Về một dị bản ca dao sưu tầm ở Hội An

Chủ nhật - 25/02/2024 20:42
      Trong đợt sưu tầm ngữ văn dân gian tại địa phương vào năm 2019, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã ghi chép được 1399 đơn vị ca dao dân ca, trong đó có đến 367 đơn vị xếp vào chủ đề tình yêu đôi lứa, chiếm 26,2%. Chủ đề này được biểu hiện khá phong phú, phản ánh nhiều góc độ tình cảm và đời sống tinh thần của người bình dân địa phương thời phong kiến. Trong số những đơn vị ngữ văn hay về tình yêu đôi lứa, chúng tôi xin giới thiệu một dị bản của bài ca dao nổi tiếng thường được biết đến với câu mở đầu“Hôm qua tát nước đầu đình/Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”. Toàn bộ nội dung bài ca dao sưu tầm tại địa phương đã được ghi lại như sau:

  Gió đưa cây khế ngã ngang
Anh chưa có vợ cậy nàng vá may
Áo anh mới rách cái tay
Cậy nàng se chỉ vá may cho lành
Vá rồi anh lại hồi công
Mai sau có chồng anh giúp của cho
Giúp cho chiếc chiếu nàng nằm
Cái mền nàng đắp đôi vòng nàng đeo
Giúp cho quan mốt tiền cheo
Quan hai tiền cưới lại đèo bông tai
Giúp cho ba bốn cân khoai
Một cân muối nhỏ hai ba cân mè
Giúp cho ba bốn cân chè
Một cân muối nhỏ một dè tiêu khô
Giúp cho một lụi cá rô
Một trả cá giếc ba bốn bồ than săn
Giúp cho ba xách lá vằng
Một cái ấm nấu nước
Một cái thằng giữ con[1]

      Những sáng tác văn học dân gian sưu tầm giống nhau về chủ đề và nội dung chính được gọi là các dị bản của cùng một tác phẩm. Các hình thức chủ yếu của dị bản bao gồm: Thay đổi từ và cụm từ giữa các văn bản, sự thay đổi này mang tính ngẫu hứng và không ảnh hưởng tới nội dung tác phẩm; thêm từ, cụm từ vào văn bản. Dị bản hoàn toàn khác với các bản sai xảy ra do việc chép sai, lỗi đánh máy hoặc biên soạn, chỉnh lý tác phẩm văn học dân gian.

      Vì sao tác phẩm văn học dân gian lại có các dị bản? Thuộc tính tập thể và truyền miệng đã tạo nên tính khả biến, biến đổi của tác phẩm văn học dân gian. Trong quá trình lưu truyền, do trí nhớ của người đọc, người hát, người kể… hoặc do quá trình sáng tạo, ứng tác phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện lịch sử, văn hóa xã hội, thói quen tâm lý, phương ngữ vùng miền, một tác phẩm văn học dân gian có thể được tái tạo nhiều lần, hình thành nên các dị bản. Trong các công trình nghiên cứu, người biên soạn thường chọn một bản phổ biến nhất làm bản chính, các dị bản được giới thiệu ở phần khảo dị, chú thích. Sự góp mặt của các dị bản phản ảnh đời sống sinh động của một tác phẩm văn học dân gian.

      Với trường hợp của bài ca dao nói trên, khi phát hiện một dị bản độc đáo như vậy tại địa phương, chúng tôi đã thử phân tích để tìm hiểu xem những khác biệt nào đáng lưu ý giữa hai cách thể hiện, một của chàng trai miền Bắc ăn nói mượt mà và một của chàng trai miền Trung thật thà, chất phác.

      Cái khác đầu tiên là ở câu thơ - lời nói mào đầu. Màn tán tỉnh của người con trai miền Bắc bay bỗng, vòng vèo bao nhiêu thì sự thẳng thắn, chân phương của chàng trai xứ Quảng đầy nắng gió này lại càng nóng bỏng, ngay thật bấy nhiêu.  Chàng trai đất Bắc dùng đến tám câu thật thi vị để dẫn dắt ý tứ cho lời tỏ tình của mình:

Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.

      Trong khi đó, chỉ sau một câu nói bâng quơ “Gió đưa cây khế ngã ngang” tưởng chẳng hề ăn nhập gì với nội dung, hoàn cảnh được dẫn dắt ra sau đó, chàng trai xứ Quảng đã bắt ngay vào câu chuyện chính:“Anh chưa có vợ cậy nàng vá may”. Tuy rằng lời thơ đột ngột chuyển ý, nhưng thế mới đúng với bản chất vụng về“ăn cục nói hòn” của những con người ở xứ sở này, vốn không quen đẩy đưa khéo léo theo lối nói tình tứ, lãng mạn. Sử dụng kết cấu hứng, chủ thể của hai dị bản đều mượn cảnh để nói lên nội tâm của mình. Song, bài ca dao lưu truyền ở Hội An lại có lối hứng khá kì lạ. Chúng tôi cho rằng, sự gãy khúc trong cách chuyển ý của dị bản đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật biểu lộ của tác phẩm, thể hiện khá tinh tế tính cách của nhận vật: “nói gần nói xa chẳng qua nói thật”. Bàn thêm một chút về cái tứ thơ cây khế của chàng trai kia, sao bỗng dưng lại chọn khế để mở lời? Dân gian có câu “Hóc xương gà, sa cành khế”. Thân khế vốn dĩ giòn, dễ gãy. Nên chăng, câu Gió đưa cành khế ngã ngang cũng gây nên nhiều chú ý ban đầu về một hoàn cảnh nào đó sắp sửa được nói ra. Ở đây là: “Anh chưa có vợ, cậy nàng vá may”. Khế gắn bó với đời sống thôn quê Việt tự bao đời, không phải như tre giữ làng, giữ nước, nhưng cũng là loại cây đắc dụng. Cội khế rợp mát một góc vườn, là nơi tuổi thơ được no đẫy giấc trưa yên lành và thỏa thích nô đùa cùng bè bạn. Quả khế làm nên vị ngon của những món ăn dân giã hương đồng gió nội. Hoa khế chi chít đầy cành là vị thuốc chữa lành chứng ho mỗi khi trái gió trở trời. Chắt chiu nhựa sống từ mảnh đất lành, chùm khế ngọt là biểu tượng của quê hương sâu đậm trong mỗi con người. Cây khế còn gắn với hình ảnh của anh nông dân nghèo nhưng hiền hòa, hiếu thuận trong câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Quả thật đây chính là một ý gợi mở quá hoàn hảo, còn hay hơn bội lời giới thiệu dông dài.

      Cái khác tiếp theo của dị bản này so với bài thơ thường gặp là thái độ của người nói. Trong bài thơ vốn được nhiều người biết tới, chàng trai hứa quà cho người con gái những món hỏi cưới theo phong tục. Đấy là một câu chuyện phong tình đầy lãng mạn. Còn trong dị bản được sưu tầm tại Hội An, ta được biết những ý tứ sâu xa hơn thế. Theo thứ tự lời nói của chàng trai, người nghe có thể hình dung mức độ quan tâm và thái độ nghiêm túc trong việc ngỏ ý xây dựng mối quan hệ sâu sắc, bền chặt. Những món quà anh chàng hứa giúp cho người con gái không những là quà cưới theo tục lệ của địa phương, mà theo thứ tự lần lượt, còn có các thứ cần thiết để gầy dựng cho một cuộc sống lứa đôi sau hôn nhân viên mãn, đơm hoa kết trái.

 
Giúp cho ba bốn cân khoai
Một cân muối nhỏ hai ba cân mè
Giúp cho ba bốn cân chè
Một cân muối nhỏ một ghè tiêu khô
Giúp cho một lụi cá rô
Một trả cá giếc ba bốn bồ than săn
Giúp cho ba xách lá vằng
Một cái ấm nấu nước
Một cái thằng giữ con

      Những món quà chàng trai kể ra ở đoạn này của câu chuyện toàn là nông thổ sản thường có ở địa phương. Nhưng nguyên do để những chọn lựa ấy xuất hiện trong câu chuyện giữa chàng và nàng là gì? Sao lại là khoai, sao lại là mè, là chè, là tiêu khô, và lụi cá rô? Bằng một cách sắp xếp khéo léo của người nói, dần dần người nghe được hé lộ ngụ ý sâu xa đằng sau những món quà. Khi chàng trai kể đến ba bốn bồ than săn, ba xách lá vằng, chuyện kín đã dần được mở, để rồi câu kết bung ra thật rõ ràng nguyện ý trăm năm tính cuộc vuông tròn. Trở lại với những món nông sản kể ra từ trước đó, người nghe mới vỡ ra rằng chúng đều là thức dùng cho phụ nữ sau sinh ở cữ theo phong tục truyền thống. Tỉ mỉ đến từng chi tiết, chàng trai thể hiện rõ mình là một người đàn ông trưởng thành trong suy nghĩ, hiểu biết và chu đáo, biết cách săn sóc sức khỏe của vợ con. Điều đó sẽ tạo ngay ấn tượng tốt, gây dựng niềm tin ở người con gái mà anh đang cố gắng lấy cảm tình.

      Là một dị bản thì ít nhiều đều đã có sự thay đổi, song với bản tìm thấy ở Hội An, tình ý gói gọn trong bài ca dao vẫn vẹn nguyên, lại thêm vào đấy âm vị của xứ sở, đặc sắc địa phương. Đọng lại sâu sắc trong lòng người khi đọc bài ca dao trên là cách nói ngụ ý hữu tình vô cùng duyên dáng của trai thanh nữ tú ngày xưa. Họ có sự dè dặt, khoảng cách đủ để những rào trước đón sau, nói gần nói xa đẩy đưa câu chuyện đến độ hấp dẫn tài tình, mà vẫn cho đối phương thấy được sự táo bạo, mãnh liệt từ những hàm ý tỏ bày tình cảm riêng tư lộ ra phía sau lớp vỏ ngôn từ bình dị, mộc mạc của người dân quê.
 
[1] Bà Trần Thị Tam - Thịnh Mỹ, Cẩm An, 79 tuổi - cung cấp, Lê Thị Ngọc Hương ghi

Tác giả: Liễu Chi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây