Trang phục ở Hội An

Thứ ba - 06/10/2015 03:13
Trang phục cùng với ẩm thực, nếp ở là những yếu tố thể hiện đậm nét nhất truyền thống văn hóa của một cộng đồng cư dân, nhất là ở Hội An, một cộng đồng gồm nhiều lớp, nhiều nguồn khác nhau. Nơi đây vốn có cư dân Chàm bản địa sinh sống, rồi có người Việt ở phía Bắc, chủ yếu thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh vào và diễn ra theo nhiều đợt suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, XIX; Hơn nữa, đây còn là điểm đến định cư ổn định, lâu dài, khá quan trọng của bộ phận cộng đồng người Hoa (từ các địa phương: Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam, Triều Châu,...) và thương nhân Nhật Bản; Đồng thời là điểm giao thương của lái buôn các nước phương Tây, nhiều nước khác ở Châu Á. Kẻ trước người sau đến với Hội An đem theo những thói quen sử dụng trang phục của mình, cùng với sự chi phối mạnh mẽ của nhà nước Phong kiến,... Để rồi qua nhiều đời, nhiều thời dần hình thành nên trang phục phù hợp với cảnh quan môi trường, xã hội ở vùng đất mới - Hội An. Tuy nhiên, nó luôn được biến đổi do tác động ảnh hưởng qua nhiều thời kỳ lịch sử.
          Quả thực, khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa -  Quảng Nam thì trang phục, khí dụng và cả phong tục của cư dân ở đây còn giống như ngoài Bắc. Sang đời Chúa Hy Tông Nguyễn Phước Nguyên (1613 - 1635), tương truyền nghe lời bàn của Chánh Lộc Khê hầu (Đào Duy Từ) bày mưu chống họ Trịnh ở phía Bắc, bằng cách bắt cả dân Đàng Trong (trong đó có Hội An) thay đổi tập tục cho khác Đàng Ngoài. Trong đó có việc thay đổi y phục, như bắt phụ nữ bỏ áo tứ thân, bỏ mặc yếm để mặc áo năm thân cài khuy, bỏ kiểu tóc bao (tóc vấn) mà búi tóc, bỏ váy để mặc quần,... Không rõ kết quả cải cách đến đâu, bởi vì tư liệu ghi nhận về trang phục ở thời kỳ này rất ít, chúng ta chỉ có thể hình dung qua tư liệu hiếm hoi từ một giáo sĩ - thương nhân người Bồ đó là  Borri ( Ông sống ở Hội An - Đàng Trong từ năm 1618 - 1622) mô tả: “... Còn về y phục thì như chúng ta đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa. Bây giờ chỉ nói về cách họ mặc mà thôi: Bắt đầu từ phái nữ, phải nhận rằng cách mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong những mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm đến nỗi không trông thấy đầu ngón chân. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỉ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng và giản dị,... Đàn ông thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ống tay rộng và dài như ống tay các tu sĩ Biển Đức. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo và đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình”.  Đây là cách quan sát, mô tả của một giáo sĩ - thương nhân nước ngoài, thật khó hiểu và có lẽ ông ta mới chỉ tập trung quan sát ở đối tượng là cư dân buôn bán - phố/ thị. Tuy nhiên, cũng cho chúng ta có suy nghĩ về câu ngạn ngữ thường gặp “Mớ bảy, mớ ba”, còn trang phục của đàn ông có lẽ chịu ảnh hưởng của người Chàm (?). Borri còn cho biết thêm, đàn ông “Họ cũng để tóc dài như đàn bà, cho xõa tóc tới gót chân và cũng đội nón. Người có râu thì hiếm, họ không bao giờ cắt”...[25,55]. Đến khoảng từ giữa thế kỷ XVII trở đi, khi mà di dân người Hoa (quan - dân nhà Minh) kéo chạy đến Hội An - Đàng Trong để định cư sinh sống ngày một đông, đã ảnh hưởng rất mạnh đến vùng đất này. Các quan văn, võ cho đến thần dân ở Đàng Trong đều phục sức theo Minh triều, nhà cửa, đồ dùng hàng ngày đều giống nhà Minh và dần dà nhiều phong tục ở miền Bắc bị quên dần. Như vậy, lúc này trang phục ở Hội An - Đàng Trong đã khác hẳn với Đàng Ngoài. Đây có thể là hậu quả do mong muốn đổi khác của các Chúa Nguyễn (đối với Chúa Trịnh) và trước sự xâm nhập, ảnh hưởng mạnh mẽ của di dân nhà Minh - Trung Quốc. Tuy nhiên, theo “Gia Định Thông Chí” thì sĩ tử và dân thường ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII - đến thế kỷ XVIII, đàn ông, đàn bà đều mặc áo ngắn, cài khuy phía trước, không xẻ hai bên tà. Họ không mặc quần mà đàn ông thì dùng một tấm vải quấn quanh bụng, rồi luồn qua hai chân và buộc trước bụng (thứ y phục này gọi là khố). Còn đàn bà quấn quanh bụng, cái xà lỏn (gọi là màn).Tiếp theo đến đời Võ Vương - Chúa Thế Tông Nguyễn Phước Khoát (1738 -1765) lại diễn ra một biến động lớn trong cải cách trang phục tác động mạnh mẽ đến cư dân Hội An - Đàng Trong. Chúa đã truyền cho quan, quân và dân Đàng Trong phải mặc theo sách “ Tam Tài Đồ Hội” và quy định rõ các kiểu y phục, mũ miện và chất liệu tơ lụa tùy theo thứ bậc. Bắt buộc con trai, con gái xứ Thuận Hóa và Quảng Nam đổi trang phục, ăn mặc gần giống người Tàu (Bắc quốc), phụ nữ cũng mặc quần chứ không mặc váy như Đàng Ngoài. Thực tế những kiểu trang phục vẽ trong sách “Tam Tài Đồ Hội” là những kiểu y phục đời nhà Minh, đây là lễ phục đã được người Minh Hương phổ biến ở Đàng Trong. Kiểu áo dài, cổ bâu, vạt hò. Khổ vải thời đó hẹp, nên mỗi vạt áo phải ghép bằng hai khổ vải. Bên trong vạt hò còn có một miếng vải nữa. Vì thế, chiếc áo dài của nam hoặc nữ đều phải dùng năm tấm vải - có tên là áo năm thân, cài khuy. Mặc dù, vào cuối thế kỷ XVIII, có những sự biến động về chính trị như quân Trịnh kéo vào Đàng Trong, rồi triều Tây Sơn - Nguyễn Huệ thống nhất được đất nước nhưng về cơ bản trang phục ở đây vào thời kỳ này vốn không có gì thay đổi. Và cũng không lâu, vương triều nhà Nguyễn được thành lập (đến thế kỷ XIX), các vua Nguyễn lấy “chuẩn mực” ở Nam kỳ khuyên cư dân Bắc thành noi theo cho cách ăn mặc được thống nhất cả ba miền. Có thể nói, đây cũng là thời kỳ ổn định, hình thành về căn bản trang phục của người Việt trên cả nước, tuy nhiên, mỗi vùng cũng có những khác biệt nhất định. Ở Hội An trang phục hàng ngày được may đơn giản kiểu trang phục bà ba. Đàn ông đều mặc áo ngắn, ống tay, có hai túi ở dưới chỗ vùng bụng và quần rất rộng, dài đến gần mắt cá. Màu thường nhuộm màu đen, màu chàm, ở phố/thị thì chuộng màu trắng, trên đầu có vuông vải đen hoặc màu buộc đỡ, búi tóc. Đàn bà đeo yếm là một vuông vải trắng, hoặc nhuộm đỏ, nâu, được cắt theo hình thoi, đặt trước ngực che vú. Yếm được buộcvào cổ, mình bằng dải/dây nhỏ. Áo  của đàn bà dài, ống tay rất chặt (khi cởi ra đều bị lật trái áo). Quần cũng rất rộng, thường màu đen, có chiếc thắt lưng bằng vải màu quấn theo cạp quần, trong thắt lưng hay bỏ trầu - cau, tiền. Trong các dịp tế lễ, giỗ chạp, đàn ông mặc áo dài đen, quần lụa trắng, đầu đội khăn nhiễu đen (khăn đóng - đỡ búi tóc), tay cầm dù đen. Sau này do ảnh hưởng của phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX), đàn ông cắt tóc ngắn, đàn bà cũng mặc áo dài lụa màu hay lãnh đen, quần đen, đầu bịt khăn vuông gấp chéo, tóc búi bánh ú hoặc búi tó, đội nón lá, phụ nữ chưa chồng thì mặc đồ trắng mà không mặc đồ màu, tóc để xõa dài, chứ không búi như các bà, các chị có chồng. Áo quần cho trẻ nhỏ cũng không khác người lớn về kiểu cách mà chỉ có kích thước nhỏ hơn, nhiều màu sắc hơn. Trẻ đến khoảng 3 - 4 tuổi, trên đỉnh đầu con trai được để lại một mớ tóc gọi là chỏm. Con gái có ba chỏm, một chỏm trước trán, hai chỏm kia hình quả đào ở hai bên tai. Chân chủ yếu đi chân không, ngày Tết, lễ,... lúc đi ra đường, người lớn nam cũng như nữ đều mới đi guốc, tuy nhiên nhiều người nghèo phải lấy mo nang làm dép. Trời mưa thì có dù, nhưng thực tế chủ yếu là áo tơi, được kết bằng lá dừa, đầu đội nón lá.

          Đồ trang sức thì có đồ bằng vàng, bằng bạc,... như hoa tai, dây chuyền, vòng tay, vòng cổ, vòng chân... Tuy nhiên các đồ trang sức chỉ phổ biến ở các nhà giàu có. Đồ trang sức ngoài giá trị  thẩm mỹ nó còn chứa đựng giá trị vật chất, là của hồi môn, khoe sự giàu sang. Và cũng chỉ sử dụng vào dịp lễ, Tết... Riêng phụ nữ khi chưa có chồng không đeo hoa tai, mà thường đeo đôi khoen bằng vàng. Hoa tai là lễ vật bắt buộc của nhà gái đối với nhà trai, nên phụ nữ có chồng mới đeo. Trẻ con chủ yếu đeo vòng cổ bằng bạc hay vàng, hoặc chiếc khánh; miếng ngọc hay ở cổ tay, cổ chân chúng đeo vòng bạc, vàng có buộc nhạc và những quả bầu nhỏ xíu bằng bạc.

 
Ghi chú: 
25. Cristophoro Borri (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ dịch, Thành Phố Hồ Chí Minh: NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
55. Kawamoto Kunyie (1990), Nhận thức quốc tế của Chúa Nguyễn ở Việt Nam căn cứ theo ngoại phiên thông thư, Hội thảo khoa học quốc tế Hội An.
 
(Trích sách Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử,  Xb: 2010, trang: 183 - 207, Tác giả: Ths. Nguyễn Chí Trung)

Tác giả: Ths: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây