Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết, theo dòng lịch sử và các nguồn tư liệu, vào các thế kỷ trước, Hội An là thương cảng mậu dịch quốc tế sầm uất bậc nhất Việt Nam và khu vực. Sự phát triển thịnh vượng của thương cảng Hội An ngoài nhờ vào chính sách và tầm nhìn chiến lược của các chúa Nguyễn trong việc phát triển ngoại thương cũng như ưu thế về vị trí địa lý của vùng đất cửa sông - ven biển Hội An, mà còn xuất phát từ sự trù phú, dồi dào về sản vật trên nguồn, dưới biển của vùng đất Quảng Nam/xứ Quảng, nhất là các loại lâm, hải, thổ sản, gọi chung là thổ sản tạo nên nguồn hàng phong phú và giá trị hấp dẫn thương nhân các nước Á - Âu.
Về lâm thổ sản, Quảng Nam nổi tiếng với trầm hương, hồ tiêu, quế, đường, cau…; thủy hải sản có yến sào, đồi mồi; khoáng sản có vàng; sản phẩm thủ công có tơ lụa, gốm, đồ mộc,… Tất cả những sản vật này hội tụ về thương cảng Hội An tạo nên nguồn hàng dồi dào như học giả Lê Quý Đôn đã viết trong Phủ biên tạp lục “dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được”.
Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn những chủ đề được trao đổi tại hội thảo lần này sẽ góp phần hướng đến tạo lập cơ sở dữ liệu khoa học cho việc thiết lập bảo tàng chuyên đề “Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam” sắp đến tại Hội An. Đề nghị Trung tâm tiếp tục kết nối với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn và địa phương trong việc sưu tầm tư liệu, hiện vật, xây dựng đề cương và tổ chức trưng bày để bảo tàng chuyên đề sớm được khánh thành như mong đợi.
“Bảo tàng chuyên đề này kỳ vọng sẽ trở thành điểm tham quan mới đặc sắc, hấp dẫn ở phố cổ Hội An, đồng thời cũng là nơi giới thiệu, quảng bá giá trị, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng thổ sản Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung hiện nay”, ông Lanh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu ở các viện nghiên, các trường đại học, các cơ quan chuyên môn cũng như những nhà quản lý của các cơ quan, địa phương tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều tham luận khoa học có nội dung liên quan đến các mặt hàng thổ sản đã từng có mặt ở Hội An, cũng như các hoạt động liên quan đến quá trình khai thác, chế biến, bảo quản, buôn bán, xuất khẩu mặt hàng này. Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận gợi mở ra những kết nối, hướng nghiên cứu mới về sản vật, thổ sản nói riêng, lịch sử văn hóa nói chung của Quảng Nam.
Tác giả: THU HOÀI
Nguồn tin: baovanhoa.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn