Cùng với Bảo tàng gốm sứ mậu dịch, hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” đã được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa (QLBTDSVH) Hội An phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố thực hiện tại các bảo tàng khác ở Hội An từ nhiều năm nay. Em Trương Minh Hoàng Như, học sinh Trường Tiểu học Đỗ Trọng Hường chia sẻ: “Em rất vui khi được tham quan bảo tàng. Các cô hướng dẫn rất nhiệt tình và tổ chức các trò chơi thú vị, giúp em có thêm nhiều kiến thức về di sản văn hóa Hội An”.
Sau nhiều năm nghiên cứu, biên soạn, từ năm học 2021 - 2022, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã phối hợp với Phòng GD-ĐT đưa vào giảng dạy chính thức bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường” tại các trường tiểu học trên địa bàn. Hơn 10.300 ấn phẩm tài liệu dành cho giáo viên và học sinh, 5 video clip, 10 tài liệu chủ đề trực quan đã được xuất bản, phát hành. Trong đó, nổi bật là những nội dung liên quan đến di tích, di sản văn hóa Hội An.
Theo bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Bảo tàng, Trung tâm QLBTDSVH Hội An, nội dung của bộ tài liệu bao gồm những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và đương đại về mảnh đất và con người Hội An; các tri thức dân gian, ký ức, kỷ niệm, kinh nghiệm sống, các nội dung liên quan đến di tích, di sản văn hóa Hội An; vấn đề môi trường và những kiến thức hỗ trợ việc học các môn: địa lý, mỹ thuật, toán, kỹ thuật...
Theo đánh giá của Phòng GD-ĐT TP.Hội An, việc triển khai giảng dạy bộ tài liệu đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Hình thức trình bày tài liệu súc tích, khoa học nhưng vẫn đảm bảo phong phú, sinh động. Qua đó giúp giáo viên thuận lợi trong việc chuyển tải nội dung bài giảng cũng như học sinh dễ tiếp cận, tiếp thu trong quá trình học tập, trải nghiệm.
“Ngoài giờ học trên lớp, các buổi tham quan, tìm hiểu tại bảo tàng và điểm di tích đã mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị. Giúp trang bị cho các em rất nhiều kiến thức cơ bản về vùng đất, con người Hội An. Qua đó giúp nâng cao ý thức trách nhiệm, tình yêu di sản, lịch sử, văn hóa truyền thống địa phương” - thầy Nguyễn Văn Dương - Phòng GD-ĐT Hội An cho biết.
Chương trình giáo dục di sản trong học đường của thành phố Hội An được đánh giá cao và phù hợp với những khuyến nghị quan trọng trong các Công ước của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể.
“Có thể nói, Hội An đã thành công trong việc gắn kết giữa giáo dục di sản tại các di tích với chương trình giáo dục trong nhà trường. Tôi nghĩ rằng vấn đề này cần phải nghiên cứu mở rộng hơn nữa, có thể chúng ta sáng tạo kết hợp với các môn khoa học xã hội như hiện nay để đạt được kết quả thiết thực và đi vào chiều sâu. Nếu chương trình được thực hiện tốt tại Hội An sẽ là một kinh nghiệm được UNESCO ghi nhận” - TS. Nguyễn Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nói.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường”, mới đây UBND TP.Hội An đã thống nhất chủ trương giao Trung tâm QLBTDSVH Hội An nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu dành cho khối THCS. Hy vọng việc mở rộng đối tượng tiếp nhận đối với học sinh THCS sẽ góp phần vun đắp tình yêu di sản, nâng cao ý thức gìn giữ những giá trị đang được lưu giữ nơi đây.
Tác giả: Phan Sơn
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn