Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển: Cần những chính sách đặc thù

Thứ sáu - 29/01/2021 04:26
Trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngoài những quyết sách có tính chiến lược đã được luật pháp quy định như Luật Di sản văn hóa, mỗi địa phương luôn cần chính sách văn hóa đặc thù mang tính cấp thiết do tính biến đổi văn hóa và bối cảnh kinh tế - xã hội, cộng đồng “thực hành văn hóa” gắn với di sản đặt ra...
TCT 30714
Bản sắc văn hóa của địa phương giữ vai trò quyết định trong phát triển, hội nhập. ảnh: NGUYỄN HỮU KHIÊM

Với di sản văn hóa vật thể

Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa di sản ở Quảng Nam - miền đất có hai di sản văn hóa của nhân loại (Đô thị cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và có chung danh hiệu di sản phi vật thể thế giới với các tỉnh miền Trung (bài chòi)… đã đạt nhiều thành tựu lớn có tính bền vững trong phát triển. Ở Đô thị cổ Hội An, cùng với Luật Di sản văn hóa còn có các quy chế quản lý đặc thù (Quy chế quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích khu phố cổ do UBND tỉnh ban hành năm 2006). Đây được đánh giá là “công cụ bảo tồn di sản đô thị thực sự hữu ích, đúng với cách ứng xử và do đó mang tính khả thi. Văn bản này không chủ trương biến khu phố cổ thành bảo tàng. Nó tính tới và mở đường cho sự song tồn hai nhân tố cơ bản: di sản kiến trúc và nhu cầu tiếp tục sống của dân cư, tiếp tục phát triển của đô thị…” - (KTS.Hoàng Đạo Kính - Di sản đô thị Hội An bảo tồn trong đô thị phát triển, Tạp chí Đô thị phát triển 15.1.2020).

Hội An đã huy động nguồn lực đầu tư đa dạng để bảo tồn di sản: ngân sách Trung ương; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; ngân sách địa phương từ nguồn thu từ vé tham quan; tài trợ của các tổ chức nước ngoài; đầu tư từ cộng đồng… Bên cạnh những di tích trọng điểm được tu bổ từ nguồn ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ quốc tế, 1.432 căn nhà được người dân bỏ tiền ra tu sửa với sự hướng dẫn nghiệp vụ của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản. Hội An cũng như Mỹ Sơn đã huy động được nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn từ các nhà khoa học, chuyên gia, đội ngũ kỹ thuật trùng tu, tôn tạo… trong và ngoài nước, trong đó có lực lượng nghệ nhân và thợ địa phương.

Thực tế tại mỗi di sản văn hóa nảy sinh những hạn chế về lĩnh vực bảo tồn do thiếu một chính sách văn hóa cụ thể trong quản lý, điều hành về nguồn kinh phí, kỹ thuật trùng tu, về chính sách phát huy di tích trong phát triển bền vững. Với Hội An, loại hình di tích nhà cổ (nhà ở, nhà thờ, hội quán, đình miếu…), xuống cấp luôn đối mặt bài toán kinh phí trùng tu. Đơn cử, kinh phí trùng tu với vật liệu nguyên gốc, kỹ thuật bảo đảm nguyên trạng nên đòi hỏi kinh phí cao so với tỷ lệ chủ sở hữu bỏ ra, tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ… Đặc biệt khó nhất là với những di tích nhiều sở hữu (đồng sở hữu) như nhà thờ, nhà nhiều thừa kế theo luật định ngoài giải quyết bài toán kinh phí còn vấp phải trở ngại vì không đạt đến sự đồng thuận tu bổ của các chủ sở hữu…

Với các di sản văn hóa phi vật thể

Ở Quảng Nam, nghệ thuật sân khấu hát bội đang trên bờ vực “thất truyền” do không có đội ngũ kế tục (biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc công và cả công chúng). Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ được UNESCO vinh danh, riêng Quảng Nam tự hào có Đoàn Ca kịch bài chòi (Sở VH-TT&DL) - một đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp có vai trò rất lớn trong việc “giữ lửa” cho nghệ thuật bài chòi. Về lực lượng phong trào hiện tại mạnh nhất là đơn vị Hội An xét ở góc độ lực lượng kế tục (diễn viên, nhạc công, đội ngũ sáng tác…). Nghệ thuật bài chòi, dân ca luôn có đất diễn và bài chòi đã trở thành sản phẩm du lịch của Hội An. Trong việc bảo tồn bài chòi nhiều địa phương có phong trào tốt như Đại Lộc, Hiệp Đức, Quế Sơn, Tam Kỳ, Nông Sơn, Phú Ninh… qua việc đưa trò chơi dân gian vào các lễ hội truyền thống, tham gia thường xuyên các hội thi, hội diễn, tạo “đất diễn” cho các câu lạc bộ bài chòi tại địa phương với nguồn hỗ trợ từ xã hội hóa.

Về loại hình dân ca, dân ca trong các diễn xướng dân gian (hô hát bài chòi, hát ông Tổng, hò đưa linh, hát múa bả trạo, hát sắc bùa, hát lý của người Cơ Tu…) đã được các nhà quản lý, bảo tồn chú trọng nhưng chưa có chính sách cụ thể cho từng địa phương. Hàng chục năm qua, việc bảo tồn dân ca với phương án đưa vào giáo dục học đường vẫn chưa được các cấp hữu quan thống nhất, vì vậy mỗi nơi làm mỗi kiểu theo phong trào. Để bảo tồn dân ca, dân ca trong diễn xướng dân gian, việc cấp thiết là hai ngành văn hóa và giáo dục phải vào cuộc trong việc kiểm kê vốn di sản đặc thù của địa phương, biên soạn nội dung và có “phương án” đưa dân ca vào giáo dục học đường (có thể lồng ghép với các bộ môn xã hội, các hoạt động ngoại khóa trong khi chờ đưa vào “chính khóa”).

Chính sách văn hóa quan trọng nhất vẫn là chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Lộ trình phát hiện nhân tài trong lĩnh vực văn hóa dân gian đang gặp khó do việc trao truyền đứt gãy vì không có phong trào, chưa tính đến việc bồi dưỡng, đào tạo nhân tài khi ngay đến đội ngũ chuyên nghiệp vẫn thiếu “đất diễn”, thiếu vắng người xem, nghe.

“Hiểu sâu sắc, yêu trọn vẹn mới thực sự say mê, gắn bó” dường như là tâm nguyện của những người yêu di sản tinh thần của tiên tổ trao truyền. Công tác nghiên cứu, phổ biến các giá trị dân ca, nhạc cổ cần được các cơ quan văn hóa hỗ trợ thiết thực trong bối cảnh đặc thù của từng địa bàn mới mong bảo tồn, phát huy các giá trị tinh thần truyền thống - những giá trị làm nên bản sắc văn hóa của địa phương trong phát triển, hội nhập.

16/10/2020 14:00 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: PHÙNG TẤN ĐÔNG

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây