Những món quà thơm thảo

Thứ năm - 12/09/2013 23:46
Nói đến nếp ẩm thực ở Hội An mà bỏ qua các loại bánh ngọt thì thật là điều thiếu xót. Giống như các món ăn khác, hàng quà này cũng hết sức phong phú, nhiều chủng loại. Bên cạnh các loại bánh thông dụng như bánh ít, bánh bao, bánh thuẩn, bánh phu thê, bánh nướng, bánh tổ, bánh nổ, bánh in ... tại đây còn một số bánh với tên gọi thật ngộ nghĩnh.
          Bánh bò: Nhiều người đã hỏi: " bánh không chân sao gọi là bánh bò" thật ra nó vẫn mãi nằm nguyên trong thúng của bà cụ bên vỉa hè kia nếu không có ai đến hỏi mua. Bánh bò là loại bánh ngọt không có nhưn (nhân) như các loại bánh khác và ăn vào lúc bánh nguội mới ngon. Nó khác với bánh ram, bánh tiêu, bánh chuối chiên, phải ăn nóng mới giòn, mới thơm. Bột mì là nguyên liệu chính để làm bánh. Trộn bột với nước đường thắng tới, cho men chua vào nhồi trộn cho đều, thấm. Sau đó ủ bột chừng nửa ngày. Lúc bột bánh lên men vừa đủ thì nắn thành bánh hình tròn, nhỏ, đặt lên xửng cho vào nồi hấp. Lửa hấp bánh phải nhỏ ngọn, cháy mạnh bánh sẽ bị khét. Dùng que nhỏ đâm vào, nếu thấy bánh cứng, mặt rổ là bánh đã chín. Bánh bò rất ngon và bổ. Bánh có vị chua chua ngọt ngọt rất được trẻ em, người già ưa thích.
          Bánh ram: Đến Hội An, bạn sẽ thấy trên một số ngã tư, ngã ba đường phố bày bán một loại bánh tròn trĩnh màu vàng, lấm tấm những hạt mè đen bên ngoài thì đó chính là bánh ram. Bánh ram làm từ bột nếp. Nhưn bằng đậu xanh hoặc đậu đen, luộc chín, trộn đường. Bánh được chiên cho đến khi lớp da bên ngoài trở nên vàng, giòn thì gắp ra. Những chiếc bánh ram thấm đẩm dầu, gói trong miếng chiếc lá chuối nhỏ đã từng là nổi ướt ao của lũ trẻ con trong những lúc chờ mẹ từ chợ trở về.
          Bánh xoài: Cũng được làm từ bột nếp nhưn bánh xoài chế biến theo quy trình khác với bánh ram. Gọi là bánh xoài có lẽ do bánh hình hột xoài. Da bánh làm từ bột nếp rang, xay nhuyễn, chế nước sôi vừa phải để làm thành một loại bột dẻo. Nhưn gồm đậu phộng, mè rang chín sẩy sạch vỏ, giả nhuyễn và trộn với đường cát trắng. Lúc làm bánh, người ta bắt bột mỏng đều ra các bên, dùng muỗng trải đều nhưn lên bánh. Rồi với đôi tay khéo léo, thợ bánh bắt mí, vê bánh thành hình dáng nhưn trái xoài bằng bột. Trái xoài này, được lăn đều vào thau bột nếp trắng tinh trông như phủ một lớp phấn thơm vừa để chống dính vừa tăng hấp dẫn. Nếu bánh ram là loại bánh cứng, giòn thì trái lại bánh xoài rất mềm mại, ẻo lã. Cầm bánh xoài chớ mạnh tay e sẽ làm méo mó chiếc bánh dễ thương kia đi. Ở phố người ta thường kẹp bánh ram với bánh xoài dùng chung. Có lẽ do tính chất của hai loại bánh này hợp nhau chăng ?
          Mì mì kỷ: Nghe tên, có thể ta tưởng đây là loại bánh làm bằng bột mì nhưng không phải vậy. Khoai lang mới chính là nguyên liệu làm ra chúng. Khoai lang loại to củ, rửa sạch, bào hoặc xắt dọc theo thân thành từng sợi mỏng như sợi mì nhưng nhỏ và ngắn hơn. Ngâm sơ sợi khoai vào nước sạch, sau đó vớt ra để ráo. Cho sợi khoai vào khuôn đồng hoặc nhôm đường kính khoảng 5 phân, dày 2 phân rồi đặt vào chảo dầu chiên giòn. Khi bánh đã giòn thì vớt ra đặt lên vĩ cho ráo dầu. Dùng nước đường thắng tới nhúng đều bánh. Các công đoạn làm xong, ta có một loại bánh lạ mắt, giống một cuộn mì, giòn, ngọt, thơm ngon.
          Bánh tráng khoai: Cũng làm bằng khoai lang, một sản vật trồng nhiều tại địa phương nhưng bánh này có quy trình chế biến riêng. Khoai lang nấu chín, lột sạch vỏ, trộn đường, gừng vừa phải cho vào cối giã nhuyễn (quết) dùng một vật tròn cán bột thành từng tấm mỏng, dài, sau đó, bằng một khung kim loại tròn, nhỏ, người ta xắn bánh thành từng chiếc một. Mặt bánh được rắc thêm một ít mè, sau đó đem phơi nắng. Khi ăn người ta nướng bánh trên những trả than đỏ hồng. Cảnh nướng bánh cũng thật ngoạn mục. Người bán thường là những cụ bà, tay thoăn thoắt lật, trở bánh trên những trả than đỏ rực sao cho bánh đạt tới độ chín vàng, giòn không gãy. Than yếu lửa ư ? thì sẵn có chiếc quạt giấy hoặc quạt mo bên cạnh. Có những cô cậu vì nôn nóng đã giành lấy chiếc quạt từ tay bà cụ, quạt lấy quạt để. Nhưng không bao lâu thì đã được nhắc nhẹ: "coi chừng bánh cháy". Thì ra không phải cứ nhiều lửa là được.
          Bánh khoai từ lâu đã là món quà ưa thích của lũ trẻ phố hội. Hằng đêm, chúng thường tụ tập quanh những trả lửa nướng bánh khoai để chờ mua cho được vài chiếc bánh. Bánh khoai còn là món nhấm nháp đầy thi vị của những người già.
          Bánh chuối chiên: Nguyên liệu làm bánh từ chuối , cơm (cùi) dừa, bột mì, đường. Muốn bánh ngon, người ta chọn loại chuối mốc để làm bánh vì chuối khô, không dập khi xắt lát. Cơm dừa xát từng lát mỏng như khi làm mứt nhưng ngắn, không cần dài. Sắp chuối  lát, sợi dừa thành từng miếng vuông vắn, đặt nhẹ trên vá, nhúng vào thau nước bột mì đã khuấy sệt, rồi cho vào chiên trong chảo dầu đang sôi trên bếp. Khi bánh vừa cứng, trở bánh nhiều lần cho chín đều. Khi bánh chuyển sang phớt vàng, những lát dừa cong lại, lát chuối vừa cứng lớp mặt thì vớt ra. Khi bán cho khách, người ta gói bánh trong một miếng lá chuối nhỏ để khỏi dính dầu. Đây là món quà rất được ưa chuộng trong mùa lạnh.
          Bánh ngọt là loại hàng quà đã góp phần không nhỏ làm nên phong vị của nếp ẩm thực ở phố cổ Hội An./.
 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây