Góp thêm tư liệu về Nguyễn Đức Chính

Thứ sáu - 15/12/2023 04:00
Quảng Nam là một trong những vùng đất sản sinh ra nhiều nhân vật có đóng góp quan trọng đối với nhà Nguyễn nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Dưới thời nhà Nguyễn, nhiều nhân vật ở Quảng Nam được vua trọng dụng và được bổ làm nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình, trong đó có Nguyễn Đức Chính.
Sac Phong Cho Nguyen
Sắc phong cho Nguyễn Đức Chính năm Minh Mạng thứ 21.
 

      Tìm hiểu nhân vật Nguyễn Đức Chính góp phần làm rõ hơn hành trạng làm quan của ông, cũng như những đóng góp của ông đối với nhà Nguyễn, qua đó góp phần khẳng định vị thế của Quảng Nam trong lịch sử nhà Nguyễn.

      Hành trạng của Nguyễn Đức Chính

      Theo các tư liệu cho biết, có thể nói nhân vật Nguyễn Đức Chính được đề cập khá nhiều trong các bộ sử của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí. Ngoài ra, Nguyễn Đức Chính còn được đề cập trong Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục và Khoa cử Việt Nam - Cử nhân triều Nguyễn do Nguyễn Thúy Nga làm chủ biên.

      Theo Đại Nam liệt truyện, tập 4 cho biết: Nguyễn Đức Chính tự là Thiện Trai, người huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam. Có tiếng văn học. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đỗ hương tiến, lúc đầu vào các, trải thăng Tham biện, đổi làm Biện lý bộ Binh. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) làm Tham tri bộ Binh, đổi ra Tuần phủ Hà Tĩnh. Năm Tự Đức thứ 1 (1848) đổi về Tả tham tri bộ Lại. Bấy giờ mới mở nhà Kinh diên, sung làm Nhật giảng quan, lại đi khâm sai làm Phó chủ khảo trường thi Hội. Năm thứ 3 (1850) bị ốm chết ở chỗ làm quan (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 4, Viện Sử học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 2013, tr.492-493)

      Đại Nam thực lục cho biết, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), Hàn lâm viện Thị độc là Nguyễn Đức Chính thăng thự Thị giảng học sĩ, tham biện việc Nội các, sau đó bổ thụ Lang trung bộ Binh, biện lý việc bộ (theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, Nxb Giáo dục, 2007, tr.749, 857)

      Năm Thiệu Trị thứ 1 (1841), Nguyễn Đức Chính thăng thự Hữu Thị lang bộ Binh. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), sung vào chức Hộ lưu Kinh ấn, sau đó được bổ Bố chính tỉnh Hải Dương, sau bổ thự Tả thị lang bộ Hình. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Tả thị lang bộ Hình Nguyễn Đức Chính cải thự Thị lang bộ Lễ. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), thực thụ Tả Thị lang bộ Lễ, đều sung biện sự vụ Nội các. Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông được thăng quyền Tả tham tri bộ Binh, sau được bổ Tham tri bộ Lại. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), ông được bổ đi thự Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh, lĩnh sự vụ Bố chính (theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 6, Nxb Giáo dục, 2007, tr.48, 286, 347, 564, 911, 958)

      Năm Tự Đức thứ 1 (1848), ông được đổi bổ làm Tả tham tri bộ Lại. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), ông mất. Vua thương về siêng năng cẩn thận, đặc ơn gia ban cho 400 quan tiền, vải, lụa mỗi thứ 20 tấm (theo Đại Nam thực lục, tập 7, sđd, tr.154.)

      Theo Đại Nam nhất thống chí mục nhân vật ghi: Nguyễn Đức Chính người huyện Diên Phước, đổ cử nhân khoa Mậu Tý năm Minh Mạng thứ 9, sơ thụ kiểm thảo, sung Hành tẩu Nội các, rồi thăng Thị lang bộ Lại, vẫn sung Nội các, ít lâu bổ ra Bố chính Hải Dương, vì tang cha nghỉ việc, sau lấy hàm Thị lang Nội các, trải thăng Hữu tham tri bộ Lại và Tuần phủ Hà Tĩnh, đầu niên hiệu Tự Đức, triệu về Kinh, lấy hàm Tham tri bổ chức Nhật giảng quan ở Kinh diên, vì có bệnh, thôi chức Kinh diên, rồi chết; cho 300 quan tiền, và vải lụa đều 20 tấm (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, 2006, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.460)

      Trong Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục và Khoa cử Việt Nam - Cử nhân triều Nguyễn của Nguyễn Thúy Nga chủ biên có ghi chép như sau: Nguyễn Đức Chính, người xã Thăng Bình huyện Diên Phước. Đỗ cử nhân trường Thừa Thiên khoa Tân Mão năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Làm quan tới chức Tham tri bộ Lại.
 

Sac Phong Cho Nguyen 01
Sắc phong cho Nguyễn Đức Chính năm Tự Đức nguyên niên.
 

      Có thể thấy, thông tin về Nguyễn Đức Chính được ghi chép khá chi tiết trong các tài liệu đã dẫn ở trên, qua đó có thể khái quát về ông như sau: Nguyễn Đức Chính tự là Thiện Trai, người huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam, đỗ cử nhân vào năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Làm quan và giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Ông mất vào năm Tự Đức thứ 3 (1850).

      Nguyễn Đức Chính là người thanh bạch thẳng thắn, trải khắp trong ngoài, làm việc chu đáo cẩn thận. Vì những thành tích, cống hiến của mình, dưới thời vua Triệu Trị, ông được hợp vào sổ “4 lần 7”, (4 lần 7 là 28, vua lấy các quan văn thần hoặc công thần 28 người liệt vào Tao đàn hoặc vẽ hình vào các, gọi là 4 lần 7 là 28 vì sao). Sau khi ông mất, vua Tự Đức thương về siêng năng cẩn thận, đặc ân gia ban cho 400 quan tiền, vải lụa mỗi thứ 20 tấm. Con ông có 2 người, Luận được tập ấm bổ làm quan đến Tri phủ Diễn Châu, còn Xưởng bổ thụ Cửu phẩm (theo Đại Nam liệt truyện, tập 4, sđd, tr.493)

      Sắc phong của triều đình cho Nguyễn Đức Chính

      Ngoài các thông tin được sử sách ghi chép, tư liệu Hán Nôm về Nguyễn Đức Chính cũng khá đa dạng và phong phú. Có hơn 20 văn bản Hán Nôm (gồm sắc phong, chiếu, chỉ, bằng) về ông được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sưu tầm, sao chụp và lưu trữ, trong đó có 8 sắc phong, 12 bằng, chiếu, chỉ.

      Về niên đại, trong các văn bản sưu tầm được, văn bản có niên đại sớm nhất là năm Minh Mạng thứ 14 (1833) và muộn nhất là năm Tự Đức thứ 1 (1848). Nhìn chung, các văn bản được bảo quản tương đối tốt, chưa bị mối mọt xâm hại, hư hỏng.

      Trong đó, các sắc phong cơ bản có sự thống nhất về hình thức, nội dung, thể thức theo những quy định về sắc phong được ghi chép cụ thể trong Khâm định Đại Nam hội điện sự lệ do Nội các biên triều Nguyễn biên soạn. Các sắc phong được viết trên giấy long đằng màu vàng, kích thước bình quân dài từ 120cm đến 130cm, rộng từ 50 đến 60cm; bên ngoài có viền hồi văn dây lá, hoa cúc, lưỡng long chầu nguyệt,… rộng từ 3cm đến 3,5cm; lòng giấy mặt chính vẽ long vân (rồng mây). Đối với các văn bằng, chiếu, chỉ được viết trên giấy dó khổ lớn, không trang trí hoa văn.

      Về nội dung, các văn bản cơ bản có 3 phần. Phần mở đầu là chữ Sắc, Chiếu sắc, Chỉ, Thừa thiên hưng vận Hoàng đế chế viết… Tiếp đến là tên người được ban chức tước. Phần giữa là lý do ban thưởng phẩm hàm, chức tước. Phần cuối là chuẩn cho thực hiện, và kết thúc bằng hai chữ Khâm tai; và dòng niên hiệu, ngày tháng năm, ấn triện (Sắc mệnh chi bảo).

      Thông qua nội dung văn bản, có thể thấy nhân vật Nguyễn Đức Chính là con người có trí tuệ, tài năng thao lược, đức tính cần cù, cẩn trọng,… nên được giao trọng trách giữ các chức vụ quan trọng trong Nội các nhà Nguyễn (bộ Binh, bộ Lễ, bộ Lại) thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

      Đặc biệt, qua nội dung văn bản đã cung cấp thêm những thông tin quan trọng về nhân vật Nguyễn Đức Chính như chức tước, phẩm hàm, khí tiết, tính cách, tài năng của nhân vật này mà các tư liệu như Quốc sử, Quốc chí, Quốc triều hương khoa lục, Khoa bảng Việt Nam… chưa đề cập đến hoặc có đề cập nhưng lại được ghi chép khá khiêm tốn (chỉ 1 hoặc 2 dòng).

      Về giá trị lịch sử - văn hóa: đây là loại tư liệu đặc biệt có giá trị về nhiều mặt. Về lịch sử, các văn bản này là những tư liệu gốc, quý giá, chứa đựng nhiều thông tin chính xác, chân thực về hành trạng của nhân vật Nguyễn Đức Chính có những đóng góp quan trọng cho nhà Nguyễn và Quảng Nam, về tổ chức bộ máy chính quyền quân chủ từ trung ương đến địa phương, về tên gọi hành chính các địa phương thời Nguyễn… Về văn hóa, cung cấp những thông tin quan trọng về điển lệ, điển chế, quy định của nhà Nguyễn trong việc ban sắc phong, chiếu, chỉ,… cho các nhân vật, quan lại có công, có đóng góp cho triều đình. Ngoài ra, đây được xem là bảo vật vô giá để gia đình, dòng họ Nguyễn Đức bảo quản, sử dụng và thông tin cho con cháu noi gương, học tập, nghiên cứu.

      Thông qua các văn bản Hán Nôm sưu tầm, đã góp phần bổ khuyết thông tin, bổ sung đầy đủ hơn về hành trạng, con đường quan lộ của Nguyễn Đức Chính mà các tư liệu trước đó chưa đề cập. Đặc biệt, qua nội dung văn bản, có thể nhận định Nguyễn Đức Chính là nhân vật có tài năng thao lược, khí tiết, đức tính cẩn trọng,… nên được các vua nhà Nguyễn trọng dụng và giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Nội các. Ông được xem là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp cho lịch sử - văn hóa Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn.

Tác giả: PHƯỚC TỊNH - HỒNG VIỆT

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây