Còn đây dáng phố vẹn nguyên

Thứ tư - 12/04/2023 21:21
Qua biến thiên lịch sử, Hội An là một trong những đô thị hiếm hoi bảo tồn được khá nguyên vẹn. Bên cạnh sự sắp đặt của lịch sử, những quy chế, quy hoạch góp phần đáng kể để khu phố cổ trường tồn cùng thời gian.
pho co nhin tu huong tay
Một góc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc khu vực I của Khu phố cổ Hội An) trong thời điểm đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lễ hội Tết Nguyên tiêu 2023. Ảnh: P.Q
 

      Hành trình dài

      Từ hơn 41 nghìn lượt khách vào năm 1995, đến năm 2019 đô thị cổ Hội An đã đón đến gần 5,7 triệu lượt khách. Trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, con số này hầu như tăng đều qua từng năm và gần như tất cả du khách đều tham quan Khu phố cổ Hội An.

      Những quy chế, quy hoạch liên quan đến Khu phố cổ Hội An manh nha hình thành ngay khi du lịch còn là một khái niệm tương đối xa lạ chính là “lá chắn” quan trọng để di sản này không “vỡ trận” trước du khách.

      Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, để nói về quá trình tái thiết, quy hoạch, bảo tồn khu phố cổ Hội An thì rất dài, có thể chia thành 3 mốc thời gian gồm giai đoạn thập niên 80, thập niên 90 và từ năm 2000 đến nay. Từ năm 1987, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ban hành các quy chế về bảo vệ Khu phố cổ Hội An và ngay sau đó đã khoanh vùng bảo vệ.

      Với hệ thống cả ngàn di tích trong một phạm vi khá nhỏ bé, qua các thời kỳ cơ quan quản lý luôn chú trọng kiểm kê, đo đếm, phân loại, xếp loại từ di tích đặc biệt đến di tích loại 4. Tùy các cấp độ sẽ có quy định, quy chế quản lý, sửa chữa khác nhau. 

      “Để quản lý tốt thì rõ ràng phải khoanh vùng bảo vệ. Ban đầu việc khoanh vùng được chia thành 3 khu vực gồm khu vực I, khu vực II và khu vực III. Sau đó, theo Luật Di sản thì chỉ có vùng lõi và vùng đệm nên Hội An có sự điều chỉnh gồm khu vực I, IIA, IIB cho phù hợp và vẫn đảm bảo được công tác quản lý di sản” - ông Ngọc nói. 

      Đô thị cổ Hội An đạt 2 trong số 5 tiêu chí mà UNESCO quy định mà chỉ cần đạt 1 là sẽ được công nhận, bao gồm: là một biểu thị vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế và là điển hình tiêu biểu về một cảng thị truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo. Sau khi được UNESCO vinh danh vào năm 1999, Hội An đã điều chỉnh quy hoạch bảo tồn nhằm phù hợp với thông lệ, quy định quốc tế.

      Vành đai bảo tồn di sản

      Theo thời gian, nhiều “hàng rào” quy định đã hình thành để giảm thiểu tổn thương đến mức thấp nhất cho di sản này. Có thể kể đến như: quy định về hoạt động thương mại - du lịch trong phố, quy định trưng bày hàng hóa trong các điểm, quy định về bảng hiệu, quy định cấm xe có động cơ lưu thông trong khu phố cổ theo khung giờ… Mới nhất vào cuối năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An.
 

pho co
Một di tích nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân trên đường Trần Phú được chính quyền “rót tiền” hỗ trợ trùng tu nhưng việc sửa chữa phải ủy quyền cho cơ quan chức năng để đảm bảo tính chân xác. Ảnh: P.Q
 

      Ngoài các quy định, quy chế và khoanh vùng bảo vệ, Hội An đã xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho di tích do tư nhân sở hữu. Ông Phạm Phú Ngọc nói, xuất phát từ năm 2002, do trời mưa gió khiến một ngôi nhà trên đường Bạch Đằng bị đổ sụp. Từ đó, Hội An xây dựng dự án tu bổ cấp thiết các di tích trong phố cổ, lồng ghép di tích sở hữu nhà nước lẫn tư nhân vào đây kèm theo đề xuất cơ chế hỗ trợ và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2008. 

      Đối với cơ chế này, tùy theo từng loại nhà tỷ lệ hỗ trợ vào khoảng 40 - 60% so với di tích sở hữu Nhà nước, theo diện đặc biệt; với các ngôi nhà, di tích ở trong hẻm không có nguồn thu hoạt động du lịch thì tỷ lệ hỗ trợ có thể lên đến 75%.

      Từ trích kinh phí nguồn vé tham quan, một số di tích do tư nhân, cộng đồng sở hữu có thể nhận được vài chục triệu đồng/tháng (thời điểm chưa có dịch COVID-19). Di tích sẽ được “rót tiền” trùng tu nhưng đối với các di tích loại đặc biệt, loại I khi sửa chữa phải tiến hành ủy quyền cho cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư để quản lý chặt chẽ, đảm bảo tính chân xác của công trình.  

      Theo dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, cấu trúc lõi di sản được xác định là cấu trúc đô thị phải lưu giữ song song với cấu trúc hành chính và cấu trúc phân vùng để Hội An phát triển toàn diện song vẫn giữ được hệ sinh thái di sản.

      Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, đồ án khi được thông qua sẽ là cơ sở khoa học và là công cụ quan trọng để hoạch định các mục tiêu, định hướng chiến lược bảo tồn, phát triển đô thị di sản. Đây cũng là công cụ pháp lý cơ bản, đi trước để chính quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, trong đó có Khu phố cổ Hội An.

Tác giả: PHẠM QUỐC

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây