Trung thu nói chuyện múa lân

Thứ sáu - 29/01/2021 04:34
Tại Hội An luôn có những người đam mê, theo đuổi nghề truyền thống chế tác ra những chiếc đầu lân, để giữ gìn văn hóa xưa và phục vụ thiếu nhi dịp Tết Trung thu cổ truyền...
TNB 30452
Kim Sư Phố biểu diễn trên Mai Hoa Thung. Ảnh: Thành Tây

Từ những đoàn múa thiên cẩu

Thực ra, đến trước năm 1975 ở Hội An hầu như chỉ có múa thiên cẩu; tên gọi múa lân chỉ có từ sau năm 1980 mặc dầu các đoàn vẫn múa đầu thiên cẩu. 

Đầu thiên cẩu có kết cấu và hình thức trang trí phức tạp hơn, tất nhiên nặng hơn đầu lân rất nhiều, nên đòi hỏi người múa phải có sức khỏe. Múa thiên cẩu ít có những điệu múa đa dạng như đầu lân. Người múa đầu thiên cẩu cần biết các thế võ, nhanh nhẹn để biểu diễn các bộ tấn đi, đứng, nhảy, nằm, bái lạy điêu luyện. Phải chọn người thấp để tạo cảm giác vững chắc đến với người xem. Phải nhẹ cân để thực hiện các động tác trên không như biểu diễn trên cây tre, hoặc leo lên mặt tiền tầng hai, tầng ba để ăn mồi (vật thưởng hoặc tiền thưởng của chủ nhà). Người múa cũng phải thông minh, nhanh trí để ứng phó với các tình huống oái ăm của chủ nhà đưa ra như khi ăn mồi trên cao, ăn trên bàn, ăn trong mâm, ăn dưới đất… mà trong đó ăn tiền đồng trong thau nước mà không bị ướt râu là cực khó.

Thời đó có một tục lệ bất thành văn, được tất cả đoàn múa thiên cẩu tôn trọng là trước lúc đi biểu diễn mỗi đoàn phải sắm sanh lễ vật mang đến cúng chùa Ông (Trừng Hán Cung) để làm lễ Khai quang điểm nhãn, sau khi cúng lễ người làm ra chiếc đầu thiên cẩu sẽ dùng bút lông vẽ tượng trưng lên mắt thiên cẩu để làm phép khai nhãn. Nghi thức này được hiểu như một sự cầu mong thiên cẩu sẽ mở mắt thông thấu, tránh được những tai nạn xảy ra trong lúc biểu diễn. Sau đó đoàn thiên cẩu sẽ biểu diễn ngay tại chùa Ông đúng đủ một bài múa rồi mới bắt đầu đi phục vụ dân phố.

Múa thiên cẩu xuất hiện tại Hội An vào khoảng những năm 30 thế kỷ XX. Mãi đến năm 1964, nhận thấy nhu cầu của người dân, nhất là những hiệu buôn bán luôn muốn mời đoàn múa thiên cẩu đến biểu diễn tại nhà vào dịp Trung thu giúp mua bán hanh thông, đoàn múa thiên cẩu chuyên nghiệp của Nghiệp đoàn lao công Hội An ra đời, thường gọi là đoàn múa Thiên cẩu Nghiệp đoàn. Mấy năm sau, tại kiệt S.I.C.A mọi người bàn nhau thành lập một đội múa thiên cẩu. Do xóm S.I.C.A ở gần đình Ông Voi nên mọi người thường hay ra sân đình này để tập, nhân tiện họ đặt tên cho đoàn là Song Tượng. Đến năm 1968, chính quyền quận Hiếu Nhơn, Hội An có quyết định chính thức lập đoàn múa thiên cẩu thiếu niên quận Hiếu Nhơn. Nòng cốt của đoàn này là các thành viên của đoàn Song Tượng. Cộng đồng người Hoa định cư tại Hội An cũng lập một đoàn múa thiên cẩu với tên gọi đoàn Lân Ngũ Bang. Tuy nhiên đoàn này chỉ hoạt động trong phạm vi cộng đồng  người Hoa. Đến đầu thập niên 70, còn có thêm đoàn Lân Mỹ Anh, hoạt động trong môi trường học sinh và hướng đạo tại Hội An. Tất cả bốn đoàn này hoạt động đến năm 1975 thì chấm dứt. Sau năm 1975, chỉ còn lại đoàn thiên cẩu Song Tượng hoạt động trở lại trong phố. Lúc này các thành viên hay tụ tập tại nhà cao lầu Trung Bắc để luyện tập nên dân phố thường gọi là đoàn Lân Trung Bắc.

Giữ văn hóa xưa 

Chiếc đầu thiên cẩu lần đầu tiên được một thương nhân từ Hồng Kông mang đến Hội An bán lại cho một người Hoa trong phố. Người làm đầu thiên cẩu duy nhất trong thời điểm đó là ông Khưu Diêm (Ba Diêm). Thoạt tiên ông chỉ nhận sửa sang lại những hư hỏng của chiếc đầu được mua tại Hồng Kông sau mùa biểu diễn. Sau đó ông tìm hiểu kết cấu và làm ra những chiếc đầu thiên cẩu sau này. Đặc biệt mỗi năm ông chỉ nhận làm duy nhất chiếc đầu thiên cẩu, và người đặt làm phải là người có uy tín trong cộng đồng, được người dân tin cẩn mới nhận thực hiện.

Đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Ba Diêm nghỉ nghề do tuổi cao, những tưởng sẽ không còn ai tiếp tục làm đầu thiên cẩu nữa. Nhưng nghề này ở Hội An cũng có điều lạ, mỗi thời rồi cũng sẽ có một người làm đầu thiên cẩu; tiếp sau ông Ba Diêm là ông Bùi Quý Phong. Tuy nhiên, đến giai đoạn những năm 1985 do đầu thiên cẩu khá nặng nên ông Phong bắt đầu tìm hiểu và sản xuất đầu lân theo mẫu từ Sài Gòn đưa về. Thời điểm đó cũng chỉ duy nhất ông Phong sản xuất mặt hàng này. Ông Phong hành nghề đến 1991 thì giải nghệ.

Đầu thế kỷ 21 lại có anh Nguyễn Hưng, một người trẻ vốn mê đầu lân từ thuở còn bé, tiếp tục như các vị tiền bối lao theo nghiệp này. Là một người trẻ khéo tay lại có tâm huyết, nên Nguyễn Hưng đã mang lại một diện mạo mới cho đầu lân Hội An. Năm 2017 anh đã chế tác một đầu thiên cẩu được cho là lớn nhất từ trước đến nay để tham dự giải Lân - Sư - Rồng miền Trung - Tây Nguyên. Bắt đầu từ ý tưởng muốn tạo nên một dấu ấn riêng cho múa lân tại phố cổ Hội An của võ sư Nguyễn Lê Thành Tây, chưởng môn phái Dinh Trấn Võ, một chi phái của Võ Đường Kỳ Sơn, Hội An. Nguyễn Hưng tìm cách kết hợp từ kết cấu đến đường nét của thiên cẩu và lân Phật Sơn chế tác ra một mẫu đầu lân mới, được họ đặt tên là Kim Sư Phố. Bên cạnh đó võ sư Thành Tây bắt đầu tạo ra những bộ pháp để biểu diễn Kim Sư Phố mới, trên nền võ cổ truyền Việt Nam.

Sử dụng Kim Sư Phố trong thi đấu đã giúp đoàn Dinh Trấn Võ, Quảng Nam đạt được nhiều giải tại các sân thi đấu trong nước và quốc tế như: Giải Nhất môn Địa Bửu khu vực miền Trung - Tây Nguyên được tổ chức tại Hội An 2017. Giải ba toàn quốc tại Cần Thơ 2018. Giải nhì quốc tế tại Đà Nẵng 2018. Lọt vào top 5 quốc tế tại Malaysia 2018. Giải nhất quốc tế tại Đà Nẵng 2019. Giải nhất Địa Bửu và giải nhì Mai Hoa Thung quốc tế tại Thái Lan 2019. Giải nhất Hội Lân Huế tại Huế 2019.

27/09/2020 08:30 | QUẢNG NAM ONLINE

Tác giả: TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây