Quá trình xây dựng hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, Hội An

Thứ tư - 06/03/2024 22:55
Cù Lao Chàm là một cụm đảo cách bờ biển Hội An 15km, gồm 8 đảo nhỏ với tổng diện tích tự nhiên phần đất là 15,2 km² về mặt đất chiếm ¼ tổng diện tích của Hội An. Cù Lao Chàm hiện nay có khoảng 3.000 người dân sinh sống chủ yếu tập trung ở Bãi Làng, Bãi Hương, Bãi Làng thuộc hòn Lao.
      Với bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời, bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, tại Cù Lao Chàm còn lưu giữ nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, đa dạng. Đó là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn hiện hữu trên mảnh đất Cù Lao Chàm cho tới ngày nay.

      1.Giá trị nổi bật của nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm

      Qua quá trình sinh sống và thích nghi với môi trường biển, đảo Cù Lao Chàm, cư dân xứ đảo đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tri thức dân gian trong sinh hoạt cộng đồng. Hơn 100 năm về trước, trong điều kiện sản phẩm gia dụng công nghiệp còn chưa phổ biến, nhất là đối với Cù Lao Chàm – một đảo nằm cách xa đất liền, người dân nơi đây phải tự túc về nhiều mặt. Vốn cần cù chịu thương chịu khó và có đôi bàn tay tài hoa, ngay từ xa xưa, cư dân nơi đây đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có để tạo ra nhiều sản phẩm thủ công có giá trị sử dụng cao, mang đậm tính nghệ thuật phục vụ cho đời sống hàng ngày. Những người chuyên làm võng đã biết sợi lấy từ vỏ cây ngô đồng đỏ có đặc tính rất dai, bền, mềm mại, óng ả như tơ và có tính chịu lực tốt nên được sử dụng chế tác thành các đồ đan, bện thủ công truyền thống dùng làm vật dụng trong gia đình. Từ khá sớm, người dân đã biết xử lý vỏ cây ngô đồng se thành sợi để buộc tổ yến xuất khẩu, đặc biệt sợi được dùng để đan võng khá bền chắc và được nhiều người ưa chuộng, từ đó hình thành nghề đan võng ngô đồng.

      Hiện nay, chưa có tư liệu nào xác định được thời gian hình thành và phát triển của nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm. Trong tác phẩm Nguyễn Tuân toàn tập (tác phẩm từ 1940-1945), nhà văn Nguyễn Tuân đã lấy “Võng ngô đồng” để đặt tựa tùy bút của mình[1]. Theo những cụ cao niên tại địa phương cho biết, đan võng ngô đồng là nghề thủ công truyền thống của cư dân xã đảo, từ đời ông bà của họ đã biết sử dụng vỏ cây ngô đồng để làm võng. Trước đây, nhà nào cũng đan võng, đa số phụ nữ sống ở Cù Lao Chàm đều biết đan võng ngô đồng, những cô con gái được các bà, các mẹ dạy cách đan từ sớm, họ tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm. Thời gian này, người dân xứ đảo chỉ đan võng để sử dụng tại gia đình, chủ yếu dùng trong sinh hoạt. Về sau, sản phẩm này được một số cư dân ở địa phương khác, nhất là những ngư dân ở đất liền đi biển mua sử dụng. Theo thời gian, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng lên, người dân địa phương có điều kiện phát triển nghề đan võng ngô đồng. Trải qua quá trình tồn tại và phát triển, nghề truyền thống này có lúc tưởng như bị mai một, bởi sự cạnh tranh của các loại võng dù, võng cước, võng sợi công nghiệp với giá thành rẻ hơn xuất hiện nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, để gìn giữ những kinh nghiệm kỹ thuật, tri thức bản địa trong thực hành nghề truyền thống này, người dân địa phương qua bao đời vẫn cố gắng gìn giữ, truyền lại cho con cháu nghề đan võng đặc trưng của xứ đảo. Đặc biệt từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm – Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, du lịch phát triển thì nghề đan võng ngô đồng được du khách trong và ngoài nước biết đến rộng rãi hơn và được ghi nhận bởi sản phẩm làng nghề. Hiện nay, nghề này được thực hành chủ yếu bởi một số người có tay nghề trên địa bàn thôn Bãi Làng, Bãi Ông thuộc xã Tân Hiệp.

      Nghề đan võng ngô đồng được xem là nghề thủ công truyền thống đặc trưng, gắn liền với đời sống của cộng đồng cư dân Cù Lao Chàm từ bao đời nay, thể hiện nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

 
thu hanh vong ngo dong
Thực hành nghề - Ảnh: Phước Tịnh
 
      Võng ngô đồng là một trong những sản phẩm đặc trưng ở Cù Lao Chàm được làm từ cây ngô đồng - một loại cây thân gỗ có lá màu xanh thẫm, mùa hè ra hoa đỏ tươi, mọc nhiều trên các vách núi cheo leo ở xứ đảo.

      Nguyên liệu duy nhất để làm nên chiếc võng là vỏ của thân cây ngô đồng. Cây ngô đồng đỏ (Firmiana Colorata R. Br) còn gọi là bo rừng, trôm màu, là loài cây thân gỗ đa tác dụng, mọc phổ biến ở đảo Hòn Lao, Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngô đồng đỏ có hoa đẹp, thích nghi với điều kiện sống ở đảo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cây ngô đồng sinh trưởng khá tự nhiên, do hạt của quả già rụng xuống đất rồi mọc lên. Cây ngô đồng dùng để đan võng tốt nhất có chu vi khoảng 20cm – 30 cm, bán kính khoảng 3 – 5 cm, có độ cao khoảng 2,5 – 3m tính từ gốc cây trở lên đến đoạn chẻ nhánh, theo những người đan võng cho rằng, cây ngô đồng cỡ này có vỏ cho ra sợi mềm, dai, chịu lực tốt. Các cây non, nhỏ hơn thì vỏ cho sợi mềm, nhưng tính chịu lực kém. Các cây già, lớn hơn thì vỏ cho sợi cứng thô, khó đan. Ngoài ra, cây ngô đồng được dùng làm võng phải có thân suông thẳng thì mới có sợi thẳng, đảm bảo độ dài của sợi để thuận tiện khi đan, những đoạn thân cây có mắc thì không dùng.

      Cây ngô đồng còn có khả năng tái sinh rất mãnh liệt. Từ một gốc cây đã được chặt, chỉ trong một thời gian ngắn, từ hai đến ba tuần, tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, có thể mọc lên ba, bốn chồi non, phát triển thành những cây mới. Ngoài ra, ngô đồng đỏ còn có khả năng tái sinh từ các bộ phận như cành, thân sau khi bị chặt rời. Điều này cho thấy cây ngô đồng đỏ có khả năng tự phục hồi rất tốt. Do vậy, cây ngô đồng sau khi được khai thác để làm võng thì từ 2-3 năm sau, người dân có thể tiếp tục khai thác cây ngô đồng vừa lên để lấy sợi làm võng.

      Ngô đồng có thể gieo trồng nhân giống bằng hạt hay bằng cành. Khi nhân giống bằng cành, có thể cắt các cành có đường kính 5-8cm sau đó cắm vào đất. Sau một năm cành có thể trở thành cây ngô đồng và nở hoa. Nếu trồng bằng hạt sau 3-5 năm cây mới ra hoa. Hiện nay, ở Cù Lao Chàm có một số hộ trồng cây ở rẫy để lấy sợi bán cho những người khác mua về đan võng. Cụ thể như hộ ông Mai Bàng trồng tại rẫy ông Bàng, ông Nguyễn Thơ trồng tại rẫy ông Thơ…

      Chiếc võng ngô đồng được đan bằng những sợi dây ngô đồng rất chắc chắn và có nhiều mắt võng. Tùy vào kích cỡ của võng, người ta chia làm 3 loại: võng ba, võng tư và võng sáu. Võng ba gồm 3 sợi dây tao (ở mỗi mắt võng có 3 sợi dây và gọi là dây tao), võng tư gồm 4 sợi dây tao và võng sáu gồm 6 sợi dây tao. Võng ba kích thước nhỏ, chủ yếu dùng cho trẻ em, với kích thước của võng tư có thể một trẻ em và một người lớn nằm được, võng sáu thì hai người lớn. Võng ngô đồng có độ bền khá cao, nếu bảo quản đúng cách thời gian sử dụng của võng từ 15 – 20 năm. Điều đặc biệt khi nằm trên chiếc võng ngô đồng được làm hoàn toàn bằng sợi thiên nhiên nên có tác dụng thấm hút mồ hôi vì vậy rất tốt cho những người bị bệnh phong, thấp khớp… Không như võng ni lông, võng ngô đồng nằm mùa hè mát, mùa đông thì ấm. Với những đặc tính trên góp phần tạo nên giá trị đặc trưng của chiếc võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm, Hội An.

      Theo thời gian, võng càng dùng lâu năm thì nằm càng êm. Khi dùng, mọi người thường mắc võng lên cột nhà hoặc cây trong vườn hay hai điểm nào đó cố định và chắc chắn. Đó phải là nơi rộng rãi, thoáng mát, vừa để có không gian đưa võng vừa không làm cản trở các sinh hoạt khác trong gia đình. Khoảng cách giữa hai cột nhà hoặc hai cây để mắc võng khoảng chừng 3m. Mỗi bên buộc một đoạn dây thừng cách mặt đất chừng 1m. Một đầu dây được buộc chắc chắn vào cột, đầu còn lại buông thõng xuống, dài khoảng 30cm có buộc một thanh gỗ (dài 20-25cm, đường kính khoảng 2-3cm) thành hình chữ “T” lộn ngược. Khi mắc võng, ta chỉ cần gài đầu võng vào thanh gỗ giống như cách gài cúc áo. Cũng có người lại buộc vào đó một cái móc neo bằng sắt được uốn thành hình số “8” hở hai đầu, một để móc vào dây thừng treo trên cột, một để móc vào đầu võng. Với cách làm này, chiếc võng đã thể hiện tối đa tính cơ động của nó. Khi cần thì chỉ với những thao tác cơ bản, đơn giản bất kỳ ai cũng có thể mắc được võng để nằm. Khi không sử dụng, có thể tháo rời chúng ra để không gian sinh hoạt không bị thu hẹp, vừa là để bảo quản cho chiếc võng bền đẹp được lâu, không bị hư hỏng vì tác động của các yếu tố tự nhiên (nắng, mưa,…) khi chúng được mắc ở ngoài trời.

      Đặc trưng của nghề đan võng ngô đồng so với một số nghề truyền thống khác là được làm hoàn toàn bằng thủ công bởi các nghệ nhân có trải nghiệm lâu năm trong nghề. Từ vỏ cây còn trên thân tươi đến chiếc võng mượt mà êm ái là cả một khoảng thời gian dài, trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, quan trọng là sự kiên trì và tình lòng yêu nghề của con người nơi đây.

      2. Quá trình nhận diện giá trị và xây dựng hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

      Nghề đan võng ngô đồng là một trong những nghề truyền thống của Hội An, thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể, được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và các quy định, quy chế của địa phương. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, định hướng của thành phố Hội An về xây dựng Hội An – Thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để phát triển du lịch và kinh tế địa phương… trong những năm qua, thành phố Hội An đã thực hiện nhiều công việc để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Hội An nói chung và nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm nói riêng.

      Từ các kết quả khảo sát , nghiên cứu trong nhiều năm qua, năm 2021, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đề xuất UBND thành phố Hội An xin chủ trương xây dựng hồ sơ nghề đan võng ngô đồng để trình thẩm định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Để có cơ sở thực hiện, UBND thành phố xin chủ trương và được sự thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tại công văn số 547/SVHTTDL-QLVH ngày 12/5/2021. Từ chủ trương cấp trên, căn cứ vào Thông tư 04 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm tiến hành xây bộ hồ sơ gồm có 9 nội dung lớn (Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể, hình ảnh, phim tư liệu, bản ghi âm, bản đồ phân bố vị trí di sản; Tư liệu khảo sát điền dã có liên quan, bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam trao quyền sử dụng các tư liệu kèm theo hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bản danh mục các tài liệu trong hồ sơ) cần thực hiện.

      Trong hơn 1 năm, Trung tâm đã thực hiện việc tập hợp tư liệu, tài liệu, liên hệ với các phòng ban của thành phố trong công tác bảo vệ và phát huy di sản nghề đan võng ngô đồng tại Cù Lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp) tạo cơ sở dữ liệu trong việc xây dựng hồ sơ. Sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND xã Tân Hiệp đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp cho việc xây dựng hồ sơ thuận tiện, đạt kết quả. Đặc biệt, sự đồng thuận nhân dân xã Tân Hiệp, những người trực tiếp đã và đang thực hành di sản đã hỗ trợ tích cực cùng với Trung tâm xây dựng thành công hồ sơ này.

      Trung tâm đã phối hợp với UBND xã đảo Tân Hiệp tổ chức buổi tham vấn cộng đồng với sự tham gia của những người có kinh nghiệm lâu năm nhất trong nghề để xây dựng lý lịch cho hồ sơ vào ngày 21/4/2022. Tham dự buổi tham vấn có đại diện địa phương, cán bộ Trung tâm và hơn 20 người dân có thâm niên, kinh nghiệm trong nghề đan võng ngô đồng. Buổi tham vấn diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở, các bậc cao niên làm nghề đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến kinh nghiệm khai thác nguyên liệu, quy trình đan võng, dụng cụ nghề,… và các nghệ nhân liên quan đến nghề xưa nay.

      Trung tâm tiến hành các đợt phỏng vấn sâu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, kỹ thuật đan võng ngô đồng cùng với tri thức dân gian, kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học như sử dụng phương pháp điều tra, điền dã, phỏng vấn hồi cố để thu thập tư liệu; sử dụng phương pháp chuyên gia để xây dựng hồ sơ, đánh giá nhận xét về hiện trạng giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (nghề thủ công truyền thống). Từ các nguồn tư liệu trên, Trung tâm đã xây dựng lý lịch Di sản văn hóa phi vật thể nghề đan võng ngô đồng có độ dài 30 trang, với đầy đủ nội dung yêu cầu, cùng với nhiều tư liệu quan trọng kèm theo. Song song với đó là dựng phim tư liệu có độ dài hơn 20 phút về lịch sử hình thành và phát triển nghề đan võng ngô đồng. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Trung tâm đã báo cáo UBND thành phố Hội An và tiến hành các thủ tục để trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. Và sau đó trình Cục Di sản Văn hóa (cơ quan trực tiếp thụ lý hồ sơ) thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tham mưu hội đồng xét duyệt.

      Sau hơn hai năm triển khai hoàn thiện hồ sơ, ngày 21/02/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 381/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia thứ 8 của thành phố Hội An được vinh danh. Trong đợt này, nghề làm nhà tranh tre dừa tại xã Cẩm Thanh cũng được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Trước đó là nghề gốm Thanh Hà (phường Thanh Hà), nghề yến Thanh Châu (xã Cẩm Thanh), nghề mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim), nghề trồng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), lễ hội Tết Trung Thu, lễ hội Tết Nguyên Tiêu ở Hội An, cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

      Theo quy định, các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Việc công nhận này vừa là sự tôn vinh và ghi nhận những đóng góp của cộng đồng cư dân về quá trình gìn giữ, phát triển nghề nghề đan võng ngô đồng nói riêng, nghề truyền thống ở Hội An nói chung. Từ dấu mốc quan trọng này, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Hội An càng thể hiện quyết tâm bằng các hành động cụ thể, thiết thực để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị phi vật thể của nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm để xứng tầm là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.


Tư liệu tham khảo
1. Nguyễn Chí Trung, Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Nxb. Đà Nẵng, năm 2019
2. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An, Cù Lao Chàm - Vị thế, tiềm năng và triển vọng (kỷ yếu), năm 2006
3. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Di tích Hội An, Nghề truyền thống Hội An, năm 2018
4. Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An,  Thông tin Nghiên cứu Cù Lao Chàm, năm 2014
 
[1] Văn học hiện đại Việt Nam (Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn và giới thiệu) Nguyễn Tuân toàn tập (tập II) (tác phẩm từ 1940-1945, Nxb Văn học Hà Nội, năm 2000, trang 830.

Tác giả: Nguyễn Thị Khánh Vân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây