Bức ảnh Chùa Cầu do phóng viên Dominique Foulon tặng được lồng ghép để chụp tại Chùa Cầu ngày nay. Ảnh: Internet
Di tích trong di sản ảnh
Trong kho tàng di sản ảnh về đô thị cổ Hội An, ảnh về Chùa Cầu được các nhà nhiếp ảnh tiền bối ưu ái nhất. Chùa Cầu ngày xưa cũng là nơi “tốn phim” của các nhiếp ảnh gia. Cái độc lạ của tên gọi, nét đẹp kiến trúc “nhất cử lưỡng tiện” vừa là ngôi chùa vừa là cây cầu mái che và cuộc sống của cư dân bản địa đã hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh, cùng du khách. Trong bưu ảnh cũng như ảnh tư liệu xuất hiện nhiều bức ảnh có giá trị về nghệ thuật, lịch sử về Chùa Cầu.
Tiêu biểu là bức ảnh Chùa Cầu do nhà báo Dominique Foulon - Phóng viên báo tiếng Pháp “Carnets du VietNam” gửi tặng Hội An. Trong ảnh, Chùa Cầu lúc đó có nhiều cây cối che phủ, người đứng trong và ngoài lan can với bộ đồng phục, chứng tỏ họ là một đoàn tham quan. Ảnh này có thể được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1910 - 1930. Bức ảnh Chùa Cầu có dán tem “Cô gái Nam Bộ” lại là bức bưu ảnh độc đáo với những thông tin thú vị về kiến trúc và trang phục cư dân Hội An.
Còn bức ảnh Chùa Cầu của Tạp chí Life chụp mặt sau, ghi lại hình ảnh về trang phục của giới bình dân, gánh hàng rong, sinh hoạt của cư dân phố cổ. Bức ảnh chụp năm 1929 là bức ảnh hoàn hảo, sinh động, đẹp nhất về Chùa Cầu. Nhà nhiếp ảnh đã ghi lại những chi tiết, hình ảnh rất đắt: Nhóm người mặc áo dài, đội nón lá từ Chùa Cầu đi ra, thân cây làm tiền cảnh cho ngôi chùa, vài trẻ em đứng chơi ven đường...
Ngày nay, Chùa Cầu được chọn làm biểu tượng của Hội An, là “trái tim” của đô thị cổ. Chùa Cầu được nhiều du khách đến tham quan nên nơi đây là vị trí lý tưởng để chụp ảnh lưu niệm trong hành trình khám phá Hội An, nhất là trong các sự kiện văn hóa lớn như lễ hội đường phố, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, lễ hội ánh sáng, lễ hội hoa đăng... diễn ra trên sông Hoài phố Hội.
Chùa Bà Mụ từng được Viện Viễn Đông bác cổ đưa vào danh mục di tích có giá trị ở Hội An, được các nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá là công trình kiến trúc giá trị bậc nhất Quảng Nam, được ghi lại trong văn bia trùng tu đời Khải Định: “Khách bác cổ Âu Á đến đây du lãm chẳng ai là không khen, chụp ảnh cho là một kiến trúc đẹp nhất Quảng Nam”. Vì vậy, không ngạc nhiên khi di tích này được ghi vào ống kính của các nhà nhiếp ảnh tiền bối, trong đó nhiều nhất là ảnh chụp tam quan chùa Bà Mụ.
Những nhiếp ảnh gia tiền bối cũng ngắm nhìn, săn ảnh Hội An từ trên cao. Họ đã để lại cho đời sau những bức không ảnh có giá trị. Từ các bức ảnh xưa cũ đó, người hậu thế có cái nhìn về không gian kiến trúc, quy hoạch đô thị, môi trường thiên nhiên, cảnh quan Hội An lúc bấy giờ. Bức không ảnh thành phố Faifo chụp từ máy bay Breguet 14, khoảng năm 1925 - 1930 có lẽ là bức không ảnh Hội An sớm nhất. Trong ảnh nhìn thấy rõ nét kiến trúc chùa Bà Mụ với cổng tam quan và 4 gian nhà cân đối, bề thế phía sau.
Giá trị di sản
Di sản ảnh về Hội An rất đồ sộ và càng có giá trị hơn khi ghi lại hình ảnh chân thực của các di tích, cảnh quan đô thị cách nay trên dưới một thế kỷ. Những bức ảnh xưa chẳng những góp phần điểm tô nét đẹp cho di sản mà còn là cơ sở để giữ gìn, trùng tu các di tích. Những thông tin, chi tiết trên một bức ảnh xưa có thể mang lại hữu ích cho công tác bảo tồn, trùng tu, gia cố các di sản bị xuống cấp, hư hỏng. Gần đây, khi trùng tu di tích cổng tam quan chùa Bà Mụ ở Hội An, những người làm công tác trùng tu cũng đã dựa vào những bức ảnh đang lưu trữ tại Viện Viễn Đông bác cổ.
Việc trùng tu nhằm giữ gìn tính chân xác của di tích lại là một vấn đề lớn, trong hoàn cảnh rất nhiều kỹ thuật xây dựng, chế tác trước đây đã thất truyền. Do đó, ảnh tư liệu là một nguồn căn cứ để bảo tồn tính chân xác của quá khứ. Những bưu ảnh xưa còn được phóng to trang trí tại các công trình kiến trúc cổ. Khách tham quan rất tâm đắc khi được chiêm ngưỡng những bức bưu ảnh chụp Chùa Cầu được trưng bày trân trọng trên vách của ngôi chùa này.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, nhất là facebook, di sản ảnh là một chủ đề hấp dẫn được nhiều người quan tâm. Những bức ảnh xưa cũ chụp về Hội An được thể hiện trong nhiều kiểu cách mới, đặc biệt là đối sánh xưa và nay, làm cho ảnh đầy ắp thông tin. Họ lồng ghép ảnh hiếm của ngày xưa với ảnh thời điểm hiện tại. Hình ảnh các công trình, cảnh vật trước đây được ghép vào chính các công trình, cảnh vật mới ngoài thực địa để tìm thấy sự thay đổi về diện mạo, cảnh quan từ ngày ra đời tác phẩm đến ngày hôm nay. Đây là lối chơi thú vị của những nhà sưu tầm bưu ảnh và ảnh tư liệu. Điều đó xuất phát từ sự trân quý di sản ảnh và tình yêu của du khách dành cho đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa của nhân loại, một điểm đến hấp dẫn hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới.
Tác giả: TẤN VỊNH
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn