Mộ tướng Tây Sơn ở làng Thanh Hà

Thứ sáu - 30/08/2013 03:43
Phong trào Tây Sơn – Triều đại Tây Sơn mặc dù đã trôi vào dĩ vãng hơn 200 năm nhưng những cống hiến của phong trào – triều đại này đối với lịch sử dân tộc là vô cùng to lớn, trở thành niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những di tích, chứng tích liên quan đến phong trào – triều đại này còn lại không nhiều, song thật may mắn, hiện nay, Hội An là một trong những nơi sở hữu không ít di tích có giá trị. Mộ Đại đô đốc Đại tướng quân Nguyễn Đức Lễ ở làng Thanh Hà là một trong số ấy.
        
IMG 0076
 Mộ tướng Tây Sơn ở làng Thanh Hà - Ảnh: Hồng Việt 
 
           Ngôi mộ nằm trên cồn đất có tục danh là cồn ông Đô thuộc khối IV - phường Thanh Hà - thành phố Hội An, xưa là ấp An Bang - làng Thanh Hà - tổng Phú Triêm hạ - huyện Diên Phước - phủ Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam. Sát phía tây bắc là khu di tích khảo cổ An Bang có niên đại hơn 2000 năm cách ngày nay; phía tây là dòng chảy cạn và đường mòn nhỏ - dân gian gọi là đường Cây Quăn dẫn ra từ khu dân cư; không xa về phía nam là địa điểm mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu vết chân móng tháp Chăm vào mùa điền dã năm 1989. Ngôi mộ bị che lấp gần như hoàn toàn bởi cây bụi, đất cát (ngoại trừ bia hậu thổ: 后 土 bằng sa thạch xám tím ở bên trái ngôi mộ) do tác động của gió và một số nguyên cớ lịch sử. Hiện nay, ngôi mộ được phát lộ hoàn toàn đã minh chứng đúng những câu chuyện truyền miệng bấy lâu trong dân gian tại vùng này.

          Mặt tiền ngôi mộ xoay hướng Tây Nam. Dấu tích còn lại cho thấy xưa kia quy mô ngôi mộ khá lớn, có tổng diện tích khoảng hơn 300m2. Bố cục mặt bằng gồm quynh mộ bao bọc xung quanh để bảo vệ nấm mộ nằm ở chính giữa. Quynh mộ hình chữ nhật, xây bằng gạch vữa vôi, dày 75cm. Mặt trong của cạnh quynh ở phía đông bắc có dấu vết bình phong. Nền mộ đã bị hư hại, tại một số vị trí được lát sa thạch xám tím. Nấm mộ hình khối chữ nhật, nằm cách cạnh quynh phía đông bắc 3m70. Nấm mộ xây bằng gạch vữa vôi và được giật thành 3 cấp. Bia mộ nằm cách nấm mộ về phía tây nam, có áo bia làm bằng gạch vữa vôi. Bia mộ hình chữ nhật, làm bằng cẩm thạch màu trắng, kích thước 66 x 43cm, mặt bia đề chữ Hán với nét chữ nhỏ và nông gồm trên cùng là quốc hiệu: 大 南 (Đại Nam), hàng bên phải: 歲 次 戊 午 年 孟 秋 月 穀 旦 (Tuế Thứ Mậu Ngọ Niên Mạnh Thu Nguyệt Cốc Đán),hàng ở giữa: 顯 祖 謚 宏 剛 直 亮 阮 伯 府 之 墓(Hiển Tổ Thụy Hoằng Cương Trực Lượng Nguyễn Bá Phủ Chi Mộ),hàng bên trái: 嫡 孫 德 化 (Đích Tôn Đức Hóa) 次 孫 德 常 (Thứ Tôn Đức Thường) 奉 立(phụng lập), trán và viền bia không trang trí hoa văn, chân bia đặt vào bàn đá chân quỳ bằng sa thạch xám tím. Điều thú vị là phía trong tấm bia cẩm thạch có một tấm bia sa thạch màu xám được gắn chặt vào áo bia. Tấm bia này hình chữ nhật nhưng không còn nguyên vẹn, không có viền bia và chân bia, mặt bia đề chữ Hán với nét chữ to và sâu. Trừ phần phía trên bị bể mất, các chữ còn lại trên tấm bia gồm hàng bên phải: 歲 次 戊 午 孟 秋 月 穀 旦 (Tuế Thứ Mậu Ngọ Mạnh Thu Nguyệt Cốc Đán), hàng ở giữa: 御 道 侍 麟 衛 大 都 督 贈 封 特 進 輔 國 上 將 軍 副 統 領 阮 貴 公 墓 (Ngự Đạo Thị Lân Vệ Đại Đô Đốc Tặng Phong Đặc Tấn Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Phó Thống Lãnh Nguyễn Quý Công Mộ), hàng bên trái: 孝 男 德 軒 奉 立  (Hiếu Nam Đức Hiên Phụng Lập).
 
IMG 8927
Bia mộ tướng Tây Sơn ở làng Thanh Hà - Ảnh: Hồng Việt
 
         Hai tấm bia đều được lập vào năm Mậu Ngọ nhưng không đề tên người quá cố, chỉ đề tên thụy hoặc chức vụ. Tấm bia cẩm thạch bên ngoài do ông Đức Hóa và Đức Thường lập, tấm bia sa thạch bên trong do ông Đức Hiên lập. Căn cứ vào cách xưng hô thể hiện trên bia mộ và qua đối chiếu các bộ gia phả lưu giữ tại nhà thờ tộc Nguyễn Đức ở Thanh Hà, dễ dàng nhận thấy ông Đức Hiên là thân phụ của ông Đức Hóa và Đức Thường, là con trai của Nguyễn Đức Lễ - người quá cố.

           Nguyễn Đức là tộc xuất hiện rất sớm ở làng Thành Hà cùng với nhiều tộc khác trong đoàn người nam tiến khai hoang lập nghiệp ở vùng đất mới phương Nam. Gia phả chỉ đề cập chung chung là tộc Nguyễn Đức có ngọn nguồn ở miền Bắc nhưng không chỉ rõ là địa phương nào. Ông Nguyễn Đức Lễ thuộc chi thứ nhất của tộc Nguyễn Đức, là con thứ 3 của ông Nguyễn Đức Tường. Ông Nguyễn Đức Lễ có hai người vợ là bà Phạm Thị Huệ và Nguyễn Thị Trung.

         Theo tư liệu truyền khẩu trong dân gian và gia tộc Nguyễn Đức, ông Nguyễn Đức Lễ là tướng của triều Tây Sơn, từng xung trận nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc. Ông mất ở Huế nhưng được đưa về an táng tại quê nhà. Mộ của ông được xây dựng khá lớn. Khi nhà Nguyễn lật đổ triều Tây Sơn, để tránh những tai họa ập đến đối với dòng họ bởi chính sách trả thù của các vua đầu triều Nguyễn, con cháu tộc Nguyễn Đức đành phá dỡ một phần kiến trúc của ngôi mộ để lấy vật liệu xây dựng nhà thờ và sau đó lập thêm tấm bia mới để mộ khỏi thất lạc và tiện bề hương khói. Hiện trạng ngôi mộ, đặc biệt là việc xuất hiện hai tấm bia với hình thức và nội dung như trên đã khẳng định điều đó. Trong cuốn Quan chức thời Nguyễn của tác giả Trần Thanh Tâm, không có chức quan nào dưới triều Nguyễn trùng với chức quan đề trên tấm bia sa thạch do ông Đức Hiên lập. Vì vậy có thể suy luận ông Nguyễn Đức Lễ không sống và làm quan dưới triều Nguyễn và niên đại Mậu Ngọ trên tấm bia do ông đức Hiên lập không nằm trong khung niên đại của triều Nguyễn. Qua cách xưng hô trong gia phả lập năm Cảnh Thịnh thứ 4 (Bính Thìn niên) cho biết rằng năm 1796 ông Nguyễn Đức Lễ vẫn còn sống, do đó niên7 đại Mậu Ngọ ghi trên tấm bia này chỉ có thể là năm 1798 hay nói đúng hơn ông Nguyễn đức Lễ mất vào 1798 hoặc trước một năm. Niên đại Mậu Ngọ đề trên tấm bia do ông Đức Thường và Đức Hóa lập là năm 1858, tức cách thời điểm ông Đức Hiên lập bia đúng một Lục thập hoa giáp. Năm 1858 thuộc thời vua Tự Đức, đây là thời điểm mà lịch sử Việt Nam bắt đầu có những biến động lớn và những chính sách “trả thù” những người dính liếu đến triều Tây Sơn đã nhạt dần. Nếu ông Nguyễn Đức Lễ làm quan dưới thời các chúa Nguyễn thì không nhất thiết cháu nội của ông phải lập một tấm bia mới nhằm che đậy tấm bia cũ có văn bia thể hiện khá đầy đủ về chức vị của ông. Đô đốc và Thống lãnh là những chức võ quan của một số triều đại phong kiến Việt Nam song dưới thời Tây Sơn, nó được dùng khá phổ biến. Hơn nữa, qua khảo cứu, chức Đại Đô đốc chỉ thấy dùng trong quân đội Tây Sơn. Ngoài ra, theo Việt Sử toàn thư của Phạm Đình Sơn xuất bản năm 1960, quân đội Tây Sơn được tổ chức thành 5 đạo gồm Tiền, Hậu, Trung, Tả, Hữu. Bên cạnh đó còn có một số đạo quân đặc biệt như: Tả Bật, Hữu Bật, Ngũ Chế, Càn Thanh, Thiên Cán, Thiên Trường, Hổ Đôn, Hổ Hầu, Thị Lân, Thị Loan. Như vậy, Thị Lân là phiên hiệu của đạo quân đặc biệt của triều Tây Sơn. Ông Nguyễn Đức Lễ được biên chế trong đội quân đặc biệt này. Với những cống hiến đối với phong trào - triều đại Tây Sơn lúc sinh thời nên sau khi qua đời, ông được gia phong là Phụ Quốc Thượng Tướng Quân Phó Thống Lãnh. Việc gia phong chức vị cho các vị quan sau khi mất rất phổ biến dưới thời phong kiến. Trường hợp này giống với trường hợp ông Đô đốc họ Nguyễn được an táng ở Bắc Sơn Phong - cũng được xem có khả năng là vị võ quan thời Tây Sơn.

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây