Nguyên liệu để nấu là cây lường phảnh. Một loại cây giống rau dền, phơi khô. Trước đây cây này được nhập từ Trung Quốc sang, nay mua từ Sài Gòn, Chợ Lớn... Cây được rửa sạch, bỏ vào nồi nấu rục. Cùng với lường phảnh người ta còn cho thêm vào một số vị thuốc Bắc như Đương quy, Thục địa, ... Khi nấu, phải canh cho cây không được rục quá, sẽ ảnh hưởng đến độ cứng và dai của chén lường phảnh sau này. Khi độ chín đạt yêu cầu, người ta cho nước tro Tàu đã lọc vào nồi với tỉ lệ vừa phải, sau đó dùng rá , thau, chậu lọc lấy nước, bỏ xác. Một vài giờ sau thì lường phảnh dần đông cứng lại. Khi ăn, người ta xắt thành từng miếng mỏng, nhỏ, múc ra chén và rưới nước đường pha gừng vào. Có khi người ta đổ lường phảnh vào những chén nhỏ, để đông và đặt úp trên những chiếc trẹt để gánh đi bán. Đêm đêm, những gánh lường phảnh với chiếc đèn hột vịt và những tiếng rao kéo dài đã góp phần tạo cho hồn phố thêm lung linh, ấn tượng. Cách ăn, cách bán có điểm giống với xa xa nhưng hương vị của lường phảnh có điểm độc đáo riêng. Sớ của lường phảnh không quá mềm như xa xa mà có độ cứng dai vừa phải. Cộng vào đó là màu đen nhạt, lóng lánh rất đặc trưng và mùi hăng hắc của lường phảnh hòa cùng mùi một số vị thuốc Bắc. Do vậy, những ai đã một lần dùng qua lường phảnh sẽ có ấn tượng rất sâu sắc, khó quên. Luờng phảnh là món ăn lạ miệng, lại mang tính mát, bổ, có tác dụng bổ thận, giảm đau lưng do vậy rất được cư dân phố cổ ưa chuộng, nhất là vào những ngày hè nóng nực, oi ả.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền