* Khoanh vùng
Các ranh giới của Khu phố cổ Hội An được quy định tại Luật Di sản văn hóa của Chính phủ Việt Nam và Quy chế quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An của Uỷ ban Nhân dân thành phố Hội An. Khu phố cổ có diện tích 30 ha và có 2 khu vực bảo vệ.
Các giới hạn của khu phố cổ Hội An là:
- Đông: đường Hoàng Diệu (bao gồm các dãy nhà số lẻ).
- Tây: Giao nhau giữa đường Phan Châu Trinh và Nguyễn Thị Minh Khai (nằm tại số 77 Nguyễn Thị Minh Khai)
- Nam: đường Bạch Đằng và đường bê tông dọc bờ sông sau đường Nguyễn Thị Minh Khai
- Bắc: đường Phan Châu Trinh (bao gồm các dãy nhà số chẵn).
Các khu vực bảo vệ gồm:
Khu vực bảo vệ I gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích, phải được bảo vệ nguyên trạng.
Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. Ở Hội An, khu vực II được chia thành khu vực II-A và khu vực II-B.
I. ĐỐI VỚI KHU VỰC I
* Giới hạn
• Phía Đông: Dãy nhà mặt tiền số lẻ đường Hoàng Diệu, kéo về Đông theo hai dãy nhà mặt tiền đường Nguyễn Duy Hiệu, số chẵn đến hết nhà số 350 (Đình Sơn Phong), số lẻ đến hết nhà số 313 (giáp đường Trương Minh Lượng) và dãy nhà mặt tiền số chẵn, dãy nhà số lẻ đường Phan Bội Châu đến giáp đường Trương Minh Lượng.
• Phía Tây: Điểm giao nhau giữa 2 đường Phan Châu Trinh và Nguyễn Thị Minh Khai (nhà số 77 Nguyễn Thị Minh Khai ).
• Phía Nam: Toàn bộ đoạn sông Hội An, từ điểm Đông (đường Trương Minh Lượng) và điểm Tây (phía sau nhà 51 Nguyễn Thị Minh Khai) kéo về Nam đến đỉnh kè bờ Nam sông Hội An.
• Phía Bắc: Dãy nhà mặt tiền số chẵn đường Phan Châu Trinh kéo về Bắc theo hai dãy nhà mặt tiền đường Lê Lợi (kể cả các nhà số 2/2 đến 2/10).
* Quy định
i) Cảnh quan chung của khu vực bao gồm không gian, độ cao, cơ sở hạ tầng, kiểu thức kiến trúc, sắc thái, bố cục, màu sắc và cả những khoảng trống, thuộc đất công cộng, những khoảng sân trời, sân vườn trong từng ngôi nhà phải được bảo tồn theo các yếu tố gốc của Khu phố cổ.
ii) Đối với các công trình kiến trúc cổ loại đặc biệt và loại I, chỉ khi đặc biệt cần thiết để bảo quản di tích mới tiến hành việc tu bổ. Khi tu bổ phải tuân thủ nguyên tắc giữ công năng (chức năng) vốn có của từng bộ phận và toàn bộ công trình, phải bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc. Trong trường hợp bắt buộc phải thay thế một bộ phận cũ, vật liệu cũ, chất liệu cũ bằng một bộ phận mới, vật liệu mới thì phải đảm bảo tính cần thiết, tính khoa học của việc thay thế đó và phải đảm bảo tính chính xác từng chi tiết của các “yếu tố mới” so với các “yếu tố gốc”.
iii) Đối với các công trình loại 2, nếp nhà trước phải giữ nguyên trạng hoặc phục hồi các yếu tố gốc; phần còn lại phía sau, tùy theo vị trí, đặc điểm của từng công trình và kiến trúc tứ cận, các nếp nhà có thể được cải tạo nội thất, mái phải lợp ngói âm dương và không được cơi nới thêm. Trường hợp cần thiết, phải phục hồi hoặc phục chế những bộ phận đã bị biến dạng của toàn bộ công trình khi có đủ cơ sở khoa học.
iv) Đối với các công trình loại 3:
a. Nếp nhà trước phải giữ lại, tu bổ, tôn tạo hoặc phục hồi hệ mái, mặt tiền cùng các mặt bên (phần nhìn thấy) và kết cấu nội thất theo kiểu thức truyền thống của khu vực I.
b. Phần còn lại phía sau, tùy thuộc vào vị trí, đặc điểm của công trình đó và các kiến trúc tứ cận, được cải tạo nội thất, hoặc cơi nới thêm theo nguyên tắc hài hòa với cảnh quan khu phố cổ nhưng mái phải lợp ngói âm dương.
v) Đối với các công trình còn lại, khi sửa chữa, cải tạo, xây mới phải lợp ngói âm dương; mặt tiền, nền hài hoà với cảnh quan khu phố cổ; phần còn lại phía sau tuỳ thuộc vào đặc điểm của các kiến trúc tứ cận và vị trí, độ cao vốn có của công trình, các nếp nhà có thể được cơi nới thêm theo nguyên tắc hài hoà với cảnh quan khu phố cổ và không che khuất các công trình kiến trúc xung quanh có giá trị (loại đặc biệt, 1, 2).
vi) Đối với các hạng mục công trình được phép xây mới, cơi nới (theo khoản 4, 5 của điều này) độ cao đến đỉnh mái không quá 8m (tính từ cos vỉa hè). Đối với các công trình, hạng mục công trình - kể cả các vật dụng lắp đặt, trưng bày - làm phá vỡ cảnh quan khu phố cổ hoặc xâm phạm di tích đều không được phép thực hiện, nếu đã có thì phải được giải toả hoặc phục hồi, phục chế hay cải tạo theo nguyên tắc hài hoà với cảnh quan khu phố cổ.
vii) Đối với các nhà có giá trị loại 2, 3, 4, nếp nhà phụ ở phía sau của các dãy nhà tiếp giáp với khu vực II bao gồm dãy nhà số chẵn đường Phan Châu Trinh, dãy nhà số lẻ đường Hoàng Diệu, dãy nhà số chẵn đường Phan Bội Châu, và hai dãy nhà mặt tiền đường Lê Lợi (Từ ngã tư Phan Châu Trinh đến ngã tư Trần Hưng Đạo), đường Nguyễn Duy Hiệu khi được phép cơi nới, xây mới công trình hai tầng tuỳ trường hợp cụ thể, có thể được đổ sàn bêtông cốt thép, lát nền gạch men một màu (màu xám, nâu, đà), không bóng. Còn toàn bộ phần cảnh quan, kết cấu kiến trúc bên ngoài, phần lộ ra (mái, độ cao, hệ thống cửa, vật liệu, màu gỗ, tường vẫn được áp dụng theo các quy định tại khoản ii, iii, iv của điều này).
viii) Đối với các công trình, hạng mục công trình đã bị sụp đổ hoàn toàn cần xây dựng lại nếu hạng mục thuộc công trình loại đặc biệt, loại 1, loại 2 thì phải theo các khoản quy định tương ứng tại điều này; nếu thuộc các loại còn lại thì tuỳ điều kiện cụ thể, có thể phục hồi theo loại 1, loại 2 hoặc áp dụng nguyên tắc hài hoà với cảnh quan khu phố cổ.
ix) Trừ các công trình loại đặc biệt, loại 1 và loại 2, khuyến khích việc thu bổ, phục hồi, từng hạng mục hoặc toàn bộ các công trình còn lại theo kiểu thức kiến trúc truyền thống của khu phố cổ.
x) Việc phân loại, điều chỉnh loại các công trình kiến trúc theo các khoản ii,iii, iv, v điều này do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An quy định sau khi được Uỷ ban Nhân dân thành phố thông qua và phải được thông báo bằng văn bản cho các chủ di tích và Uỷ ban Nhân dân các phường sở tại biết rõ.
ĐỐI VỚI KHU VỰC II:
1. Khu vực IIA:
* Giới hạn: Tiếp giáp khu vực I, mở rộng về:
• Phía Đông: Đến dãy nhà mặt tiền số chẵn đường Phạm Hồng Thái.
• Phía Tây: Hai dãy nhà mặt tiền đường Hùng Vương, số lẻ đến kiệt 35 (Chùa Viên Giác), số chẵn đến ngã ba đường 18/8 (hết nhà số 48)
• Phía Nam: Bao gồm cả khu bãi bồi An Hội (Đồng Hiệp), dãy nhà mặt tiền đường Nguyễn Phúc Chu đến ngã ba đường La Hối, dãy nhà đối diện bờ Bắc sông Hội An thuộc địa phận phường Cẩm Nam từ lô đất số CD/K 133/1618 kéo về Đông đến điểm cuối khách sạn Phố Hội II.
• Phía Bắc: Dãy nhà mặt tiền số chẵn đường Trần Hưng Đạo.
* Quy định:
i) Đối với các công trình di tích kiến trúc tôn giáo- tín ngưỡng, các ngôi nhà, nếp nhà mặt tiền tuyến phố có kết cấu kiến trúc, hệ mái ngói truyền thống (ngói âm dương, ngói vảy cá); các công trình theo kiểu nhà vườn, biệt thự, kể cả hệ thống sân vườn, tường rào, cổng, ngõ truyền thống sẵn có chỉ được tu bổ, sửa chữa theo nguyên trạng. (Xem danh mục cụ thể ở Phụ lục 5.)
ii) Đối với các ngôi nhà, công trình, hạng mục công trình liền kề, kế cận nằm trong phạm vi bán kính nhỏ hơn hoặc bằng 10m tính tại điểm tiếp xúc gần nhất của di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng hiện có (kể cả với những công trình cách di tích bằng đường giao thông), khi sửa chữa, xây dựng mới thì chiều cao không vượt quá chiều cao những di tích này. Trường hợp di tích kiến trúc tôn giáo - tín ngưỡng gồm nhiều khối công trình có độ cao khác nhau thì việc áp dụng độ cao xây dựng tính từ độ cao khối công trình gần nhất. (Xem Phụ lục 6.)
iii)Các trường hợp xây mới, sửa chữa, trừ một số công trình đặc thù được Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An quyết định, còn lại phải đảm bảo các quy định sau:
a. Mái phải là mái dốc, lợp ngói đất nung truyền thống loại 22v/m2, độ cao từ cốt nền tầng 1 đến sàn tầng 2 nhỏ hơn hoặc bằng 3,6m, từ cốt sàn tầng 2 đến ôtơ nhỏ hơn hoặc bằng 3,4m; chiều sâu mỗi nếp nhà không quá 10m).
b. Hệ cửa mặt tiền và các mặt bên (cửa đi, cửa sổ) phải là cửa gỗ (panô, panô lá sách), đánh vécni hoặc sơn màu đà. Hệ cửa bên trong (đối với trường hợp cửa 02 lớp) cho phép thi công cửa panô gỗ - kính.
c. Tường bên ngoài mặt tiền và các mặt bên chỉ được quét vôi truyền thống, tường bên trong được phép sơn vôi (không mát tít) màu vàng sẫm, vàng nhạt, xanh ve, trắng sẫm. Nền nhà được láng ximăng nguyên chất (màu đen, xám), lát các loại gạch hoặc đá không ánh gương, cùng màu (xám, nâu, đà).
d. Hình thức kiến trúc mặt tiền nhà được phép tham khảo, lựa chọn một trong những mẫu đính kèm theo các điều khoản của Quy chế này. (Xem Phụ lục số 7).
e. Không được làm mới các hạng mục che khuất các công trình mặt tiền đường phố. Chỉ cho phép làm mái hiên bằng tôn, sơn màu đà 2 mặt, khung bằng gỗ hoặc sắt sơn đà và không được lấn chiếm không gian vỉa hè, chiều rộng cho phép từ 0,8m đến 1,2m (tính từ da tường ngoài mặt tiền hoặc các mặt bên). Riêng đối với những công trình có khoảng lùi sâu so với mép trong vỉa hè, có thể cho phép làm mái hiên rộng hơn nhưng không quá 3m và không được lấn chiếm không gian vỉa hè.
iv) Khuyến khích việc xây dựng các công trình, hạng mục công trình theo kiểu kiến trúc truyền thống và sử dụng vật liệu truyền thống; khuyến khích việc trồng các cây xanh để che chắn các hạng mục kiến trúc hiện đại.
v) Đối với dãy nhà nằm ở bờ Nam sông Hội An đối diện với khu phố cổ thuộc địa phận phường Cẩm Nam, dãy nhà mặt tiền đường Nguyễn Phúc Chu, hai dãy nhà mặt tiền đường Phan Bội Châu và nhà có mặt tiền giáp sông (đoạn từ đường Trương Minh Lượng đến đường Phạm Hồng Thái), ngoài những quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của điều này, khi xây dựng, nếp nhà trước và nếp thứ hai được phép xây dựng không quá 8,5m tính từ cốt vỉa hè đến đỉnh mái, không quá hai tầng, những nếp nhà còn lại không quá 11,5m và không quá 3 tầng, mỗi nếp nhà có chiều sâu tối thiểu là 6m. Toàn bộ công trình nêu trên phải lợp ngói âm dương. Đối với các nhà biệt lập, phải có phương án thiết kế chi tiết các mặt đứng, bên của công trình.
2. Khu vực IIB:
* Giới hạn: Tiếp giáp khu vực IIA, mở rộng:
• Phía Đông: Đến kiệt 267 Nguyễn Duy Hiệu kéo thẳng về phía Nam ra đến bờ sông Hội An, kiệt số 320 Nguyễn Duy Hiệu kéo về phía Bắc đến kiệt 493, qua kiệt 576 Cửa Đại đến hết phía sau Khu thiết chế phường Sơn Phong.
• Phía Tây: Đến kiệt số 98 Hùng Vương (Bến xe Hội An) kéo thẳng về phía Bắc đến tịnh xá Ngọc Cẩm; kiệt 99 Hùng Vương kéo về phía Nam đến hết nhà 99/5.
• Phía Nam: Từ nhà 99/5 Hùng Vương chạy về Đông theo đường bêtông đến số 20 đường 18/8, qua số 9 đường 18/8 đến số 1/6 Hùng Vương chạy dọc theo đường bao Quảng Trường Lễ Hội đến ngã ba đường Nguyễn Phúc Chu - đường Nguyễn Phúc Tần - đường 18/8, theo đường Nguyễn Phúc Tần đến ngã tư Nguyễn Hoàng - Nguyễn Phúc Tần, theo đường Nguyễn Hoàng về phía Nam đến khu thể thao khối Đồng Hiệp kéo thẳng ra bờ sông qua cột báo hiệu ngã ba sông ở bãi bồi Cẩm Nam đến ngã ba vào trường Nguyễn Khuyến theo đường bêtông đến nhà thờ tộc Nguyễn Văn qua ngã tư ông Chấn đến lô đất T .
• Phía Bắc: Đến đường Thái Phiên (số lẻ) kéo về phía Đông giáp kiệt 576 Cửa Đại (khu thiết chế văn hóa phường Sơn Phong) và kéo về phía Tây qua kiệt 68 Bà Triệu, kiệt 37/42 Lê Quí Đôn, tường sau Chùa Viên Giác theo đường bê tông đến Tịnh xá Ngọc Cẩm.
* Quy định
• Trong khu vực II-B, theo quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng đô thị, được phép xây dựng công trình cao không qúa 13,5 m, không qúa 03 tầng (trừ đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Lý Thường Kiệt, được xây dựng công trình không quá 2 tầng đối với nếp nhà trước) và không che khuất các công trình kiến trúc xung quanh có giá trị (loại đặc biệt, 1), trừ một số công trình đặc biệt quan trọng và độc đáo sẽ được Ủy Ban Nhân dân thành phố Hội An xem xét, quyết định cụ thể về độ cao.
• Mái của các công trình phải là mái dốc; màu mái và màu tường bên ngoài phải hài hòa với màu sắc của khu vực II-A.
• Riêng đoạn bờ Nam của khu An Hội (từ phía Đông khách sạn Vĩnh Hưng 4 đến giáp khu quy hoạch vui chơi giải trí Đồng Hiệp) mặt tiền ngôi nhà phải hướng ra sông. Đối với các ngôi nhà vừa bám đường bêtông, vừa bám bờ sông thì phải bố trí hai mặt tiền, kiến trúc công trình phải hài hòa với kiến trúc phố cổ, mái phải làm mái dốc, khuyến khích lợp ngói đất nung, trường hợp lợp tôn thì phải có màu phù hợp (đà, xanh rêu), tối đa không quá hai tầng, độ cao không quá 10,5m tính từ cos vỉa hè.
• Đối với các ngôi nhà biệt lập, phải xử lý kiến trúc các mặt bên phù hợp, hài hòa.