Ẩm Thực ở Hội An

Thứ ba - 06/10/2015 00:17
Trong quá trình tồn tại và phát triển, mọi người dân đều không quên được thói quen khẩu vị trong ẩm thực/ ăn - uống của dân tộc - quê hương mình và đều nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ăn - uống. Bởi nó mang tính bền chắc, truyền thống của một cộng đồng dân cư. Nó được hình thành và định hình trải qua quá trình lịch sử lâu dài. Nó không chỉ là nhu cầu cơ bản nuôi sống cơ thể con người như bất cứ sinh vật nào khác (Có thực mới vực được đạo, Trời đánh còn tránh bữa ăn...), đồng thời và cao hơn nó còn là môi trường giao tiếp xã hội của con người (ăn trông nồi, ngồi trông hướng), hay nói chính xác hơn, ăn uống đã là văn hoá tận dụng môi trường tự nhiên. Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá còn gọi một cách trang trọng là “nghệ thuật ẩm thực”. Nhưng ăn gì, uống gì, cơ cấu bữa ăn, cách ăn ra sao... thì nó lại phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, địa hình thổ nhưỡng, môi trường sinh thái của mỗi vùng, mỗi khu vực.
          Ở Hội An, như chúng ta đã biết (xem chương I) tuy đất không rộng (khoảng 60km2) nhưng có địa hình thổ nhưỡng, môi trường sinh thái rất phong phú, đa dạng: sông - nước, biển - đảo, cồn - bầu, ao - đầm, ruộng - vườn...của vùng đồng bằng ở cửa sông - ven biển. Với điều kiện tự nhiên này cơ cấu bữa ăn trong cộng đồng cư dân Hội An vẫn theo truyền thống chung của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước (Việt Nam và Đông Nam á) - Đó là ưu tiên sử dụng thức ăn từ “nông sản” (Sản vật sản xuất từ nông nghiệp) - Thực vật là chủ yếu. Với công thức cơ cấu bữa ăn là: Cơm + Rau- Quả/trái + Cá/ mắm. Cơm được đứng hàng đầu, phải có (cơm tẻ là mẹ thuốc), nên bữa ăn còn gọi là bữa cơm; ăn cơm. Giáo sĩ người Bồ, C. Borri (sống ở Hội An từ 1618 - 1622) ghi nhận: Thức ăn thông thường nhất của người Đàng Trong là cơm và thật là điều kỳ lạ, toàn lãnh thổ có rất nhiều thứ thịt, gà, vịt,cá và trái cây đủ loại thế mà bữa ăn ngon nhất là cơm, họ xới thật nhiều cơm, ngay khi ngồi vào mâm ăn, rồi chỉ gắp sơ sơ và nếm náp các món thịt như theo nghi lễ [25,59]. Tuy nhiên, cây lúa trồng để cho ra thóc rồi gạo nấu thành cơm ở khu vực Hội An sản xuất ra rất bấp bênh, do diện tích trồng lúa quá nhỏ hẹp, lại khô hạn, nhiễm phèn vào mùa khô, ngập úng hay gặp gió - bão vào mùa mưa. Cho nên, thực tế ngày xưa họ thường ăn cơm độn - tức là cơm độn với khoai lang hoặc sắn, bắp...Khoai lang, sắn đến mùa được cắt mỏng, nhỏ đem phơi khô rồi đổ vào chum (đây là nguồn lương thực cũng rất quan trọng) đến khi ráp hạt (thời điểm giữa hai mùa lúa) hoặc nhất là năm mất mùa lúa thì bỏ chung khoai, sắn vào cùng với gạo nấu chín - gọi là cơm độn khoai hoặc sắn. Thực chất nhiều khi tỉ lệ độn khoai, sắn chiếm một nửa, vào những năm mất mùa, đói kém thì tỉ lệ cao hơn gạo.

       Thứ đến trong bữa ăn phải kể đến là rau - quả/trái (đói ăn rau, đau uống thuốc; ăn cơm không rau như nhà giàu chết không trống). Rau có rau cải, rau lang, rau sam, rau dền...; Quả/ trái có: bầu, bí, mướp, ổ qua, dưa...Hầu như phổ biến trong bữa ăn hàng ngày là có rau luộc, rau sống hoăc một vài món canh, xào từ các loại rau quả/trái hoặc củ (củ đậu, môn, khoai chói...). Rau sống là từ chỉ món ăn tạo thành bởi nhiều rau thơm, sống/tươi như: é, húng, răm, xà lách, diếp cá, đắng, ngò, hành, bắp chuối xắt mỏng... tất cả trộn chung vào nhau để ăn cùng với nước mắm hoặc ăn kèm với một số món ăn khác như: mì gà, mì xứa, bánh xèo, cao lầu, tam hữu, thịt heo cuốn bánh tráng...Canh phổ biến có món canh rau lang, rau muống, bầu nấu hến hoặc rau lang nấu mắm cái, hay dưa hồng nấu với tôm, bí ổ qua nấu với cá chuồn...Đây là các món canh rất dễ nấu, thông dụng, nhiêu người ưa thích. Ngoài ra còn có món canh hoặc luộc tổng hợp từ các loại rau: cọng bí, rau dền, rau sam, rau trai, ngò tàu...(còn gọi là rau Tập tàng) hoặc món rau đắng, diếp cá cũng được rất nhiều người dùng trong bữa ăn hàng ngày.

          Sau rau là mắm - cá, có thể nói mắm không được thiếu trong bữa ăn hàng ngày của từng gia đình (Ăn cơm mắm thấm về lâu; Lửa gần rơm như cơm gần mắm). Mắm ở đây có rất nhiều loại được chế biến từ cá như cá cơm, cá liệt, cá nục, cá dảnh, cá lầm...hoặc một số loại thuỷ sản như cáy, mạy mạy, ruốc...loại rút nước từ xác cá muối gọi là mắm nước. Loại mắm đặc biệt là loại mắm rút từ nước thứ nhất của chợp cá gọi là mắm nhỉ, loại mắm rút được làm từ loại cá ở vùng biển Cù Lao Chàm, còn tươi ngon thì chất lượng mắm càng cao. Loại không rút nước mà dùng chung với xác cá gọilà mắm cái. Loại cá muối còn nguyên con, có bột bắp/ngô, cá chín, thịt mềm xương giòn gọi là mắm/cá thính, kỹ thuật chế biến bảo quản loại này rất công phu. Mắm xổi là loại mắm làm ăn ngay (trong vòng 2-3 ngày hoặc 1 ngày), người ta thường dùng ruốc tươi để làm vì ruốc ít tanh, thân nhỏ. Khi làm, ngoài muối người ta cho thêm gia vị như gừng, riềng, rượu trắng, tỏi để mắm mau chín. Đặc biệt mắm dưa cũng rất phổ biến, đó là mắm cái dầm với các loại dưa, thơm/ dứa, đu đủ...xắt mỏng.Trong các loại mắm thì mắm làm từ cá dảnh (loại cá nước lợ, thân dẹp, sống ở các vịnh nước vùng cửa sông Hội An) rất nổi tiếng thơm ngon, ngọt dịu và từng được thượng kinh để cung tiến.

         Để được tươm tất hơn, ngon hơn trong bữa ăn người dân Hội An thường có món cá hoặc các loại thuỷ sản như: tôm, cua, mực... rất phong phú  ở vùng môi trường sông nước này. Cá thì có thể chiên, khi còn đang nóng giòn gắp ra đĩa đổ nước mắm có giả tỏi, ớt vào, hoặc cá nướng hay phổ biến hơn là cá kho (cá kho mặn, kho tiêu, kho om, kho rim, kho tộ, kho ngọt...). Mỗi loại cá hầu như lại có cách kho với gia vị khác nhau như: cá đối kho với dưa cải hoặc dưa leo/dưa chuột (muối); cá thu kho với cà chua; cá khế kho với thơm/dứa; cá nhám kho với thân chuối chát; cá liệt kho với khế; cá bống kho với nước dừa; cá chuồn kho với mít non...Hoặc cá nấu canh chua ngọt rất đơn giản,dễ ăn hợp khẩu vị đó là cá biển nấu với thơm/dứa, cà chua có bỏ tí hành, ngò; cá nục, cá chuồn nấu với dưa hồng, nấu với ổ qua... hay nấu canh cá diếc với rau răm, cá tràu/quả, cá trê thì nấu với dưa giá, đu đủ, măng... Ngoài ra còn một số loại gia vị như gừng, ớt, tiêu và một số loại rau thơm...cũng được sử dụng một cách hợp lý nhằm tăng hương vị cho các món ăn nấu từ cá.

         Nhìn chung, trên đây là cơ cấu bữa ăn phổ biến hàng ngày, trong mọi gia đình, cộng đồng cư dân lao động ở Hội An xưa. Còn vào các ngày lễ tết, cúng giỗ, tiệc mời...thì trên mỗi bàn/mâm ăn lại chủ yếu là các món ăn được chế biến từ các loại thịt gà, vịt hoặc heo, bò...hầu như không có cá và mắm cũng chỉ có loại mắm nước (để chấm). Thịt có thịt luộc, thịt kho hon và thịt xào, nấu/hầm với các loại rau quả/ củ như các loại đậu, bắp cải, su lơ, su hào, ổ qua, môn, đu đủ xanh...Rau thì chỉ có rau sống. Đặc biệt, những lúc này, người ta rất ít ăn cơm hoặc không ăn cơm mà chỉ ăn thức ăn. Như theo giáo sĩ Borri mô tả: “Họ không cần ăn cơm, vì cho là ai cũng sẵn có ở nhà mình” [25,60]. Ngoài ra trong những ngày này, phải có món bánh tráng nướng ăn đầu tiên. Khi tiếng bánh tráng bẻ ra để ăn giống như báo hiệu bữa ăn bắt đầu. Hoặc thường hay có món mì (gồm mì gà, mì thịt, mì tôm...), các loại bánh tổ, bành ít, bánh ú tro, bánh rò, bánh lăn, bánh in,...Trong đó có thể nói món mì thể hiện rõ phong cách ăn uống của cư dân Hội An “ăn chắc mặc bền”. Bà con người Hoa cũng có rất nhiều món ăn riêng trong các nhày lễ, tết, giỗ, hôn hỉ như  các món: phạch xồi, bún xào phúc kiến, cơm dương châu, khoai nhục, kim tiền kê, cá hấp, lường phảnh,  bánh bao, bánh vạc,cao lầu, hoành thánh, chè trôi nước...

       Thực ra, ngoài các bữa ăn chính, ăn giỗ, ăn tiệc,...còn có ăn sáng. Những người lao động như nông dân, ngư dân, thợ thủ công...thường hay nấu cơm hoặc cơm độn ăn với mắm cái, mắm nước, cá kho hoặc có thêm món canh hến (món này người ta chế biến sẵn, gánh đi bán vào sáng sớm - mua có thể ăn được ngay) hoặc canh hến ăn với khoai, sắn...luộc. Nếu không nấu ăn tại nhà, người ta có thể mua bún, mì, bánh bèo, bánh cuốn...bán sẵn tại một số điểm ở đầu làng, xóm hay góc phố, nơi họp chợ...ở Hội An còn có tục ăn nửa buổi giành cho những người lao động nặng, tức là sau khi ăn sáng đến 9 - 10h (nửa buổi sáng) thì có ăn mì, bún, bánh đúc, bánh bèo, bánh ú... hay có khi không phải ngày tết, giỗ gì nhưng rảnh rỗi vào lúc nông nhàn, vãn việc, lúc thời tiết mưa gió không làm việc thì có thể trong gia đình hoặc 2-3 nhà rủ nhau làm món mì hay phổ biến vào mùa mưa là món bánh xèo, món bánh tráng cuốn thịt heo, rau sống để “ăn chơi”- “ăn cho vui/zui”, vừa ăn no, vừa tạo được không khí vui vẻ trong gia đình, hàng xóm, bạn bè...Hoặc nữa ăn quà hay ăn hàng cũng rất phổ biến đối với các bà, mẹ, chị, ăn xong lại mua về cho con, cháu (Nửa đêm gà gáy o o.../ Đi chưa đến chợ đã lo ăn quà). Quà thường là các loại bánh, quả nếu ăn tại chợ thì cũng có rất nhiều món hấp dẫn như mì, cao lầu, hoành thánh, bánh bao, bánh vạc, tiết canh, xôi thịt xíu, hột vịt lộn, lường phảnh, xí mà, tàu xá, chè, cháo bột báng tôm cua, bún giò, phở,...(Hội An trăm vật trăm ngon/ Từ từ lỗ miệng cho chồng con được nhờ). ở phố/thị người dân còn có ăn khuya với các món ăn phụ trước khi đi ngủ.

        Như vậy, tuỳ vào đặc điểm nghề nghiệp, địa bàn, hoàn cảnh dân cư,...mà có các bữa ăn chính, ăn sáng, ăn nửa buổi, ăn hàng/ăn quà hay ăn khuya. Thường phổ biến có 3 bữa ăn trong 1 ngày là 2 bữa ăn chính (trưa, tối/chiều) và một bữa ăn phụ (ăn sáng/ăn điểm tâm). Bữa sáng vào khoảng lúc 5 - 6 giờ, ở phố/thị thường muộn hơn. ăn trưa vào khoảng lúc 11giờ, còn ăn tối/chiều vào lúc 17 - 19 giờ. Một số ít vùng khó khăn về kinh tế cùng với đặc điểm làm ăn, nghề nghiệp nên bữa sáng và bữa trưa còn lại một bữa, ăn vào lúc 9 - 10 giờ và bữa ăn chiều vào lúc 16 - 17 giờ, tức là chỉ có 2 bữa trong ngày. Một số vùng ngư dân đi biển ăn bữa chiều vào lúc 14 - 15 giờ sau đó ra khơi đánh bắt.

          Tập quán trong ăn uống ở người Hội An cũng tuân thủ một số kiêng cữ mang tính tục lệ. Ví dụ, khi bạn bè đến nhà chơi hoặc con cháu ở xa về thì thường không giết gà mà giết vịt. Ngày tết Đoan  Ngọ (5/5 âm lịch) thì giết vịt không giết gà, nhưng ngày tết Nguyên Đán thì lại giết gà không giết vịt; khi ăn cá chiên/rán, cá hấp thì phải gỡ xương, không được lật cá; ngư dân cữ ăn cá xanh xương, cá nạng, cá đuối...Người ốm/đau dậy không được ăn trứng vịt, người hen, suyễn không được ăn thịt gà (gà độc thịt/vịt độc trứng)...

           Người Hội An cũng rất phổ biến với tục ăn trầu, hút thuốc lá (lá cây thuốc, phơi khô, khi hút xé ra cuốn lại châm lửa hút), nữ cũng rất nhiều người hút và chiếm tỉ lệ khá cao. Uống thì hay uống nước lá chặt nhỏ phơi khô. Đó là loại lá cây chè tươi, sử dụng lá non, chặt nhỏ phơi, xao lửa cho khô gọi là chè chín hoặc chè đen. Hoặc các loại cây lá thuốc Nam gọi là “lá mồng 5” (vì hái/mua vào dịp mùng 5/5 âm lịch). Khi nấu thì đổ ít nước, cô đặc, luôn đặt trên bếp lửa cho nóng. Lúc uống thì chế ra gáo dừa, bát, chén...rồi pha thêm “nước lạnh/nước lã” vào để uống. Rất ít nhà dùng trà, hoặc pha/hãm chè tươi. Nếu có chủ yếu ở dân phố thị hoặc cộng đồng người Hoa. Nhìn chung, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: xét về hương vị ăn uống của cộng đồng cư dân Hội An thiên về: ăn cay -  uống đậm - hút nặng.

        Tập quán ăn uống ở cộng đồng cư dân Hội An, đáng nói nữa là tính hiếu khách. Khi nhà có khách đến thăm chơi, gia chủ dù có túng thiếu, ngày thường ăn rau mắm...thì ngày đó luôn có món ăn ngon để đãi khách. Thậm chí để tỏ thịnh tình của chủ nhà cũng như sự tôn trọng đối với khách, nhiều nhà khi có khách thì đàn bà, con trẻ thường ăn sau hoặc ăn ở nhà dưới. Tập quán “nhịn miệng đãi khách” cũng ăn sâu trong nếp sống, ứng xử trong cộng đồng cư dân Hội An. Khác với tập quán của cư dân phía Bắc, ở Hội An, các gia đình khi đang ăn cơm nếu có khách đến chơi thì mời khách ngồi chơi, uống nước và xin phép tiếp tục ăn xong rồi ra tiếp khách hoặc chủ nhà phải tạm dừng bữa ăn để ra ngồi chơi, tiếp khách uống nước, nói chuyện, chứ không mời khách ăn/xơi cơm cùng gia đình mình khi đang ăn dở. Còn nếu thật sự muốn mời vì biết khách ở xa đến, ở chơi lâu hoặc khách đói, hay đã đến bữa mà khách chưa ăn thì cũng mời khách ngồi chơi uống nước, đồng thời  nhắc người nhà nấu cơm mời khách dùng riêng. Trong bữa ăn ở gia đình, ở nơi công cộng, tôn ti trật tự và các lễ tiết về ăn uống luôn được đề cao (ăn xem nồi, ngồi xem hướng). Trước khi ngồi vào bàn ăn, người cùng lứa thường mời nhau hoặc các bậc tôn trưởng, chủ gia đình, những người lớn trong gia đình, tộc họ, làng xã thì luôn được mời vào bàn trước, khi những người này cầm đũa thì lần lượt những người nhỏ hơn hoặc trẻ con mới được cầm đũa ăn. Đối với người Hoa hay ngồi ăn trên bàn tròn, ghế kiểu ghế đôn tròn, còn người Việt ngồi ăn trên bàn hình chữ nhật, ghế băng/ “con ngựa”. Đồng thời những người lớn trong gia đình luôn có vị trí/ chỗ ngồi trân trọng, cố định (gần như dành riêng). Trong những ngày giỗ, tiệc, nếu dọn bàn dài (tức là các bàn hình chữ nhật nối lại) thì vị trí của người lớn ngồi được tính từ ngoài vào (tức là người lớn nhất hay người chủ lễ ngồi đầu bàn ở phía ngoài, rồi lần lượt đến người nhỏ nhất ngồi đầu bàn ở phía trong). Nếu dọn bàn tròn hoặc dọn nhiều bàn dài thì thứ tự ngồi cho người lớn - nhỏ được tính theo: bàn trên - bàn dưới, bàn trong - bàn ngoài (nhà). Tuy vậy, cách ngồi ăn vẫn thể hiện sự chan hoà, ấm cúng, vui vẻ trong một bữa ăn của một gia đình, tộc họ, hay bữa tiệc. Đây có thể là cách ngồi trên bàn ăn sau này, còn ở vào thế kỷ XVII, theo Borri mô tả thì “Người Đàng Trong (Hội An) ngồi trên đất để ăn, chân xếp lại, trước một bàn, cao ngang bụng”.[25,60] Hoặc “họ đặt mâm trên một cái gác với những thanh nứa”(Theo chúng tôi đây là cái bàn tre - NCT) [25,61]. Khi ngồi vào bàn ăn, khác với người Hoa dọn từng món một - hết món này dọn món khác, người Việt có bao nhiêu món (bát, dĩa...) thì đều dọn hết ra cùng một lúc, chất hết lên bàn (nhiều khi xếp lớp, chồng lên nhau). Như Borri cho biết “Trên đó (bàn) họ bày và chồng chất ngoạn mục hết các món, gồm tất cả các thổ sản trong xứ như thịt, cá, gà, vịt, thú vật bốn cẳng, gia súc hay giã thú, với hết các thứ trái cây có thể có trong mùa” [25,61].Trường hợp có uống rượu (trong ngày giỗ kỵ, cúng quả...) thì ở người Việt những người uống rượu thì được mời uống trước tại bàn riêng, nhiều ít tuỳ theo khả năng của mình, rồi ngồi vào ăn một lèo/hèo, xong đứng dậy, chứ không vừa ăn vừa uống như người Hoa, hoặc người Bắc. Nhìn chung, trong bữa ăn hàng ngày của cư dân lao động ở Hội An xưa rất đơn giản, họ ít cầu kỳ trong bữa ăn, thường để giành nó vào những ngày lễ tết, giỗ chạp, tiệc tùng, lúc nhàn rỗi... đúng như giáo sĩ Alexandre de Rhodes nhận xét: “Đã hẳn ở đây không sản xuất lúa mì, trái nho, dầu ô liu, nhưng đừng tưởng sống ở đây kham khổ. Họ có những thứ mà ta không có, do đó bữa ăn của họ chẳng thua kém bữa ăn của người Âu” [99,25].

Chú thích: 
25. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch, Thành Phố Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
26. Nhóm tác giả (1987), Danh nhân đất Quảng, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng.
27. Võ Văn Dật(1974), Lịch sử Đà Nẵng, Huế: Tiểu luận Cao học Sử học  - Trường Đại học Văn khoa - Viện Đại học Huế.
28. Phan Đại Doãn (1990), Hội An với Đàng Trong, Hội thảo khoa học Quốc tế Hội An.
29. Phan Đại Doãn (1990), Đô thị Hội An, mấy đặc điểm kinh tế xã hội, tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 5.
30. Phan Du(1974), Quảng Nam qua các thời đại, quyển thượng, Đà Nẵng: Ban Tu - thư Thị hội Cổ học Đà Nẵng xuất bản.
31. Lâm Mỹ Dung (1999), Những phát hiện về khảo cổ học Cù Lao Chàm - Báo cáo tại Hội thảo quốc tế Quan hệ Việt  - Nhật.
32. Đại Việt sử ký tục biên(1676 - 1789), Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1990.
33.Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
34. Bùi Xuân Đính (1983), Lệ làng phép nước, Hà Nội: NXB Pháp lý.
35. Trịnh Hoài Đức(1972), Gia Định Thành thông chí, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Văn Tạo, Sài Gòn: Nxb Khai Trí.
36. Vũ Minh Giang (1990), Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An, Hội thảo khoa học Quốc tế Hội An.
37. Vũ Minh Giang (1992), Đào Duy Từ đã chọn chúa Nguyễn Phúc Nguyên để phò giúp, tạp chí Huế Xưa và Nay, số 2.
38. Trần Văn Giàu (1958), Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước năm 1858, Hà Nội: NXB Văn hóa.
39. Trần Văn Giàu (1992), Vài nhận xét về thời Nguyễn, tạp chí Huế Xưa và Nay, số 2.
40. Châu Hải (1992), Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
41. Châu Hải (1992), Người Hoa ở phố Hiến trong mối quan hệ với người  Hoa ở đô thị Việt Nam cùng thời, Hội thảo khoa học Phố Hiến.
42. Lê Văn Hảo (1984), Một phát hiện khảo cổ học quí giá, Khu phố cổ Hội An, Tạp chí Thông tin Khoa học và kỹ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng, số 3.
43. Lê Văn Hảo (1985), Sự hình và phát triển đô thị cổ Hội An trong bối cảnh lịch sử phát triển hàng hải thế giới và quốc tế ở Đông Nam Á thế kỷ XVII - XVIII, Hội thảo Khoa học Quốc tế Hội An.
44. Chen Ching Ho (1960), Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An, Việt Nam Khảo cổ tập san số 1.
45. Trần Kính Hòa (1961), Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên, Đại học Huế, số 3.
46. Hasebe Gakuji (1990), Tìm hiểu mối quan hệ Việt - Nhật qua gốm sứ, Hội thảo Quốc tế Hội An. 
47. Nguyễn Duy Hinh (1985), Vị tí Hội An trong đo thị cổ Việt Nam, Hội thảo khoa học quốc gia Hội An.
48. Trương Đình Hoanh(1972), Minh Hương tam bảo vụ, bản in Ronéo.
49. Hồng Đức bản đồ (1968), Sài Gòn ấn bản.
50. Đào Hùng (1987), Người Trung Hoa lưu lạc.
51. Nguyễn Quốc Hùng(1993), Tìm hiểu các loại hình kiến trúc trong khu phố cổ Hội An, Luận án Phó tiến sĩ.
52. Phan Phát Huồn(1965), Việt Nam Giáo sử, Nxb Khai Trí, quận I, Sài Gòn.
53. Đỗ Quang Hưng (1991), Một số vấn đề về lịch sử Thiên Chúa giáo ở Việt Nam, Hà Nội: Trường Đại học Tổng hợp.
54. Đỗ Trinh Huệ (biên khảo) (2000), Văn hóa tín ngưỡng gia đình Việt Nam qua nhãn quan học giả L. Cadière, Huế: NXB Thuận Hóa.
55. Kawamoto Kunyie (1990), Nhận thức quốc tế của Chúa Nguyễn ở Việt Nam căn cứ theo ngoại phiên thông thư, Hội thảo khoa học quốc tế Hội An.
56. Nguyễn Hồng Kiên (1985), Vài nét về lịch sử hình thành đô thị cổ Hội An, Hội thảo khoa học quốc gia Hội An.
57. Trần Đình Khải (1965), Tâm sự học giả Chu Thuấn Thủy, Sài Gòn: Văn hóa Bán Nguyệt san, số 1.
58. Phạm Đình Khiêm (1960), Cửa ngõ xứ Nam lúc mới bước chân vào cửa ngõ quốc tế, tạp chí Sử Địa miền Nam, loại 2, số 4.
59. Phạm Đình Khiêm (1961), Xã hội Việt Nam dưới con mắt giáo sĩ Đắc lộ, Sài Gòn: Việt Nam Khảo cổ tập san - Bộ quốc gia giáo dục.
60. Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam, Hà Nội: Viện nghiên cứu Tôn giáo.
61.  Nguyễn Văn Kim (2003), Quan hê Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV - XVII, Hà Nội: NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
62. Phan Khoang (2001), Việt sử xứ Đàng Trong, Hà Nội: NXB Văn học.
63. Nguyễn Văn Khiên (1970), Đất lề quê thói, Sài Gòn xuất bản.
64. Kwiatkowki, K (1985), Hội An, di sản kiến trúc đô thị, Hội thảo quốc tế Hội An.
65. Lê Văn Lan(1989), Đô thị cổ Việt Nam, Viện sử học xuất bản.
66. Lê Văn Lan(1990), Hội An giữa các đô thị cổ Việt Nam, Hội thảo quốc tế Hội An.
67. Vũ Lang (1973), Đây! Quảng Nam (sưu khảo), Hội đồng tỉnh Quảng Nam bảo trợ phát hành.
68. Nguyễn Thiệu Lâu (1942), Việc thông thương và chiến tranh Hà Lan với nước ta, Thanh Nghị.
69. Nguyễn Thiệu Lâu (1967), Quốc sử tạp lục, Sài Gòn: NXB Khai Trí.
70. Phan Huy Lê, Chu Thiên, Vương Hoàng Tuyên, Đinh Xuân Lâm (1960), Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập III, Hà Nội: NXB Giáo dục.
71. Phan Huy Lê (1990), Hội An, lịch sử và hiện trạng, Hội thảo quốc tế Hội An.
72. Ngô Sĩ Liên (1983), Đại  Việt sử ký toàn thư, tập II, III, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
73. Nguyễn Bội Liên (1983), Hải Phố - Tiền thân của Hội An ngày nay, Tập san Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành số 3, Sở VHTT Quảng Nam Đà Nẵng.
74. Nguyễn Bội Liên, Trần Văn An, Nguyễn Vân Phi (1990), Ghe bầu xứ Quảng, Hội thảo khoa học quốc tế Hội An.
75. 1990, Lịch sử Đảng bộ Hội An, tập I, Đà Nẵng: NXB Đà Nẵng,
76. Mác, Ăng ghen, Lênin, Stalin (1963), Bàn về sản xuất hàng hóa và qui luật giá trị, Hà Nội: NXB Sự thật.
77. Momoki Shiro (1992), Nhật Bản và Việt Nam trong quan hệ buôn bán châu Á vào thế kỷ XVII - XVIII, Hội thảo khoa học phố Hiến.
78. Nara Shuichi (1992), Buôn bán tơ lụa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thế kỷ XVII, Hội thảo khoa học quốc tế phố Hiến.
79. Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong, Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Trẻ.
80. Nguyễn Văn Nam (1972), Ngoại thương Việt Nam, Sài Gòn: NXB Phương Nam.
81. Trần Viết Ngạc (1985), Quan hệ giữa Hội An và Đà Nẵng trong lịch sử, Hội thảo khoa học quốc gia Hội An.
82. Hồ Ngận (1960), Quảng Nam, xưa và nay, bản thảo viết tay, Hội An.
83. Nguyễn Quang Ngọc, Phan Đại Doãn (1985), mấy ý kiến về hoạt động thương nghiệp nông thôn, đồng bằng Bắc bộ thế kỷ XVII - XIX,  tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5.
84. Nguyễn Quang Ngọc (1992), Đôi nét về công ty Đông Ấn, Hà Lan và thương điếm phố Hiến, Hội thảo khoa học phố Hiến.
85. Oruga Sadao (1990), Về bức tranh “Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” và “Thái kiến quán thế âm”, Hội thảo khoa học quốc tế Hội An.
86. Oruga Sadao (1979), Người Nhật trong thời Châu ấn thuyền, Tokyo.
87. Vũ Văn Phái, Đặng Văn Bào ( 1990), Đặc điểm địa mạo khu vực Hội An và lân cận, Hội thảo khoa học quốc tế Hội An.
88. Nguyễn Hồng Phong (1959), Sự phát triển kinh tế hàng hóa của chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam thời phong kiến, Hà Nội: NXB Văn Sử Địa,.
89. Nguyễn Hồng Phong (1989), Đô thị cổ và vấn đề đô thị hóa ở Việt Nam, Hà Nội: Viện sử học.
90. Nguyễn Hồng Phong (1959), Xã thôn Việt Nam, tập 1, 2, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
91. Dương Trung Quốc (1990), Đà Nẵng trong mối quan hệ với đô thị cổ Hội An, Hội thảo quốc tế Hội An.
92. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1964), Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Nam, bản dịch: Nguyễn Tạo, Sài Gòn.
93. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1970), Đại Nam nhất thống chí tập III, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
94. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1964), Đại Nam thực lục tiền biên, tập I, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.
95. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục chánh biên, Huế.
96. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1962), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 16, 17, 18, 19, 20, Hà Nội: NXB Văn Sử Địa.
97. Quốc Sử Quán Triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện tiền biên, Huế: Bản thảo NXB Thuận Hóa.
98. Trương Hữu Quýnh (1992), Một số nét về kinh tế Đàng Trong thời Đào Duy Từ, viết trong chương trình nghiên cứu Triều Nguyễn. Huế: Đại học Sư phạm Huế.
99. Alexandre de Rhodes (1994), Hành trình và truyền giáo, bản dịch Hồng Nhuệ Thành phố Hồ Chí Minh: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh.  
 
(Trích sách Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử,  Xb: 2010, trang: 183 - 207, Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung)

Tác giả: Ths: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quảng lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây