Kỹ thuật và công cụ đục chạm gỗ ở Hội An

Chủ nhật - 14/04/2024 22:59
      Trong tập sách Mỹ thuật Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nhận xét: “Ngôi nhà gỗ sẽ chẳng biểu lộ được cái đẹp như mong muốn nếu nội thất không được “mặc chiếc áo” của chạm, khảm, thậm chí là hội họa sơn mài, sơn son thếp vàng[1]. Điều đó thể hiện rất rõ khi tham quan các ngôi nhà cổ ở Khu phố cổ Hội An. Có thể nói, người thợ mộc chạm ở Hội An đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm đẹp các công trình kiến trúc gỗ tại địa phương.
 
      Bên cạnh nắm vững các công đoạn, quy trình cơ bản để tạo ra một sản phẩm mộc chạm hoàn chỉnh, người thợ còn phải nắm vững các kỹ thuật và sử dụng thành thạo các công cụ để chạm khắc. Bài viết này xin được giới thiệu các kỹ thuật chạm khắc cơ bản và một số công cụ đục chạm được người thợ sử dụng tại Hội An[2].
 
moc kim bong
Nghệ nhân Huỳnh Sướng - Làng mộc Kim Bồng đang thao tác đục chạm trên gỗ - Ảnh: Hoàng Phúc

        Các kỹ thuật chạm khắc cơ bản: Các thợ mộc chạm ở Hội An cho biết có 04 kỹ thuật chạm (đục) chính, gồm:

      - Chạm bấm (chạm chìm): chạm các chi tiết âm xuống bề mặt gỗ phẳng (chi tiết trang trí chìm dưới mặt nền).

      - Chạm nổi (chạm phù điêu): chạm chi tiết nổi trên bề mặt gỗ phẳng (hạ nền chính thấp xuống, vẫn giữ được nền không bị thủng/lủng).

      - Chạm lủng, chạm thủng: đục thủng xuyên qua miếng ván để tạo hình chi tiết. Các họa tiết được khơi nổi lên nhưng phần nền được bỏ đi, có thể nhìn xuyên qua sản phẩm như khuôn bông gió vậy.

      - Chạm lộng (chạm khơi,chạm 3D): chạm hình khối khơi nổi nhiều tầng, nhiều lớp (lớp trên, lớp dưới, lớp xa, lớp gần) nhưng vẫn gắn kết với phần nền chính được giữ lại. Các chi tiết có một phần dính với nền chính, một phần được khơi ra khỏi mặt nền làm cho sản phẩm có hình khối rất sinh động.

      Trên một sản phẩm có thể kết hợp nhiều kỹ thuật chạm để tạo ra sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Qua tham khảo nhiều nguồn tư liệu, có thể nhận thấy sự khác biệt trong tên gọi các kỹ thuật chạm ở Hội An so với các địa phương khác trong nước, dù cùng mô tả một kỹ thuật chạm nhưng cách gọi không giống nhau.

      Trong quá trình thực hiện kỹ thuật chạm, người thợ cho biết mức độ phức tạp tăng dần của các kỹ thuật này theo thứ tự như sau: chạm bấm - chạm lủng - chạm nổi - chạm lộng. Trong đó, kỹ thuật hạ nền (trong chạm nổi) và chạm lộng là kỹ thuật khó nhất. Chạm lộng được xem là khó hơn cả vì các chi tiết thường nhỏ, kép công, đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng cao. Chạm nổi trước đây tốn nhiều thời gian nhất vì phải hạ nền, xử lý mặt nền cho đạt yêu cầu. Việc hạ nền thủ công cho bề mặt phẳng, đều là công việc khá phức tạp, vất vả, làm không khéo thì nền chỗ cao, chỗ thấp, bề mặt gồ ghề. Vì thế, để có kỹ năng cao trong quá trình đục chạm, người học nghề phải học kỹ thuật chạm bấm trước, sau mới đến chạm nổi (học lấy nền cho hoàn chỉnh, làm chi tiết tương tự chạm bấm, sau đó học đến chạm lủng, chạm lộng). Hiện nay, người thợ dùng máy móc hỗ trợ để hạ nền nên công việc này trở nên nhanh, đơn giản và đẹp hơn nhiều.

      Bên cạnh đó, còn có một số thuật ngữ khác như: chạm lộng (khơi) có 2 loại, gồm khơi đơn (khơi 1 lớp) và khơi kép (khơi 2 hoặc nhiều hơn 2 lớp). Riêng việc đục chữ trên hoành phi, liễn đối, có thêm thuật ngữ để mô tả hai lối đục, đó là đục “vỏ đậu ngửa” (người thợ dùng đục dủm để đục toàn bộ chữ cong, lõm xuống trông giống hình vỏ đậu khi ngửa ra) và đục “vỏ đậu úp” (người thợ dùng đục V hoặc chàng tách đục quanh viền chữ rồi dùng đục lá đục âm cong xuống, tạo cho nét chữ nhìn giống hình vỏ đậu khi úp lại).

 
đo nghe
Những công cụ đục chạm - Ảnh: Hoàng Phúc
 
      Những công cụ đục chạm đồ án trên gỗ: Đục là công cụ chính dùng để chạm khắc gỗ, có các loại đục chính:

      - Đục tách/đục tỉa (đục V): lưỡi đục có hình chữ V, gồm có V núc (góc V bo tròn), V thẳng (góc V nhọn) dùng để tỉa, đánh dấu khối (làm dấu theo nét vẽ để nhận biết khối chi tiết), làm nét chi tiết. Đục V nhỏ dùng để tách nét, đục V lớn dùng để phá khối.

      - Đục dủm/đục móng: lưỡi đục cong như cánh hoa (có dủm má trong/dủm phải, dủm má ngoài/dủm trái tùy thuộc vào phía mài lưỡi đục). Có dủm tròn (cong đúng nửa vòng tròn), dủm bẹt (một phần cung tròn, nhiều độ bẹt khác nhau) dùng để chấn cánh hoa, lá…

      - Đục lá: lưỡi đục thẳng, dùng để chấn các đường thẳng, hồi văn chữ T, chữ Vạn...

      - Chàng tách cổ cò (chàng chạm, chàng cổ cò, chàng tách): cái đục có hình dạng giống cổ cò, chỉ có một kiểu, một cỡ duy nhất. Nó có rất nhiều công dụng, sử dụng linh hoạt, thay cho nhiều loại đục khác nhau, cho ra nhiều đường nét to nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, người thợ phải có tay nghề cao thì mới phát huy tốt công dụng của công cụ này.

      Mỗi loại đục có nhiều kích cỡ khác nhau, số lượng đục tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi người thợ. Tùy vị trí, chi tiết mà sử dụng loại đục cho phù hợp, thường dùng nhất là đục V. Đục V tách rất nhanh nhưng cho nét chạm cạn và đều, không có sự linh hoạt (không cho nét chạm lớn nhỏ không đều, tạo sự mềm mại cho chi tiết như chàng tách). Chàng tách cho nét chạm sâu, dùng cho các vị trí cần sự sắc sảo, thể hiện được ý đồ của người thợ chạm, thường dùng để khắc chữ trên các câu đối, bấm chữ trên bài vị (chữ nhỏ). Trước những năm 1990s, tiền nhân làng mộc Kim Bồng chủ yếu dùng chàng tách, đục V mới được nhập từ các làng nghề phía Bắc về vào thời gian sau này. Chàng tách không phải là công cụ riêng có của làng mộc, tuy nhiên, trước đây chàng tách giúp tạo nên thương hiệu cho mộc Kim Bồng vì các làng mộc khác cũng dùng chàng tách nhưng không nhiều bằng làng mộc Kim Bồng, thường dùng đục V thay cho công cụ này.

      Chàng tách sử dụng linh hoạt nhưng rất khó dùng, thời gian thi công lâu hơn so với việc dùng đục V, kép công nên giá thành sản phẩm cao. Người thợ phải học một thời gian thì mới có thể sử dụng thành thạo, uyển chuyển công cụ này. Sau khi quen tay, hiểu rõ về chàng tách, người thợ thường sẽ đến lò rèn ở địa phương để tự đặt một cái cho riêng mình với độ cong phù hợp, nên có thể nói đây là công cụ rất quan trọng của người thợ đục chạm. Người thợ đã biết dùng chàng tách, nếu bỏ không dùng một thời gian thì rất khó khi sử dụng lại bởi bị “cứng” tay, đòi hỏi phải thực hành thường xuyên. Thợ trẻ ngày nay lúc học nghề có học cách sử dụng chàng tách, thực tế công việc thì rất ít dùng (gần như không dùng), họ dùng đục V nhiều hơn. Ở xưởng mộc của nghệ nhân Huỳnh Sướng, thợ trẻ vẫn được đào tạo để có thể sử dụng chàng tách với mong muốn giữ lại bản sắc của làng mộc Kim Bồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đa số thợ đục chạm xuất thân từ xưởng mộc Huỳnh Sướng dù có chàng tách trong hộp đồ nghề, biết cách sử dụng nhưng từ lâu đã không còn dùng đến nó nữa. Thực trạng các làng nghề mộc khác cũng tương tự ở Hội An, có công cụ chàng tách nhưng hiện mai một, ít ai dùng.

     Một công cụ chính khác không thể thiếu của người thợ là cái dùi đục. Ngoài ra, còn có các công cụ phụ trợ như: cái đột dùng để tạo những lỗ nhỏ trên bề mặt chi tiết (như hạt trên các loại quả, gai nhỏ trên thân sen…); cái nạo (lưỡi nạo) dùng để cạo mặt nền,làm sạch bề mặt chỗ cưa lủng hoặc bề mặt chi tiết để tạo độ láng, trơn… Hiện nay, người thợ mộc chạm được hỗ trợ rất nhiều bởi máy móc khiến công việc đỡ vất vả, tiến độ nhanh hơn, giá thành sản phẩm hạ, như: máy lận lỗ (dùng để cưa thủng); máy đục cầm tay với đa dạng lưỡi me; mang tính ứng dụng cao như máy cắt CNC, máy cắt 3D... Máy móc có thể làm ra hàng loạt sản phẩm giống hệt nhau với độ sắc nét, tinh xảo cao, tuy nhiên, sản phẩm lại không có tính độc nhất, không chuyển tải được cái hồn, sắc thái riêng của người thợ tạo tác như các sản phẩm được làm theo phương pháp thủ công truyền thống.

      Việc chạm khắc gỗ đòi hỏi người thợ phải sử dụng thành thạo các công cụ và áp dụng linh hoạt các kỹ thuật để đạt được hiệu quả như mong muốn. Mỗi loại công cụ đục chạm có hình dạng, kích thước khác nhau, yêu cầu các kỹ thuật cụ thể, phù hợp để sử dụng chúng, cùng với đó là khả năng kiểm soát của người thợ để có các đường đục chạm chính xác, đều và đẹp, tránh làm hỏng gỗ. Vì vậy, người thợ cần phải trải qua một thời gian dài thực hành để rèn luyện, phát triển kỹ năng sử dụng công cụ và áp dụng các kỹ thuật đục chạm. Việc áp dụng công nghệ, máy móc mới để hỗ trợ là điều cần thiết, tuy nhiên việc hạn chế sử dụng các công cụ truyền thống, góp phần làm nên nét đặc sắc của làng nghề như chàng tách cổ cò như hiện nay quả có chút đáng tiếc. Bên cạnh nỗ lực gìn giữ làng nghề, mong rằng các nghệ nhân, người thợ làng mộc Kim Bồng cần duy trì, tăng cường việc sử dụng các kỹ thuật, công cụ đục chạm truyền thống để sản phẩm thêm phần tinh xảo, chất lượng, mang lại ấn tượng khó quên cho khách hàng và du khách thưởng lãm gần xa.
 

[1] Nguyễn Hữu Thông (2019), Mỹ thuật Nguyễn, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, trang 175, 176.
[2] Đây là những thông tin chúng tôi tổng hợp được khi phỏng vấn 10 nghệ nhân và thợ mộc chạm ở Hội An trong năm 2021, trong đó đặc biệt có sự tư vấn về chuyên môn của Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng ở Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim.
 

Tác giả: Hoàng Phúc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây