Gom góp tinh hoa quê xứ
Vừa lúi húi sắp xếp lại mẹt mỳ, anh Lê Minh Cảnh, 35 tuổi (xã quê Cẩm Thanh) chủ nhân của tiệm mỳ Quảng niêu (đường Võ Chí Công, TP.Hội An) nói rằng, hy vọng khi mọi người ăn một bữa mỳ Quảng niêu ở tiệm nhà mình thì có thể hình dung được phần nào các giá trị đặc trưng của quê xứ.
Những lời bộc bạch của chàng trai sinh ra ở xứ vạn dừa này cũng không quá bởi bữa mỳ niêu thết đãi thực khách của quán hội tụ khá nhiều làng nghề, sản vật của quê nhà. Là rau sống từ làng Trà Quế, đũa được sản xuất từ làng mộc Kim Bồng và nhất là niêu đất nung ở làng gốm Thanh Hà.
“Ngoài công thức chế biến nhưn học hỏi từ làng Phú Triêm thì tôm được khai thác tại chính rừng dừa Bảy Mẫu. Khi khách ăn xong bữa mỳ sẽ được phục vụ tráng miệng bằng bánh ít lá gai và nước lá đều xuất xứ từ Cù Lao Chàm” - Lê Minh Cảnh cho biết thêm.
Anh Cảnh luôn cố gắng giữ hương vị nguyên bản của mỳ Quảng qua các công đoạn chế biến. Ảnh: Q.T
Hành trình xây dựng điểm nhấn cho món ăn vừa thường nhật vừa đặc sản của xứ Quảng cũng lắm gian nan. Những cửa tiệm cung cấp nguyên vật liệu như niêu, đũa ban đầu đều từ chối khi anh Cảnh “gõ cửa” đặt vấn đề mua hàng, bởi sản xuất các sản phẩm như vậy không có sẵn. Thế là niêu, đũa của tiệm đều là “hàng thửa”. Đến nỗi, anh Cảnh nhớ chính xác rằng cửa hiệu mình hiện có 100 niêu đất và 200 đôi đũa.
Bên cạnh việc cố gắng giữ vị nguyên bản của mỳ Quảng, niêu nhưn mặn mà đang đà chín sôi là nét mới mẻ khiến bất cứ thực khách nào cũng tò mò muốn thử dù là với những người không mê mỳ Quảng. Tô mỳ quyện nhưn sẽ càng đậm đà hơn khi tôm hay trứng cút được mọi người tự tay cho vào niêu ngay trên bàn ăn và chan tùy thích theo gu ăn uống của mình.
Xây khát vọng từ mỳ Quảng niêu
Câu chuyện gom góp các tinh hoa làng nghề ở Hội An vào tô mỳ Quảng của Lê Minh Cảnh đến khá tình cờ. Kinh doanh mỳ không hề có trong mường tượng ở thời điểm anh Cảnh quyết định rời quân ngũ sau 14 năm gắn bó. Ban đầu, chàng trai này chỉ đơn thuần làm tour khám phá rừng dừa như bao người dựa vào lợi thế cảnh quan rừng dừa Cẩm Thanh quê nhà.
Càng làm, anh Cảnh càng đau đáu khát khao phải thực hiện điều gì đó để gìn giữ, lan tỏa những nét đặc trưng quê xứ đến với du khách thập phương. Và lựa chọn với mỳ Quảng niêu vào cuối năm 2022 như một cơ duyên. Hàng chục năm làm công tác hậu cần, nấu ăn trong quân đội là vốn lận lưng để anh Cảnh bắt đầu hành trình khởi nghiệp nấu mỳ Quảng.
Sau hai tháng mở cửa, lượng khách đến với tiệm mỳ của anh Cảnh đang tốt dần lên, càng vui hơn khi có nhiều khách quốc tế và khách nội địa ở xa.
“Mình nghĩ rằng mai này trong số hàng ngàn khách đến với quán ít nhất cũng có vài chục khách tò mò muốn tìm hiểu thực tế những làng nghề hòa quyện trong bữa mỳ niêu. Như vậy cũng là đã đóng góp một phần nhỏ bé để lan tỏa các giá trị đặc sắc của quê hương rồi” - Lê Minh Cảnh nói.
Thưởng thức và nhận xét về mỳ Quảng vốn chín người, mười ý. Nhiều người luôn mặc định món mỳ Quảng ngon nhất là “mỳ của ký ức” do bà, mẹ mình nấu. Ông chủ tiệm mỳ biết điều đó và luôn cầu thị, lắng nghe qua mỗi ngày để món mỳ niêu của mình ngày một chất lượng hơn trên nền tảng hương liệu, dư vị quê xứ.
Chàng trai quê Cẩm Thanh luôn tâm niệm rằng, việc gầy dựng thương hiệu mỳ Quảng niêu của mình là chuyện đường dài, của 5 - 10 năm sau. Hy vọng tâm huyết và sự chắt chiu mỗi ngày gửi gắm trong từng niêu mỳ sẽ đọng lại nhiều dư vị trong lòng thực khách.
Trong phác thảo về tương lai, Lê Minh Cảnh vẫn còn ấp ủ nhiều khát khao rộng lớn từ một bữa mỳ niêu. Là hành trình trải nghiệm xuyên qua các làng nghề đã tạo ra bữa mỳ hay kết nối đưa sản phẩm lưu niệm đến du khách khi kết thúc chuyến đi.
Còn bây giờ, Lê Minh Cảnh luôn miệt mài làm việc và lan tỏa năng lượng tích cực khi tiếp cận mọi vấn đề để mỗi ngày trôi đi, bữa mỳ niêu gom góp vị quê xứ lại lan tỏa rộng rãi hơn đến thực khách…
Tác giả: QUỐC TUẤN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn