Trong hơn 80 giếng cổ sưu tầm được có thể chia thành 3 kiểu dáng cơ bản gồm kiểu hình tròn, hình vuông và hình trên tròn dưới vuông. Ngoài ra còn có một số kiểu khác không phổ biến như kiểu trên vuông dưới tròn, trên tròn dưới lục giác và trên bát giác dưới tròn.
1. Kiểu giếng hình tròn: Chiếm tỉ lệ rất lớn, khoảng 62,92%. Giếng được xây chủ yếu bằng gạch(
86,3%), một số giếng xây bằng đá cong hình vành khăn hoặc kết hợp đá cong hình vành khăn với gạch.
Về vật liệu gạch, có hai kiểu dáng cơ bản là gạch hình hộp chữ nhật và gạch cong hình vành khăn. Gạch hình hộp chữ nhật có nhiều kích cỡ khác nhau song có độ dày phổ biến là 4,5cm. Gạch cong hình vành khăn cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, độ dày thường gặp là 4cm
. Gạch xây giếng được sắp xếp theo kiểu ngang nằm, dọc nằm hoặc kết hợp kiểu ngang nằm và ngang đứng. Nếu như gạch cong hình vành khăn được xây dọc nằm, phần cong lõm hướng vào tâm giếng thì gạch hình hộp chữ nhật chủ yếu xây ngang nằm và ngang đứng với hình thức một hoặc hai hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng. Chỉ có duy nhất một giếng xây gạch hình hộp chữ nhật với hình thức dọc nằm. Một vài giếng có phần trên xây gạch cong hình vành khăn, phần dưới xây bằng gạch hình hộp chữ nhật với hình thức ngang nằm hoặc ngang nằm xen kẽ với ngang đứng và ngược lại. Cũng có giếng phần trên gạch xây ngang nằm, phần dưới xây một hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng và ngược lại. Hoặc toàn bộ được xây với hình thức ngang nằm, dọc nằm hay một hoặc hai hàng ngang nằm xen kẽ với hàng ngang đứng.
Về vật liệu đá gồm có đá granit hoặc sa thạch cong hình vành khăn, có chiều rộng từ 20-30cm. Đá xây giếng với hình thức nhiều viên đá cong đặt chồng lên nhau theo chiều đứng.
Phía dưới thành gạch của kiểu giếng hình tròn đều có khung gỗ hoặc khung đá (
khuôn cụi) hình vuông khá dày. Lòng đáy của một số giếng lát 3 tấm ván gỗ chạy theo hướng Tây Nam - Đông Bắc hoặc Bắc - Nam, các tấm ván được để nguyên hoặc đục những lỗ hình tròn. Giếng có độ sâu từ 220 - 561cm, phổ biến ở độ sâu 300 - 450. Các giếng trong khu phố cổ có độ sâu lớn hơn, khoảng từ 450 - 550cm. Đường kính lòng giếng từ 62-140cm, chủ yếu từ 90 - 120cm. Dày thành miệng dao động từ 8 - 32cm, phần lớn từ 15 - 25cm. Cao thành miệng từ 45 -96cm, nhiều nhất từ 55 - 75cm.
2. Kiểu hình vuông: Có 14 giếng kiểu hình vuông, chiếm 17,27%. Phân bố nhiều trong khu phố cổ Hội An. Kiểu giếng này cũng được xây chủ yếu bằng gạch (
92,8%), một số xây bằng gạch - đá thanh.
Vật liệu gạch chỉ có một loại cơ bản là gạch hình hộp chữ nhật. Loại gạch này cũng có nhiều kích cỡ khác nhau, song phổ biến ở độ dày 3,5cm và 4cm. Gạch xây giếng được sắp xếp theo kiểu ngang nằm hoặc dọc nằm. Một số giếng có phần trên xây theo kiểu ngang nằm, phần dưới xây theo kiểu dọc nằm và ngược lại. Cũng có giếng xây theo kiểu một hàng ngang nằm xen kẽ một hàng dọc nằm. Có giếng hoàn toàn xây theo kiểu ngang nằm hoặc dọc nằm, trong đó kiểu ngang nằm chiếm đa số.
Hầu hết thành giếng đều có bề mặt tương đối phẳng. Thành của một số giếng giật cấp thành 2 tầng. Đa số giếng hình vuông có khung gỗ hình vuông ở phía dưới thành gạch. Ở kiểu giếng này chỉ có duy nhất một giếng có lát ván gỗ ngang lòng đáy. Cạnh giếng chủ yếu theo hướng Bắc-Nam. Giếng có độ sâu từ 244-615cm, phổ biến ở độ sâu 420 - 570cm. Giếng ở trong khu phố cổ có độ sâu lớn hơn giếng ở vùng ven, tập trung ở độ sâu 550 - 570cm. Cạnh lòng rộng từ 60 -120cm, chủ yếu ở kích thước 72 -91cm. Dày vành miệng từ 15 - 31cm. Thành miệng cao từ 43-80cm.
3. Kiểu trên tròn dưới vuông: Có 13 giếng hình trên tròn dưới vuông, chiếm 16,05%. Phân bố chủ yếu trong khu phố cổ Hội An. Cũng như kiểu giếng hình tròn và hình vuông, giếng hình trên tròn dưới vuông xây bằng gạch chiếm tỉ lệ tuyệt đối
(92,3%). Duy nhất một giếng xây bằng đá thanh kết hợp với gạch. Phần hình tròn có kích thước nhỏ hơn phần hình vuông, phần lớn bằng khoảng 1/3 - 1/5 chiều sâu của giếng. Ở góc vuông tại vị trí tiếp giáp với phần hình tròn được xây đá. Mặt thành của phần hình vuông rất phẳng, đều. Phía dưới thành gạch có khung gỗ hình vuông khá dày. Cạnh của phần hình vuông chủ yếu theo hướng Bắc - Nam, một số theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Giếng có độ sâu dao động từ 237 - 564cm, phổ biển ở độ sâu 400 - 535cm. Giếng ở trong khu phố cổ sâu hơn, từ 400 - 564cm. Đường kính lòng giếng từ 73 - 142cm. Dày vành miệng từ 6,5 - 30cm, phần lớn ở độ dày 15 - 23cm. Cao thành miệng từ 52 - 96cm
. Vật liệu gạch xây giếng có hai loại gồm gạch hình hộp chữ nhật và gạch cong hình vành khăn. Gạch hình hộp chữ nhật có nhiều kích cỡ khác nhau song có độ dày phổ biến là 4cm và 4,5cm. Gạch cong hình vành khăn có độ dày từ 3,5 - 3,7cm. Đa số giếng có gạch xây theo kiểu ngang nằm. Giếng có phần hình tròn xây gạch cong hình vành khăn, phần hình vuông xây gạch ngang nằm cũng rất phổ biến. Ngoài ra, một số giếng có phần hình tròn xây gạch theo kiểu hai hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng hoặc phía trên của phần hình tròn gạch xây ngang nằm, phía dưới xây gạch cong hình vành khăn, phần hình vuông xây gạch kiểu ngang nằm.
Vật liệu đá xây ở phần hình vuông của giếng là đá thanh bằng sa thạch màu xám xanh, có chiều rộng 40cm, được xếp chồng lên nhau rất khít.
4. Kiểu dáng khác: Có 3 giếng gồm hình trên tròn dưới lục giác, trên vuông dưới tròn và trên lục giác dưới tròn.
Giếng hình trên vuông dưới tròn xây bằng gạch và sa thạch. Phần hình vuông làm bằng sa thạch, cấu tạo gồm 8 thanh đá có kích thước 97 x 30/40 x 10cm được lồng vào rãnh của 4 trụ đá ở bốn góc tạo thành thành miệng giếng. Bốn thanh đá nằm trên cùng của miệng giếng có gờ liên kết với các lỗ mộng trên trụ đá để cố định thành miệng. Phần hình tròn phía dưới xây gạch theo kiểu một hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đúng.
Giếng hình trên tròn dưới lục giác cũng được xây bằng gạch và đá. Phần hình tròn phía trên xây bằng gạch với hình thức một hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng. Phần hình lục giác xây bằng đá, các viên đá có chiều rộng 40cm, dày 12cm. Ở giữa một số viên đá có lỗ tròn với đường kính khoảng 15cm. Giếng hình trên bát giác dưới tròn. Phần hình bát giác gạch xây ngang nằm, phần hình tròn gạch xây với hình thức hai hàng ngang nằm xen kẽ một hàng ngang đứng.
Giếng là loại hình di tích mang tính chất lịch sử, nó được xây dựng trong những điều kiện nhất định, là một trong những phương thức khai thác và sử dụng nguồn nước ngọt của cư dân Hội An xưa. Những giếng cổ ở Hội An hiện nay có niên đại xây dựng không đồng nhất, có thể hình thành ở nhiều thời điểm khác nhau của nhiều thế kỷ. Đến nay chúng tôi vẫn chưa vẫn chưa sưu tầm được tư liệu văn bản nào đề cập đến việc xây dựng giếng để có thể xác định chắc chắn niên đại cụ thể của nó. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kiểu giếng hình vuông và hình trên tròn dưới vuông ở Hội An là giếng Chăm, tức là được xây dựng từ trước thế kỷ XV. Khi người Việt đến cư trú đã kế thừa nhằm phục vụ nhu cầu của mình. Tuy nhiên từ kết quả khảo sát đã gợi suy nghĩ rằng có chăng đây chỉ là những giếng được người Việt xây dựng theo mô típ giếng Chăm. Trải qua quá trình sử dụng, do bị xuống cấp nên một số giếng hình vuông được cư dân tu bổ tôn tạo lại theo hướng tròn hoá phần mới xây dựng nhằm tăng khả năng chịu lực của thành giếng và đây là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của kiểu giếng hình trên tròn dưới vuông.
Dù kiểu dáng khác nhau song các giếng cổ ở Hội An có điểm chung đáng lưu ý là đều có khung gỗ hình vuông ở phía dưới thành gạch. Khung gỗ hình vuông này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ thành giếng ổn định lâu dài. Trong suốt quá trình sử dụng, khi người dân lấy nước để sinh hoạt, đất cát trong lòng giếng bị múc lên cùng với nước, vì vậy qua thời gian dài phía dưới thành giếng sẽ bị rỗng làm cho thành giếng dần dần lún sâu xuống. Nếu không có khung gỗ phía dưới, thành giếng sẽ lún không đều tạo nguy cơ sạt đổ thành gạch.
Kỹ thuật xây dựng giếng cũng là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn. Hiện nay có hai giả thiết đặt ra cần được kiểm chứng. Thứ nhất: Người xưa đào một ao có diện tích cần thiết, sau đó bắt đầu xây thành giếng từ đáy lên. Thứ hai: Người xưa sử dụng phương pháp theo kiểu tụt giếng bi như hiện nay. Giếng trong khu phố cổ rất sâu, lại nằm sát những công trình kiến trúc và điều quan trọng hơn là cấu tạo địa tầng chủ yếu là đất cát nên rất dễ sạt lỡ, vì vậy việc xây giếng như phương pháp thứ nhất có thể áp dụng được không? Nếu sử dụng phương pháp thứ hai thì làm thế nào để thành gạch không bị đổ ngã trong quá trình tụt sâu dần xuống?
Dù người xưa sử dụng phương pháp nào đi nữa thì họ thực sự là những nghệ nhân có trình độ tay nghề rất cao, sở hữu vốn kinh nghiệm phong phú. Một điều dễ dàng nhận thấy là những giếng mà chúng tôi sưu tầm được có nước rất trong, ngọt mặc dù nằm ở vị trí sát sông, mực nước trong lòng giếng khá cao và nước không bao giờ khô kiệt trong những ngày hạn nhất. Ngoài yếu tố phong thủy, điều này còn ảnh hưởng bởi kỹ thuật xây dựng giếng. Những viên gạch xếp chồng lên nhau không có vữa kết dính tạo ra các khe hở để nước từ trong lòng đất chảy vào giếng tạo cho mực nước trong lòng giếng luôn duy trì ở mức rất cao.
Hiện nay còn rất nhiều vấn đề liên quan đến giếng cổ ở Hội An cần tiếp tục nghiên cứu kĩ. Thiết nghĩ, trong điều kiện có thể chúng ta nên đào thám sát một vài giếng không còn sử dụng đề giải mã thêm một số bí ẩn tồn nghi.
* Một số giếng cổ tiêu biểu ở Hội An