Đô thị cổ Hội An hiện đang chịu nhiều áp lực về dân số, thành phần dân cư, sự gia tăng du khách...làm ảnh hưởng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH (ảnh: Đình Tăng)
Đây là những nhận định đặt ra tại Hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa Hội An - 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững”, do UBND tỉnh Quảng Nam, UBND TP Hội An phối hợp với tổ chức UNesco tại Việt Nam tổ chức vào sáng 3/12, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày UNESCO công nhận Hội An là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2019).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, nêu nhiều ý kiến khẳng định những thành quả sau 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa (DSVNH) thế giới, Hội An đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của Quảng Nam và cả nước, thu hút đông đảo du khách từ nhiều quốc gia trên thế giới đến tham quan, tìm hiểu; công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy di sản tại đây cũng ngày càng được các cấp, các ngành và nhiều tổ chức quốc tế quan tâm, đồng hành với địa phương…
Theo ông Phạm Phú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong 20 năm qua kể từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa thế gới, từ những dự án hợp tác thí điểm, điển hình với Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức quốc tế trong trùng tu di tích hoặc thông qua các dự án bước đầu đã hỗ trợ người dân từ 20-40% hệ mái ngói âm dương là tiền đề cho công cuộc trùng tu, cứu nguy nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ Hội An.
Đồng thời, cũng từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, đến nay, Hội An đã thực hiện tu bổ 424 công trình di tích, với tổng số tiền hơn 152 tỷ đồng. Đặc biệt, Hội An đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo như: “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, các khu chợ đêm… gắn liền với nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống. Qua đó, đã tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, năm 1999, lượng khách tham quan Hội An chỉ có gần 100 nghìn lượt khách thì đến nay, mỗi năm, thành phố này đón đến 2,3 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, Hội An hiện đang đối mặt với những thách thức như: áp lực về dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh, sự gia tăng lượng khách du lịch… làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình.
Du khách tham quan Hội An (ảnh: Đình Tăng)
Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO - Bộ Ngoại giao cho rằng: TP Hội An cần tiếp tục triển khai các phương án để khai thác đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An; cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng và các tiện ích công cộng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng... Ngoài ra, Chính quyền Hội An cũng cần rà soát, chấn chỉnh lại môi trường du lịch đang nảy sinh nhiều tiêu cực như chèo kéo du khách, cướp giật, ô nhiễm môi trường…để tạo dựng môi trường an toàn và thân thiện trong mắt du khách.
“TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản. Ngoài ra, Hội An cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản, bao gồm các công trình kiến trúc, lịch sử phát triển, các tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư; đồng thời có thể tranh thủ sự hỗ trợ của UNESCO về mặt chuyên môn cũng như mời các chuyên gia UNESCO giúp tư vấn về cách thức thực hiện và gợi ý giải pháp cho các vấn đề dân sinh”- ông Trần Quốc Khánh lưu ý.
Được biết, phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là DSVH thế giới năm 1999. Khu di tích này được đánh giá như một “bảo tàng sống” về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị.
Tính đến năm 2018, toàn TP Hội An có 1.408 di tích đã được kiểm kê phân loại, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 1.334 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh./.
Tác giả: Đình Tăng
Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn