Sách gồm 3 phần: - PHẦN I : Giới thiệu Tổng quan về Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An - PHẦN II : Giới thiệu hệ thống các di tích, di chỉ và hiện vật Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An - PHẦN III : VĂN HOÁ SA HUỲNH Ở MIỀN TRUNG VÀ KHU VỰC Miền Trung Việt Nam từ Văn hoá Bàu Tró - Sa Huỳnh đến Văn hóa Champa hay là bối cảnh và tảng nền Địa - Văn hóa miền Trung
Diễn trình lịch sử Hội An từng trải qua các thời kỳ: Tiền - Sơ sử (Thế kỷ thứ II sau Công nguyên trở về trước), Champa (Thế kỷ thứ II - Thế kỷ XV), và sau đó là Đại Việt - Đại Nam - Việt Nam (Thế kỷ XV - Thế kỷ XIX). Trong thời Tiền - Sơ sử nổi trội lên là lớp cư dân thuộc phức hệ Văn hoá Sa Huỳnh đã từ lâu được đặt vấn đề đi sâu nghiên cứu. May sao Dự án “Khai quật khảo cổ về di tích văn hoá mộ chum Sa Huỳnh ở Thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng” đã được xây dựng và triển khai thực hiện trong 3 năm (từ tháng 1/1993 đến tháng 11/1995). Dự án do Ban Quản lý Di tích Hội An thực hiện dưới sự tài trợ của TOYOTA FOUNDATION và được GS. Trần Quốc Vượng - Đại học Quốc gia Hà Nội, GS. Eiji Nitta - Đại học Kagoshima (Nhật Bản) làm cố vấn về chuyên môn. Sau các bước điều tra thám sát - khai quật khảo cổ học, kết quả đạt được ngoài việc thiết lập Nhà Trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An với 2.397 hiện vật phong phú, đa dạng về chủng loại, chất liệu, đủ điều kiện phục vụ nghiên cứu khoa học, góp thêm một sản phẩm du lịch Hội An, nhóm thực hiện dự án đã tổ chức một Hội thảo có tầm cỡ Quốc tế chuyên đề về Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An. Hội thảo về Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An diễn ra trong 2 ngày 23 - 24/11/1995 tại Hội trường Công viên Hội An. Hội thảo đã tập hợp được 28 bản báo cáo khoa học của 26 nhà nghiên cứu thuộc 11 cơ quan khoa học chuyên ngành trong nước và 2 cơ quan khoa học của Nhật Bản. Tham dự hội thảo còn có một số các vị đại biểu đại diện cho 17 cơ quan liên quan, 9 cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Hội thảo đã tập hợp được những tham luận đi vào từng địa điểm khảo cổ Văn hoá Sa Huỳnh đã được phát hiện, bước đầu được thám sát, khai quật ở Hội An trong 3 năm. Tham gia Hội thảo còn có nhiều tham luận khoa học khác của các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nhật Bản nhằm làm sáng tỏ Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An khi đặt trong một phối cảnh rộng lớn hơn, của Sa Huỳnh xứ Quảng, Sa Huỳnh miền Trung, Sa Huỳnh cả nước, Sa Huỳnh Đông Nam Á... đồng thời có ý nghĩa mở đường cho những dự án tiếp theo của Ban Quản lý Di tích Hội An trong việc khám phá những diễn trình văn hoá, từ Sa Huỳnh qua Champa cổ đại trên đất Hội An. Kết thúc Hội thảo, Giáo sư Trần Quốc Vượng, trong vai trò chủ trì, đã có bài Tổng thuật quan trọng nhằm đánh giá và khẳng định Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An “góp phần chứng minh Văn hóa Sa Huỳnh là nền Văn hóa bản địa. Đồng thời thấy rõ hơn từ thời Sa Huỳnh, Hội An đã là một Tiền cảng thị (pre- Port Town) hay là một Cảng thị Sơ khai làm nền cho sự phát triển các thời kỳ thương cảng Hội An sau này”, nhưng điều quan trọng hơn là việc nghiên cứu Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An còn “có ý nghĩa sẽ là hệ quy chiếu Sa Huỳnh muộn - Chăm sớm cho các nhà Sa Huỳnh học và Chăm học của cả nước và thế giới”. Do điều kiện không cho phép nên Kỷ yếu Hội thảo đã không kịp thời ra mắt bạn đọc và các nhà khoa học trong ý nghĩa tiếp sức cho mạch suy nghĩ của từng người ngay từ sau Hội thảo. Vừa qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Thị xã, nhằm đáp ứng nhu cầu tham khảo, tìm hiểu của nhiều người, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hoá Sa Huỳnh ở Hội An đã được biên tập lại để xuất bản với tinh thần giữ nguyên nội dung các tham luận (và cả học hàm, học vị, chức vụ, nơi công tác) của các học giả đã trình bày tại Hội thảo như một sự ghi nhận quá trình tư duy nhận thức lịch sử và khoa học. Đây cũng là công trình có ý nghĩa thiết thực nhằm kỷ niệm 5 năm ngày Đô Thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Xin trân trọng cảm ơn các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, cảm ơn TOYOTA FOUNDATION, cảm ơn lãnh đạo thị xã Hội An,... đã tích cực tham gia nghiên cứu, tài trợ, tạo nên sự thành công của Dự án, của Hội thảo và tạo điều kiện cho sự ra đời tập Kỷ yếu này !