Tri thức dân gian về khai thác, sơ chế nguyên liệu đan võng ngô đồng của cư dân Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 31/03/2024 21:41
Võng ngô đồng là một trong những sản phẩm đặc trưng ở Cù Lao Chàm được làm từ cây ngô đồng - một loại cây thân gỗ có lá màu xanh thẫm, mùa hè ra hoa đỏ tươi, mọc nhiều trên các vách núi cheo leo ở xứ đảo. Cây ngô đồng chính là nguồn nguyên liệu duy nhất và quan trọng nhất trong việc hình thành nghề đan võng ngô đồng.
      Cây ngô đồng đỏ (Firmiana Colorata R. Br) còn gọi là bo rừng, trôm màu, là loài cây thân gỗ đa tác dụng, mọc phổ biến ở đảo Hòn Lao, Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngô đồng đỏ có hoa đẹp, thích nghi với điều kiện sống ở đảo. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cây ngô đồng sinh trưởng khá tự nhiên, do hạt của quả già rụng xuống đất rồi mọc lên. Cây ngô đồng còn có khả năng tái sinh rất mãnh liệt. Từ một gốc cây đã được chặt, chỉ trong một thời gian ngắn, từ hai đến ba tuần, tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, có thể mọc lên ba, bốn chồi non, phát triển thành những cây mới. Ngoài ra, ngô đồng đỏ còn có khả năng tái sinh từ các bộ phận như cành, thân sau khi bị chặt rời. Điều này cho thấy cây ngô đồng đỏ có khả năng tự phục hồi rất tốt. Do vậy, cây ngô đồng sau khi được làm võng thì từ 2 - 3 năm sau, người dân có thể tiếp tục chặt cây ngô đồng vừa lên để lấy sợi làm võng, tuy nhiên chất lượng sợi lúc này không tốt bằng sợi cây ngô đồng thu hoạch lần đầu tiên.
 
Công đoạn chặt, đốn cây ngô đồng
Công đoạn chặt, đốn cây ngô đồng - Ảnh: Ngọc Hương
 
      Ngô đồng có thể gieo trồng nhân giống bằng hạt hay bằng cành. Khi nhân giống bằng cành, có thể cắt các cành có đường kính 5 - 8cm sau đó cắm vào đất. Sau một năm, cành phát triển thành cây ngô đồng và nở hoa. Nếu trồng bằng hạt sau 3 - 5 năm cây mới ra hoa. Hiện nay, ở Cù Lao Chàm có một số hộ trồng cây ở rẫy để lấy sợi cung cấp cho người dân về đan võng. Cụ thể như hộ ông Mai Bàng trồng tại rẫy ông Bàng, ông Nguyễn Thơ trồng tại rẫy ông Thơ,

      Cây ngô đồng dùng để đan võng thường có chu vi khoảng 20 - 30cm, bán kính khoảng 3 - 5cm, có độ cao khoảng 2,5 - 3m, tính từ gốc cây trở lên đến đoạn chẻ nhánh. Theo những người đan võng cho rằng, cây ngô đồng cỡ này có vỏ cho ra sợi mềm, dai, chịu lực tốt. Các cây non, nhỏ hơn thì vỏ cho sợi mềm, không đan được hoặc tính chịu lực kém. Các cây già, lớn hơn thì vỏ cho sợi cứng thô, khó đan. Ngoài ra, cây ngô đồng được dùng làm võng phải có thân suông thẳng thì mới có sợi thẳng, đảm bảo độ dài của sợi để thuận tiện khi đan, những đoạn thân cây có mắc thì không dùng.

      Để có được nguyên liệu đan võng là sợi manh đồng, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, trước tiên là đốn cây ngô đồng. Khi đốn cây ngô đồng, người thợ sẽ chặt phát quang xung quanh, chặt ngang mặt gốc (cách mặt đất khoảng 20 - 30cm, để chừa cho cây nứt chồi lên lại), sau đó, chặt bỏ đoạn phân nhánh. Một đoạn thân ngô đồng được đốn thường cao khoảng 1 - 1,5m, để có đủ số sợi ngô đồng đan một cái võng cần khoảng từ 30 - 40 đoạn.

      Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, cây ngô đồng lấy sợi tốt nhất vào khoảng thời gian từ tháng 11, 12 đến tháng 4, 5 năm sau, từ tháng 6 trở đi ngô đồng bắt đầu rụng lá và trổ hoa sẽ cho chất lượng sợi không tốt, hơn nữa vào thời điểm này hạn chế chặt đốn cây ngô đồng.

 
Bó ngô đồng thành từng bó sau khi chặt đốn
Bó ngô đồng thành từng bó sau khi chặt đốn - Ảnh: Ngọc Hương
 
      Sau khi chặt cây ngô đồng, người thực hành nghề chọn một mỏm đá ở xung quanh để đập, dùng tay nắm một đầu thân cây, giơ cao đầu cây còn lại rồi đập xuống đá cho vỏ cây nứt ra, đập 2, 3 lần. Sau đó, để đầu không bị đập nứt xuống đất, dùng chân giữ, đầu đã bị đập bể vỏ ở phía trên, lấy tay tách từng mảng theo chiều dọc, tước vỏ ngô đồng theo chiều từ trên xuống. Một thân cây ngô đồng tước được khoảng 2 - 3 mảng vỏ (lớp phiến), thân gỗ bên trong có màu trắng, được bó đem về sử dụng làm củi, vỏ cây ngô đồng được bó thành một bó riêng để ngâm.

      Vỏ cây ngô đồng thường được ngâm ở các khe, suối nước gần nhà (như Khe Ruộng Chùa, Khe Ông Thơ, Khe Xóm Mới,…). Để khỏi bị trôi, người ta lấy đá chần trên các bó vỏ. Vỏ cây ngô đồng ngâm dưới nước từ 10 - 15 ngày thì mềm ra. Lúc này, lớp vỏ cứng mềm mục, nhả dần ra, lộ sợi xơ thì vớt lên. Sau đó chao, gỡ bỏ lớp vỏ, lớp nhớt (mủ), tước lớp vỏ bên ngoài đã mục lấy lớp xơ màu trắng đục, lớp xơ này gọi là manh đồng.

      Để manh đồng được trắng tinh, cần phải chao, giặt rất nhiều lần, thời gian giặt có khi cả một buổi. Trước đây, chủ yếu giặt ở dưới suối do nước khe, suối còn dồi dào, sạch. Gần đây, có một số người giặt vỏ ngô đồng tại nhà (bà Chức), khi giặt bỏ vào thau giặt với nước xà phòng cho nhanh sạch, rồi dùng dao (dao lở, dao nhỏ, cũng có thể dùng rựa, mác) kịt (tước mảng vỏ lớn thành từng mảng nhỏ có bảng rộng khoảng 1cm), sau đó, đem phơi một nắng (một ngày) cho khô. Trong quá trình phơi sợi ngô đồng cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm, nếu phơi quá nắng thì sợi sẽ giòn khó đan, nếu phơi gặp mưa sẽ không trắng và nhanh mục. Manh đồng phơi một nắng là có thể dùng để đan võng được. Manh đồng sau khi phơi có màu trắng sữa tự nhiên rất đẹp mà không cần phải qua công đoạn nhuộm sợi. Manh đồng đẹp là sợi ngô đồng trắng, trơn, chắc. Cư dân nơi đây bó thành từng bó nhỏ, để nơi khô ráo, để dùng khi đan võng.
Nếu chưa dùng manh đồng hoặc chưa có thời gian để đan võng thì manh đồng sau khi phơi khô sẽ được quấn thành bó để dành dùng dần. Các bó sợi nhỏ được gom lại bó ngay ngắn thành những bó to và cất vào trong bao. Manh đồng khô có thể cất giữ nhiều năm mới dùng mà vẫn bền và đẹp. Những người cẩn thận thì lâu lâu đem manh đồng ra se qua nắng nhẹ để tránh sợi bị mốc, ẩm. Tuy nhiên, manh đồng sẽ ngả sang màu vàng theo thời gian. Nên hầu hết những người đan võng thường sử dụng sau khi phơi nắng từ khoảng 1 - 2 tháng.

 
Công đoạn tước vỏ cây ngô đồng sau khi đập dập
Công đoạn tước vỏ cây ngô đồng sau khi đập dập - Ảnh: Ngọc Hương
 
      Qua quá trình sinh sống và thích nghi với môi trường biển, đảo Cù Lao Chàm, cư dân xứ đảo đã biết tận dụng cây ngô đồng có sẵn để tạo ra sản phẩm võng ngô đồng thủ công có giá trị sử dụng cao, phục vụ cho đời sống hàng ngày. Từ vỏ cây ngô đồng đỏ có đặc tính rất dai, bền, mềm mại, óng ả như tơ và có tính chịu lực tốt người dân đã biết xử lý, sơ chế vỏ cây ngô đồng để đan võng. Từ đó, cho thấy rằng, từ xa xưa cư dân Cù Lao Chàm đã biết sử dụng những nguyên liệu từ cây rừng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt trên vùng đảo này. Nghề đan võng ngô đồng đã góp phần minh chứng cho sự tiếp cận, khai thác khá sớm nguồn tài nguyên rừng, nhằm thích ứng với địa hình biển đảo của cộng đồng cư dân nơi đây. Vì vậy, những tri thức dân gian trong việc khai thác nguyên liệu và đan võng ngô đồng là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của nghề truyền thống này ở Cù Lao Chàm, duy trì bền vững di sản văn hóa của tiền nhân để lại.
 

Tác giả: Khánh Vân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây