Lễ cúng Tất niên ở Hội An

Thứ hai - 05/02/2024 04:02
     Tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm âm lịch, tháng của sự chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Vào những ngày trung tuần của tháng Chạp, đối với người Việt Nam nói chung, người dân Hội An nói riêng là những ngày bận rộn, tất bật nhất. Bởi lẽ, ngoài việc lo hoàn tất công việc thường nhật của gia đình, mọi nhà đều phải lo chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, mua sắm lễ vật cho những ngày Tết cổ truyền. Cùng với đó, mọi nhà đều phải chuẩn bị một số lễ cúng không thể thiếu của những ngày cuối năm mà trong đó nổi bật là lễ cúng tất niên.
 
      Sau một năm kinh doanh, sản xuất của mỗi gia đình, lễ cúng tất niên được tổ chức nhằm tạ ơn thần linh, tạ ơn ông bà, tổ tiên trong năm qua đã che chở cho gia đình làm ăn, buôn bán phát tài, phát lộc… Đồng thời, cầu mong bước sang năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi, bình an.

     Trong ý nghĩa chung đó, từ xưa đến nay, lễ cúng tất niên ở Hội An là khoảnh khắc thiêng liêng của mọi gia đình và ngay sao đó là bữa cơm gắn kết mọi thành viên trong gia đình. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ, sum vầy, bữa cơm tất niên còn là hình thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên là lúc mọi người trong gia đình sửa soạn rước ông bà, cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.

     Theo ký ức dân gian, ở Hội An, vào khoảng thập niên 60, ngày 25 tháng Chạp là ngày cúng giao khem, tức là ngày đình tổ chức cúng giao khem khép ấn, cúng xong ông Thủ sắc đem con dấu/cái ấn của làng về cất giữ đến ngày mồng 7 khai hạ - cúng hạ nêu xong thì mọi công việc trong làng mới bắt đầu làm lại. Vì thế, sau ngày cúng khép ấn của làng, dân làng mới được tổ chức cúng tất niên.

     Tùy vào thời gian, tùy vào điều kiện kinh tế, công việc của từng hộ gia đình nên thời gian diễn ra lễ cúng tất niên không quy định ngày cụ thể. Trước đây, lễ cúng tất niên phổ biến nhất là vào ngày cuối cùng của năm, tức ngày 29 Tết (đối với tháng thiếu) hoặc 30 Tết (đối với tháng đủ). Theo lệ, chiều 27, 28 tháng Chạp, một số gia đình trong xóm cùng nhau làm thịt heo và chia nhau để làm vật phẩm cúng trong 3 ngày Tết. Do đó, việc cúng tất niên diễn ra sau khi các vật phẩm đã được chuẩn bị tươm tất. Ngày tất niên, mọi việc quan trọng chuẩn bị cho lễ Tết Nguyên đán gần như đã hoàn tất nhưng thường thì ai cũng tất bật với rất nhiều công việc để cố gắng chuẩn bị cho một năm mới trọn vẹn, chu đáo.

     Vào khoảng những năm 1990s, bắt đầu từ sau ngày đưa ông Táo về trời - 23 tháng Chạp nhà nào cũng lo rang nếp làm bánh in, bánh da, rồi gói bánh tét, làm mứt, dưa món, làm heo, dọn dẹp, vệ sinh và trang hoàng nhà cửa… tạo nên không khí Tết rất vui nhộn, đầm ấm, sum vầy. Từ mới tờ mờ sáng 30 Tết, trong mỗi gia đình, ai ai cũng lo dọn bàn thờ, đem giò hương xuống thay cát trắng sạch sẽ, mua giấy hình hoa, quả về trải bàn thờ,… và đó là những công việc của thanh niên, còn phụ nữ thì lụi hụi dưới bếp chuẩn bị bánh trái, thịt, dưa hành... để lo chuẩn bị cho lễ cúng tất niên vào buổi chiều cuối năm.

     Trước đây, trên bàn thờ cúng tất niên không có mâm ngũ quả dồi dào như bây giờ, đa phần chỉ có vài ba nải chuối, vài trái dừa, trái đu đủ,… chủ yếu là những loại trái cây do gia đình tự trồng. Còn hoa cúng cũng chỉ là hoa phượng, hoa mào gà, thậm chí là hoa ổi tàu. Ngoài ra, có một số lễ vật đơn sơ nhưng không thể thiếu trong lễ cúng tất niên là trầu cau, gạo muối, rượu, bánh (phải có bánh tét, bánh in,… đây là những loại bánh do gia đình tự làm). Ngoài bánh trái còn có mâm cơm với một số món mặn. Bàn cúng tất niên được đặt ở ngoài hiên. Khi cúng, đặt một bàn ở ngoài sân để cúng, trong bàn thờ có đặt mâm cơm, hoa quả, bánh trái. Không như một số lễ cúng khác, lễ cúng tất niên không có văn sớ, khi cúng chủ tế chỉ vái tạ ơn và cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình trong năm mới.

     Trong lễ cúng tất niên tại một số gia đình có tục thắp một cây hương trước khi đi vào lễ cúng chính. Theo những cụ cao niên giải thích đó là “cây hương vọng”. Cây hương vọng được thắp lên khi đã soạn lễ vật ra mà chưa cúng, về mặt tâm linh, cây hương vọng tạo không khí trang nghiêm, vì theo quan niệm dân gian khi chưa thắp hương thì làm gì cũng được nhưng khi có cây hương vọng thì bắt đầu phải nghiêm chỉnh nên việc chuẩn bị tâm lý trước khi đi vào lễ cúng là rất cần thiết. Đồng thời, lúc đó cũng là thời gian chờ đợi, kiểm tra lễ vật có thiếu gì không… do đó, cây hương vọng được xem như là cây hương chờ, chờ mọi thủ tục hoàn tất sau đó mới thắp hương đèn, đốt 3 cây hương rồi bắt đầu cúng vái. Đây là một trong những nét đặc trưng trong lễ cúng tất niên ở Hội An hiện vẫn còn duy trì ở một số gia đình tại một số địa phương trên địa bàn Thành phố.

     Trong những năm gần đây, lễ cúng tất niên tại gia thường được tổ chức bắt đầu từ khoảng ngày 20 tháng Chạp trở đi, số ít gia đình tổ chức vào chiều 30 Tết. Một số gia đình tổ chức cúng tất niên vào chiều 30 Tết cùng với lễ cúng rước ông bà. Lễ cúng rước ông bà là mời tổ tiên, ông bà về vui với con cháu trong 3 ngày Tết.

      Ngày nay, cúng tất niên được xem như là bữa tiệc gặp mặt cuối năm, vì thế được tổ chức như một sự kiện để tổng kết, đánh giá những thành tích đã làm được trong năm qua để chào đón năm mới, do đó cúng tất niên hiện nay không chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình mà cả những cơ quan, đơn vị, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… đều tổ chức cúng tất niên để gặp gỡ đồng nghiệp, giao lưu gặp mặt. Mặc dù chủ thể đứng ra tổ chức lễ cúng tất niên có khác nhau nhưng phần lễ phải có và nhìn chung lễ vật cúng tất niên hiện nay cũng như trước đây. Tuy nhiên, ngày nay cúng hoành tráng hơn, những cúng phẩm mặn nhiều hơn, hoa quả, bánh trái nhiều loại hơn, thành phần mời tham dự cũng đông  hơn…

     Trong điều kiện hiện nay, về thời gian, lễ cúng tất niên thường được tổ chức sớm hơn. Trước đây, để chuẩn bị đầy đủ, tươm tất lễ vật cho lễ cúng tất niên đòi hỏi phải mất nhiều thời gian nhưng hiện nay việc mua sắm lễ vật rất đơn giản. Ngoài ra, đối với một số hộ kinh doanh tranh thủ tất niên sớm để buôn bán những ngày cận Tết, đối với một số cơ sở sản xuất, tất niên sớm để thợ thầy được nghỉ Tết… do đó, vì nhu cầu cuộc sống hiện tại, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình nên thời gian diễn ra lễ cúng tất niên có sự thay đổi nhưng ý nghĩa, mục đích của lễ cúng tất niên ở Hội An vẫn giữ được những giá trị truyền thống lễ tục Tết cổ truyền của dân tộc nói chung, của địa phương nói riêng.  

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây