Nhà thờ tộc Đinh

Thứ tư - 04/09/2013 04:44
hinh thien duc

1. Lịch sử di tích
         Nhà thờ tộc Đinh hiện nay có tên chữ là Phổ Tuyền am. Trong dân gian thường gọi là chùa Lư, chùa Ông Tạng, chùa Thiên Đức, hiện tọa lạc tại khối Tân Hòa - phường Tân An. Căn cứ vào những bài vị, hoành phi, câu đối... hiện tồn trong di tích cho biết ngôi từ đường này do một vị hòa thượng họ Đinh thuộc đời thứ 35 dòng Lâm tế Chánh tông là Thiệt Lương thiền sư khởi dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVIII có tên là Phổ Tuyền am (hiện bức hoành phi này vẫn còn tồn tại và có ghi niên hiệu là Vĩnh Khánh ngũ niên - 1733). Sau này, trong quá trình lịch sử Phổ Tuyền am được kết hợp thờ ông bà tổ tiên của họ Đinh nên có tên là nhà thờ tộc Đinh (tức Đinh từ đường).
          Kể từ khi xây dựng đến nay, ngôi từ đường này ít nhất đã trải qua 3 lần trùng tu: lần thứ nhất vào năm Thành Thái thứ 11 - 1899 (do ông Đinh Tựu Hiên chủ trì tu tạo); lần thứ hai là vào năm Nhâm Tý - 1972 (do ông Đinh Văn Vĩnh, hiệu Trường Phong chủ trì tu tạo) và lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2006. Hiện nay, ngôi từ đường này do con cháu tộc Đinh trông coi, hương khói.
2. Hiện trạng di tích
          Di tích có mặt tiền quay theo hướng đông nam (theo hướng đường Hai Bà Trưng). Toàn bộ công trình được xây dựng theo dạng hình chữ nhất gồm nhà thờ chính và nhà phụ. Nhà thờ chính là một công trình kiến trúc độc đáo với hệ vì chồng rường giả thủ ở giữa, 2 vì ở đầu hồi thì lại có kết cấu theo 2 trụ trên 2 đầu trính. Những hệ thống kèo trong di tích hầu hết đều được chạm trổ khéo léo, tinh vi.
          Gian giữa ngôi từ đường có bày một bàn hương án hình chữ U được chạm trổ tinh vi với các đồ án cát tường và được sơn son thếp vàng. Gian thờ giữa là nơi thờ phật Thích Ca Mâu Ni cùng các vị Phật bà Quan Thế Âm, Phật mẫu Đại Chuẩn Đề, hộ pháp; Trên án giữa còn thờ Quan Thánh, Quan Bình và Châu Thương.
Gian phải thờ bài vị lịch đại tổ tiên của tộc Đinh. Gian trái thờ linh vị của ngài Thiệt Lương thiền sư và vị Sa di cùng thời là sư Hải Lượng. Gian sau thờ Địa Tạng Vương Bồ tát và ông bà của tộc Đinh.
            Ngoài ra, trong khuôn viên từ đường còn có miếu thờ Ngũ Hành tiên nương và phần mộ của Thiệt Lương thiền sư.
3. Nội dung các câu chữ  di tích
▪ Bức hoành chính trên cửa ra vào:
Phổ Tuyền Am
Vĩnh Khánh ngũ niên tứ nguyệt sơ lục nhật cát lập.
Quý Sửu niên Tỵ nguyệt Sửu nhật Tỵ thời thượng lương.
Tạm dịch: Am Phổ Tuyền lập vào ngày tốt mồng 6 tháng 4 năm Vĩnh Khánh thứ 5 - 1733; Thượng lương vào giờ Tỵ, ngày Sửu, tháng Tỵ, năm Quý Sửu.
▪ Bức hoành gian giữa:
Thiên Đức
Tuế tại Tân Mẹo niên quý xuân cát đán.
Mộc ân đệ tử Đỗ Thí kính lập.
Tạm dịch: Thiên Đức - Ngày tốt cuối xuân năm Quý Mẹo; Mộc ân đệ tử là Đỗ Thí kính lập.
▪ Bức hoành gian phải:
Nam Hải Từ Phàm
Bảo Đại Tân Mùi niên, tây nhất thiên cửu bách tam thập nhất niên.
Thị độc Học sĩ Đinh Văn Vĩnh phụng cúng.
Tạm dịch: Buồm lành chốn biển Nam năm Bảo Đại Tân Mùi, tức Tây lịch 1931; Quan Thị độc Học sĩ là Đinh Văn Vĩnh phụng cúng.
▪ Bức hoành gian trái:
Hàm Giang Thế Phiệt
Bảo Đại Tân Mùi niên, tây nhất thiên cửu bách tam thập nhất niên.
Nữ học trường Đốc giáo Thái Thị Lan phụng cúng.
Tạm dịch:
Tộc họ Danh gia - năm Bảo Đại Tân Mùi, tức Tây lịch 1931;
 Nữ học trường Đốc giáo Thái Thị Lan phụng cúng.
▪ Cặp đối giữa:
Vạn cổ từ bi quan tự tại
Chơn tâm thanh tịnh kiến Như Lai.
Tạm dịch:
Muôn thuở từ bi xem tự tại
Chân tâm thanh tịnh gặp Như lai.
▪ Cặp đối gian chính:
Nhất trần bất nhiễm Bồ Đề địa
Vạn thiện đồng quy bát nhã môn
Tạm dịch:
Chút trần chẳng nhiễm đất Bồ đề
Muôn thiện đều về bát nhã môn.
▪ Bài vị bên phải:
Phụng vị Tế Dương quận Đinh tộc đường thượng lịch đợi tôn thân chư tiên linh liệt vị.
▪ Bài vị bên trái:
- Lâm tế chánh tông tam thập ngũ thế khai sơn Đinh môn húy thượng Thiệt hạ Lương thiền sư chi vị.
- Khai sơn viên tịch sa di pháp danh hải Lượng hiệu Chí Thậm giác linh.
▪ Xà cò giữa:
Thành Thái thập nhất niên Kỷ Hợi trọng thu cát đán huyền tôn Đinh Hoài Minh trùng tu.
Tạm dịch: Ngày tốt giữa mùa Thu năm Kỷ Hợi tức Thành Thái năm thứ 11 tức 1899, cháu là Đinh Hoài Minh trùng tu.
▪ Xà cò phụ:
Tuế thứ Nhâm Tý niên Thanh Minh tiết Đinh Văn Vĩnh tự Trường Phong trùng tu.
Tạm dịch: Tiết Thanh Minh năm Nhâm Tý 1972 Đinh Văn Vĩnh tự là Trường Phong trùng tu.
            Đây là một di tích có giá trị khá đặc biệt, ngoài những giá trị kiến trúc, đây còn là nơi vừa thờ Phật đồng thời cũng là nơi thờ cúng ông bà tổ tiên của tộc họ. Hiện tượng này rất hiếm thấy trên địa bàn Hội An, do vậy bản thân ngôi từ đường là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học nghiên cứu về kiến trúc, dân tộc học, tôn giáo - tín ngưỡng....

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây