Hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến từ tổ chức JICA và các Viện Khoa học, trường Đại học Nhật Bản, các nhà nghiên cứu trong tỉnh Quảng Nam và chủ sở hữu di tích trong khu phố cổ Hội An…tham dự hội thảo đã tập trung đánh giá, thảo luận những vấn đề liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Khu phố cổ Hội An qua 20 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG).
Thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều nhóm giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của 2 DSVHTG Hội An và Mỹ Sơn. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVHTG đô thị cổ Hội An trong 20 năm qua được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, tạo sự đồng bộ và có tính lan tỏa xã hội lớn, được sự đồng tình ủng hộ tích cực của các tầng lớp nhân dân.
Nổi bật là sự đồng thuận và ý thức trân trọng giữ gìn di sản của các tầng lớp nhân dân được nâng cao, đã góp phần giới thiệu, quảng bá và thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Hội An nhờ vậy đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế, được trao nhiều giải thưởng du lịch – văn hóa của khu vực Châu Á và thế giới.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm
Về công tác tu bổ, tôn tạo, từ năm 1999 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn, Hội An đã thực hiện tu bổ 459 di tích với tổng số vốn đầu tư là 182,573 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn tỉnh và TW là 68,159 tỉ đồng; vốn ngân sách TP là 90,043 tỉ đồng; vốn tài trợ nước ngoài là 3,9 tỉ đồng; xã hội hóa là 20,434 tỉ đồng.
Tính đến năm 2018, toàn TP Hội An có 1.408 di tích đã được kiểm kê phân loại, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 1.334 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh.
Đặc biệt, Hội An đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, các khu chợ đêm… gắn liền với nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống. Qua đó, đã tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Theo thống kê, năm 1999, lượng khách tham quan Hội An chỉ có gần 100 nghìn lượt khách thì đến nay, mỗi năm Hội An đón khoảng 2,3 triệu lượt khách.
Theo ông Phạm Phú Ngọc- Phó Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn DSVH Hội An, việc phát huy các giá trị di sản tại Hội An không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương mà còn là động lực chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân Hội An.
Những dự án hợp tác thí điểm, điển hình với Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức quốc tế trong trùng tu di tích hoặc thông qua các dự án bước đầu đã hỗ trợ người dân từ 20%-40% hệ mái ngoái âm dương là tiền đề cho công cuộc trùng tu, cứu nguy nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ Hội An.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng bày tỏ quan ngại về những thách thức mà Khu phố cổ (KPC) Hội An đang phải đối diện hiện nay như áp lực vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là các tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa và tình trạng biến đổi khí hậu…` Sự gia tăng lượng khách du lịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình,…
Mặt khác, tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi phản cảm… làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, cũng như cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình,…
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đề nghị TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, để người dân thật sự trở thành chủ nhân của di sản. Đồng thời, cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản; tiếp tục triển khai các phương án nhằm gắn khai thác với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An.
Tác giả: KHÁNH CHI
Nguồn tin: baovanhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn