Hội An: Đạt nhiều kết quả khích lệ trong quản lý, bảo tồn giá trị di sản

Thứ hai - 04/12/2023 03:40
Sáng ngày 4.12, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi gặp mặt, trao đổi về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An năm 2023. Qua đó, động viên sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An trong năm qua.
162226gặp mặt 3
Quang cảnh buổi gặp mặt 
 
      Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), 24 năm ngày Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (04.12.1999-2023) và 06 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (07.12.2017-2023). 

      Báo cáo tại buổi gặp mặt, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết: Với sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức từ các cơ quan Trung ương, của tỉnh Quảng Nam, của các tổ chức và cá nhân quốc tế; lãnh đạo thành phố, các cơ quan, cộng đồng, chủ di tích, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp… Trong năm 2023, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH Hội An đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.

      Trên lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, năm 2023, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Hội An theo định hướng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch đến năm 2030. Thành phố cũng đã tham mưu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trình UBND tỉnh cùng các Sở ban ngành góp ý để trình cho Chính phủ thông qua trong năm 2023. 
 
162225DSC09235
Năm 2023, Tết Trung thu ở Hội An được Bộ VHTTDL công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia
 

      Công tác khảo sát, kiểm tra, đánh giá tình hình di tích trên địa bàn được tiếp tục duy trì định kỳ. Công tác giám sát tình hình xây dựng, sửa chữa, tu bổ di tích/nhà ở, trật tự kinh doanh trong khu phố cổ thường xuyên được duy trì với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng, nhất là các đợt ra quân lập lại trật tự kinh doanh, buôn bán, trưng bày hàng hóa trên các tuyến đường trong khu phố cổ. 

      Công tác kiểm kê, nhận diện các loại hình di sản văn hoá phi vật thể được triển khai lồng ghép vào các đề án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Trong năm qua đã xây dựng và trình 03 hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó  hồ sơ Tết Trung thu ở Hội An đã được công nhận, 02 hồ sơ đang được xem xét. Phương án quản lý phát huy các di sản phi vật thể Quốc gia cũng được đang xây dựng và sớm trình cho UBND thành phố phê duyệt triển khai trong năm 2024.
 

      Trên lĩnh vực đầu tư tu bổ di tích đang xúc tiến triển khai nhiều dự án quan trọng. Đặc biệt là Dự án PCCC cho khu phố cổ cơ bản hoàn thành các bước thủ tục chuẩn bị đầu tư; dự án Tôn tạo di tích Cây Thông Một đã được thông qua phương án trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu đã triển khai thi công; dự án trưng bày di tích Nhà lao Hội An đã hoàn thành;...
Công tác hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích tư nhân - tập thể cũng được tích cực thực hiện với 11 di tích đã được hỗ trợ hoặc có chủ trương đầu tư. Nhiều di tích vùng ven cũng huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo,...

162227khu vườn 1
Khánh thành Khu vườn Hội An tại thành phố Wernigerode, CHLB Đức 
 
      Bên cạnh đó cũng đã đạt được nhiều thành tựu trên lĩnh vực tuyên truyền, phát huy giá trị di sản văn hóa; công tác giáo dục di sản học đường. Các điểm bảo tàng, di tích thường xuyên được đầu tư nâng cấp trưng bày nhằm nâng cao chất lượng, thu hút du khách đến tham quan, hướng đến xây dựng điểm du lịch xanh. 

      Công tác đối ngoại trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đạt được nhiều kết quả với nhiều tổ chức, cá nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... Qua đó thu hút được sự đầu tư, hợp tác tham vấn các chuyên gia, tổ chức Nhật Bản trong dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu; với thành phố Wernigerode - CHLB Đức liên quan đến dự án “Con đường sinh thái - Hội An” và thiết kế, thi công hình thành “Khu vườn Hội An tại thành phố Wernigerode”.
 
162224di sản
Các nghệ nhân tham gia lễ diễu hành mừng sự kiện Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO 
 
      Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết: Đánh giá lại một năm sắp đi qua, Hội An tự hào vì đã đạt được rất nhiều thành quả trên lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa. Tuy vậy, chắc chắn sẽ có những vấn đề khó khăn, hạn chế nảy sinh chưa thể làm chúng ta hài lòng. Vì thế, tại buổi gặp mặt hôm nay, lãnh đạo thành phố mong muốn được lắng nghe thật nhiều ý kiến phát biểu từ góc độ nhìn nhận nhiều phía của các cơ quan quản lý, các địa phương, các chủ di tích, cộng tác viên bảo tồn di sản, các nhà nghiên cứu... để làm sáng tỏ hơn các vấn đề có liên quan. Đặc biệt là những đề xuất giải pháp hiệu quả để khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Từ đó tạo nên sự đồng lòng, gắng sức, cùng nhau chia sẻ khó khăn để hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Hội An trong thời gian đến.

      "Đặc biệt năm nay, chúng ta có thêm niềm vui mới khi Hội An vừa được gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO về lĩnh vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian. Việc gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO sẽ mở ra nhiều cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hơn thương hiệu DSVH Hội An, đẩy mạnh phát triển văn hóa sáng tạo trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố. Trước mắt chúng ta sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung sáng kiến đã cam kết với UNESCO", Phó Chủ tịch TP Hội An Nguyễn Văn Lanh chia sẻ.
 

Tác giả: KHÁNH CHI

Nguồn tin: baovanhoa.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây