Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cùng đại diện lãnh đạo UBND TP.Hội An và các sở ngành liên quan tiếp, làm việc với đoàn.
Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đang phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, tổ chức xin ý kiến đối với các báo cáo, tài liệu phục vụ việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND TP.Hội An đã thông tin khái quát quá trình bảo tồn, phát triển đô thị cổ Hội An. Trong đó, từ năm 1987, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ban hành quy chế bảo vệ và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An.
Trong khu vực I của Khu phố cổ Hội An hiện có 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật. Các di tích này được phân loại thành 5 mức độ bảo tồn kiến trúc để có chính sách bảo tồn và phát huy phù hợp. |
Đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã chia sẻ một số giải pháp, kinh nghiệm thiết thực qua các thời kỳ của địa phương trong chính sách huy động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức cá nhân tham gia bảo tồn, tái thiết phố cổ Hội An; cơ chế quản lý, khai thác, chia sẻ lợi ích, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh ở phố cổ.
Các thành viên trong đoàn công tác Luật Thủ đô đã tìm hiểu nhiều thông tin về cơ chế quản lý đối với công trình, cảnh quan kiến trúc, biện pháp khuyến khích khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị.
Dịp này, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP.Hội An cũng đã thông tin nhiều hạn chế, bất cập và nêu những đề xuất, kiến nghị để bảo tồn, phát huy giá trị của Khu phố cổ Hội An trong giai đoạn tới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn