Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Quang Ngọc
Chiều ngày 14.9, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bộ VHTTDL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị các Khu Di sản thế giới tại Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 và quản lý Di sản văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam theo Công ước Di sản thế giới.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; đại diện lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Văn phòng UNESCO Hà Nội; đại diện các Ban/Trung tâm quản lý di sản thế giới; các cơ quan nghiên cứu Trung ương và các chuyên gia, các nhà khoa học Trung ương và địa phương; ….
PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia; ThS.KTS. Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục DSVH và ThS. Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An đồng chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Quang Ngọc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao mục tiêu của Hội thảo khoa học lần này. Đặc biệt, đây cũng là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO năm 1972 về Bảo vệ DSVH & TNTG ở Việt Nam, đánh dấu 35 năm Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước, cũng là tiền đề để Việt Nam ứng cử Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027.
Mục đích mà Hội thảo hướng đến nhằm đánh giá thực trạng quản lý các Khu DSTG tại Việt Nam trong thời gian qua; Đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH & TNTG trong bối cảnh hậu Covid-19; Tiếp cận các xu thế mới của thế giới trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH & TNTG; Những vấn đề trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH & TNTG ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi vào những nội dung chính như: Vấn đề quản lý các khu DSTG ở Việt Nam; quản lý DSVH & TNTG ở Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO, theo kinh nghiệm từ các nước trong khu vực; Bảo tồn DSVH & TNTG ở Việt Nam từ góc nhìn cơ chế thị trường; Giá trị và DSVH Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa;
Theo đại diện Cục Di sản văn hóa, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý DSTG ở Việt Nam theo quan điểm phát triển bền vững của UNESCO, trong thời gian tới cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau, như: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về DSTG, đảm bảo sự thống nhất, hạn chế sự chồng chéo trong công tác quản lý, trong đó, bên cạnh việc quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cần có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, hỗ trợ cộng đồng sinh sống trong di sản; Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực DSTG, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ DSTG.
Bên cạnh đó, cần kiện toàn bộ máy quản lý DSTG, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực thực thi Kế hoạch quản lý; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào quản lý DSTG; Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động quản lý DSTG;….
Hội thảo cũng trao đổi về kinh nghiệm của các địa phương, các khu DSVH, DSTG trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề xuất các giải pháp từ đó đưa ra những giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị của các khu DSVH, DSTG tại Việt Nam trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19.
Các giải pháp được đề xuất như: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản gắn với phát triển du lịch; cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương; chế tài trong kiểm tra, xử lý các vi phạm về quản lý, bảo tồn Di sản; Thúc đẩy phát triển công nghệ số; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư; Tiếp tục gắn kết và phát huy thế mạnh của mô hình hợp tác công tư (nhà nước, doanh nghiệp, người dân là 3 trụ cột chính và đối tác trung gian là các nhà khoa học, các cơ quan tư vấn chuyên môn).
Du khách trở lại tham quan DSVHTG Khu phố cổ Hội An sau 2 năm “vắng bóng” vì đại dịch Covid-19 - Ảnh: Quốc Tuấn
Hội thảo tập trung trao đổi những kinh nghiệm, thực tế trong việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH & TNTG ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; tiếp cận các xu thế mới của thế giới trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị DSVH & TNTG; Vấn đề khai thác, phát triển du lịch tại các Khu DSVH & TNTG tại Việt Nam hướng đến mục tiêu bền vững cũng được đề cập đến.
Các tham luận được đưa ra tại hội thảo như: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản đặc thù của Việt Nam; Vấn đề bảo tồn và phát triển tại Khu phố cổ Hội An; Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long vì mục tiêu phát triển bền vững; Giáo dục di sản ở Hội An- Một cách tiếp cận tổng thể công ước 1972 và công ước 2003; Công tác bảo tồn di sản Mỹ Sơn theo công ước DSTG; Sử dụng công nghệ nhập vai vào bảo tồn, phát huy giá trị các Khu DSTG tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay,…
Theo đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH TP.Hội An, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển tại Khu DSVHTG Khu phố cổ Hội An là một thực tiễn đặt ra trong quá trình thực thi các quy định quốc tế và trong nước về quản lý di sản văn hóa. Giải quyết hài hòa mối quan hệ đó đồng thời là phương hương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trên chặng đường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Khu phố cổ trong thời gian qua cũng là vấn đề trọng yếu trong thời gian đến. Hy vọng, các cơ quan chức năng có những định hướng ở tầm vĩ mô để hoạch định giải pháp cân bằng giữa bảo tồn và phát triển đối với di sản, kiểm soát và khắc chế những vấn đề nảy sinh nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng DSVH quốc gia cho rằng thực tế đã chứng minh Việt Nam là một thành viên đầy trách nhiệm, có uy tín, chủ động và đầy sáng tạo trong việc thực hiện rất tốt nghĩa vụ của một quốc gia với Công ước UNESCO năm 1972.
Về vấn đề quản lý DSVH, các ý kiến cũng nhấn mạnh việc phải nhanh chóng hoàn thiện dự thảo điều chỉnh bổ sung Luật DSVH vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn của xã hội Việt Nam, vừa tích hợp được tinh thần của Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời phải có cơ chế đặc thù vì hoạt động văn hóa nói chung và hoạt động bảo vệ các DSVH là hoạt động đặc thù,….