tác liên tục tại Hội An, với sự quan tâm đầu tư, ủng hộ, động viên hết sức quý giá của Đảng bộ, Chính quyền nhân dân Hội An trong suốt những năm qua. Và cũng không thể không nói đến sự dìu dắt, định hướng, dạy dỗ của cố giáo sư Trần Quốc Vượng; Của người thầy, người anh, cố GS.TS. Trịnh Cao Tưởng; Người thầy, người cha, nhà nghiên cứu văn hóa quá cố Nguyễn Bội Liên; Sự hướng dẫn tận tình của các thầy Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Văn Mạnh (giảng viên Khoa Sử Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Khoa học Huế); Cùng hơn 50 nhân chứng là các cụ cao niên sống tại các làng/ xã ở Hội An (Nhất là vào những năm 1990 trở về trước); Các đồng nghiệp từ Trung tâm nghiên cứu liên văn hóa - lịch sử (Khoa sử - Đại học KHXH - Nhân văn Hà Nội), Bảo tàng Quảng Nam, đặc biệt có thể nói, thành quả của tác giả cũng chính là kết quả của đồng nghiệp - tập thể “Nhóm nghiên cứu Hội An” từ Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An (năm 1986) - đến Tổ Nghiệp vụ Quản lý Di tích - Phòng Văn hóa TT-TDTT và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An hiện nay (bao gồm cả nguồn tư liệu ảnh và kết quả nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực).
Có thể nói, thực ra tác giả xin làm công việc ghi chép, tập hợp, hệ thống lại những kết quả nghiên cứu của bao thế hệ, các nhà khoa học trong ngoài nước, của tập thể đồng nghiệp. Đặc biệt, cố gắng ghi chép, tập hợp, mô tả lại những lời kể của nhân chứng - là các cụ cao niên ở Hội An, qua quá trình tự sưu tầm, quan sát suốt gần 30 năm và cũng qua lăng kính nhận biết chủ quan của bản thân. Tuy nhiên, chắc chắn còn rất nhiều hạn chế về nội dung, ngộ nhận về hiện tượng văn hóa... mà không thể tránh khỏi đối với bất cứ một công trình chuyên khảo nào của cá nhân, nhất là đối với một chuyên khảo như thế này. Rất mong được đón nhận và sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp bổ sung của tất cả các nhà nghiên cứu - độc giả.
Tác giả sách: Nguyễn Chí trung
Ý kiến bạn đọc
Những sách mới hơn
Những sách cũ hơn