Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Công ước về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới, mà còn bảo vệ di sản văn hóa quốc gia”.
Việt Nam là thành viên của tổ chức UNESCO từ năm 1976, tham gia Công ước di sản thế giới từ năm 1978. 35 năm qua, Việt Nam là thành viên tích cực tại các diễn đàn của UNESCO về di sản thế giới, đặc biệt đã ký kết bản ghi nhớ giữa Việt Nam và UNESCO giai đoạn 2016-2020.
Đồng chí yêu cầu, các địa phương có di sản cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam-UNESCO, hướng tới mục tiêu gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.
Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định: “Lễ kỷ niệm được tổ chức với mục đích "kép". Đó là kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản thế giới. Thứ hai là kỷ niệm 35 năm Việt Nam thực thi công ước này. 35 năm qua, Việt Nam có 8 di sản được ghi danh là Di sản thế giới”.
Bà Audrey Azoulay ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ninh Bình đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên.
Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.
Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ; cần đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có; cần coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho các hành động của quốc gia, như ở Việt Nam và như mô hình mẫu mực của Tràng An.
Tác giả: LÊ HỒNG, YẾN TRINH
Nguồn tin: nhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn