Tuy đậu hủ chỉ là món ăn thông thường làm bằng đậu nành, nhưng để làm được nó là cả một quá trình chế tác không đơn giản và đòi hỏi phải có kinh nghiệm "gia truyền" mới có thể làm được. Để làm đậu hủ, người ta dùng đậu nành tróc sạch vỏ, ngâm nước, đem xay nát rồi cho vào một tấm vải, bòng (lọc) lấy tinh chất của đậu, sau đó cho vào nồi nấu pha thêm thạch cao cho sữa đậu dễ đông. Thạch ở đây dưới dạng khối rắn như phèn sa, phèn chua khác với loại thạch cao dạng bột dùng để tô hình đắp tượng. Trước khi pha vào sữa đậu, người ta phải cho thạch vào nồi nung nóng, sau đó đem nghiền nát thành bột. Công đoạn này đòi hỏi kinh nghiệm nhiều nhất vì nếu như pha nước, pha thạch không đúng tỉ lệ và không quen tay thì sữa đậu sẽ không đông mà bị vữa. Đậu hủ ngon đúng điệu cũng nhờ một phần không nhỏ của nước đường, vì vậy đòi hỏi người làm đậu phải chọn mua đường ngon theo kinh nghiệm và phải biết cách thắng nước đường sao cho vừa độ keo, ngọt lịm mà không khét. Để nước đường tăng phần đặc sắc người ta giã nhỏ một ít gừng cho vào, làm cho nước đường có vị ngọt cay mặn nồng khó quên "gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau" và làm cho chén đậu hủ cũng tăng phần ý vị. Hũ đựng đậu thường được làm băng hũ sành giản dị, chung quanh quấn một lớp rơm rạ để giữ cho êm hủ đậu và giữ độ nóng cho đậu bên trong, bên ngoài có một giỏ tre bảo vệ và để tiện cho việc vận chuyển gánh đi.
Hàng ngày trên các đường phố ở Hội An, các bà các cô kĩu cà kĩu kịt gánh đậu hủ trên vai rao bán khắp nơi. Những gánh đậu ấy, những tiếng rao ấy cũng góp phần tô điểm sắc thái cho phố cổ thân thương./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền