1. Về lịch sử Dựa vào phả hệ tộc thì thủy tổ tộc Trương là Tây Huyền Công người Hoa, nguyên quán Tỉnh Phước Kiến, phủ Tuyền Châu, huyện Đồng An, xã Trung Tá, sống vào nửa đầu thế kỷ XVII đã di cư sang Quảng Nam, Việt Nam. Địa bàn sinh sống tập trung của con cháu trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX tại Trà Kiệu, Hội An. Ngay từ khi mới lập nghiệp ở Quảng Nam các vị tiền nhân của tộc Trương đã lập nên phả hệ thi của tộc là: Duy - Minh - Hoằng - Tấn - Tăng - Thừa - Vĩnh - Ngọc - Kim - Dư - Duy theo truyền thống của các tộc lớn và nhằm để hậu thế dễ nhận biết thứ bậc của những người đồng tộc. Hơn 300 năm sinh sống ở Quảng Nam, đến nay tộc này đã trải qua 13 đời và con cháu sống ở nhiều nơi trong nước Việt Nam và cả nước ngoài.
Trương tộc là tộc được kê trong phổ đồ hương hiền làng Minh Hương(
Phổ đồ được biên soạn năm 1820, sao lại vào năm 1880), Trương Hoằng Cơ (
đời thứ IV) là một trong Tam gia của làng. Tộc Trương có nhiều đóng góp vào sự phát triển của thương cảng Hội An xưa. Năm 167, Trương Hoằng Cơ lúc đó là một nhân sĩ có vai trò lớn trong làng đã đứng ra quyên góp, trùng tu Chùa Cầu. Đặc biệt, một số người của tộc Trườn đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động hoạt động hành chính và thương mại của chính quyền tiêu biểu là Trương Hoằng Cơ - Hương trưởng làng Minh Hương, Trương Hoằng Đạo là quan Cai phủ, tước Tử, một vị khác làm Tri huyện Đại An(?). Tộc Trương cũng có truyền thống về khoa bảng, nhiều người đã đỗ cử nhân, tú tài như Cử nhân Trương Tăng Diễn, Tú tài Trương Tăng Trị...
2. Về kiến trúc Dựa vào minh văn bức hoành Trương Từ đường có niên đại 1831 thì chúng tôi đoán định di tích được xây dựng muộn nhất là cách ngày nay 176 năm và đã có ít nhất 3 lần tu bổ vào các năm 1912, 1957, 1990. Đợt trùng tu 1912 là đại trùng tu, kiểu dáng kiến trúc lúc bấy giờ được duy trì đến hiện nay. Năm 1957, gia cố sắt chống đỡ hệ cột, xà, thay cột hiên. Năm 1990, trùng tu nhỏ.
Nhà thờ tộc Trương có diện tích là 281,525m
2, mặt tiền quay về hướng Tây Nam, nằm sát đường kiệt số 54 đường Phan Chu Trinh. Bước vào di tích là phải đi qua tam quan hình cuốn thư, hai bên thành cổng chính áp sa thạch, hai mắt cửa hình lục giác, đề hai chữ phúc, thọ (
nền đỏ chữ vàng) được gắn ở đà trên cổng. Trên hai mắt cửa là bức hoành Trương Từ đường (
đắp nổi, nền đỏ chữ vàng). Mái cổng chính lợp ngói âm dương, 9 vồng ngói, bờ nóc trang trí hoa văn chữ vạn, hồ lô bằng thủy tinh xanh được đặt giữa bờ nóc. Đây là một trong những tam quan nhà thờ tộc còn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Bên trong tam quan là một khoảng sân rộng diện tích là 7,6 x 11,7 = 89.224m
2 được lát sa thạch tím, trắng với nhiều kích cỡ khác nhau. Bậc cấp vào ngay giữa tiền sảnh cũng được lát bằng sa thạch màu trắng, hình dáng giống bàn đá chân quì. Các cột hiên hình vuông xây bằng gạch tô vữa vôi. Bên trong là hệ cửa tiền đường gồm 4 cánh cửa gỗ kiểu pano. Trước đây, phía dưới hệ cửa có đà cửa hạ bằng gỗ nhưng trong đợt trùng tu năm 1990 chủ di tích thay thế bằng cách xây gạch tô vữa vôi - xi măng. Nội thất nhà thờ 3 gian, ba lòng, gồm tiền đường hậu tẩm. Nền nhà thờ lát gạch hoa, tường xây vữa hợp chất vôi, mật mía, vỏ hến. Khung chịu lực gồm có hai phần, ở lòng I là vì kèo cột trốn kẻ chuyền, ở lòng II, III là trính chồng trụ đội, đầu và đuôi các kèo được chạm khắc lộng lẫy các đồ án hoa dây. Ngăn cách tiền đường, hậu tẩm là hệ cửa thượng song hạ bản. Phần hạ bản các cửa có nhiều đồ án trang trí chạm nổi như bát bửu, chữ thọ. Hậu tẩm cũng có mái hiên tường xây bảo vệ. Khuôn viên phía sau hậu tẩm có nhà bếp(
góc phía Đông nhà thờ) và nhà vệ sinh(
góc phía Bắc nhà thờ). Án ngữ hậu tẩm là bình phong hình cuốn thư, bình phong liên kết với tường rào bảo vệ mặt hậu di tích. Mái trước của công trình lợp ngói âm dương, mái sau lập ngói đất nung 22v/1m
2. Bờ nóc, bờ hồi tô đắp uốn lượn theo đồ án thủy ba và có quả cầu thủy tinh xanh được đặt giữa bờ nóc.
Nhìn chung toàn bộ kết cấu công trình đều là những hạng mục cũ được xây dựng muộn nhất trong đợt trùng tu năm 1912. Tất cả các cấu kiện gỗ đều được làm bằng gỗ kiền kiền. Hệ cửa, con ke, đầu kèo trang thờ được chạm trổ sắc sảo. Đặc biệt trong gian tiền đường hiện còn treo bức hoành chữ Hán “
Kính như tại” có niên đại Minh Mạng năm 12 (
1831).
3. Về văn hóa tín ngưỡng Không gian thờ tự trong di tích được phân bố như sau: Giữa tiền đường là nơi đặt trang thờ lớn làm bằng gỗ được sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh vi nhiều đồ án mang ý nghĩa cát tường như cá chép, bát bửu, hoành phi nhỏ bằng chữ triện, một cặp câu đối. Trong trang thờ có đặt bảng tông đồ tộc Trương và 15 bài vị của các vị thủy, cao, tằng, hiển tổ của tộc. Trang thờ các vị tổ cô ở hậu tẩm, trong án thờ có bảng tông đồ các vị Tổ cô đơn chiếc, góa bụa.
Hằng năm, tại di tích diễn ra các lễ chính là: Tế xuân, ngày 15/2 âm lịch; tế thu, ngày 15/8 âm lịch; chạp mã tộc ngày 24/11, tế ông Trương Hoằng Cơ, ngày 3/11. Các lễ tế hiện nay diễn ra theo trình tự cúng tế truyền thống của người Việt. Vật phẩm cúng tiêu biểu là heo quay. Theo một người cao tuổi trong tộc cho biết, cách đây 40 - 50 năm, vào dịp tế xuân, thu tại nhà thờ tộc, đại diện làng Minh Hương đến nhà thờ dự lễ và tiến cúng heo quay và nhiều vật phẩm khác.
Nhìn chung, Trương tộc là một trong những tộc họ người Hoa định cư vào buổi đầu hưng thịnh của thương cảng Hội An, được cộng đồng cư dân làng Minh Hương tôn vinh là một trong những tộc tiền hiền, đóng góp nhiều trong sự nghiệp xây dựng làng Minh Hương - Hội An. Con cháu tộc Trương trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX đã tham gia vào công tác hành chính, hoạt động quản lý thương mại của cảng thị, tu bổ di tích qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển cảng thị Hội An nói riêng và vùng đất Hội An nói chung.