Cơ quan Tỉnh uỷ lúc bấy giờ là cơ quan bí mật nên chỉ là một ngôi nhà tranh 2 gian, được làm bằng các loại vật liệu đơn giản mây, tre, dừa nước. Một gian sinh hoạt chung còn một gian dùng làm nơi ấn loát, in ấn các loại truyền đơn và các tài liệu hoạt động của Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Phía sau ngôi nhà này có một cái giếng cổ (
Giếng xóm Da), nước trong và ngọt nên các đồng chí trong Tỉnh ủy thường dùng nước giếng ở đây để phụ vụ sinh hoạt hằng ngày, đồng thời dùng nó để nấu đông sương phục vụ in truyền đơn.
Ngày 28-3-1930, tại Hội An, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được chính thức thành lập. Tỉnh ủy có bốn đồng chí do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư. Đảng bộ Quảng Nam ra đời là sự kiện lịch sử quan trọng có ý nghĩa rất lớn đối với phong trào cách mạng ở địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ, hoạt động của Tỉnh ủy có chính cương, điều lệ thống nhất. Tỉnh ủy bắt đầu mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho quần chúng cảm tình của Đảng vào ban đêm ở các bãi cát Xóm Mới hay Trường Lệ Hội An. Mỗi lớp có từ năm đến bảy người do các đồng chí Tỉnh ủy viên trực tiếp giảng dạy. Từ những lớp học cảm tình này đã có một số học viên được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.
Tháng 4-1930, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hội An gồm 3 đồng chí do đồng chí Hà Mùi làm bí thư. Về sau Chi bộ đã kết nạp thêm được 2 đảng viên. Chi bộ trực thuộc Tỉnh ủy và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Hội An. Thời điểm này, Tỉnh uỷ đang tổ chức những hoạt động gây dựng các phong trào nhưng trong tình thế ngày đêm bị địch truy lùng gắt gao. Trong khi đó Tỉnh uỷ lại không có địa điểm cố định và an toàn để tiện cho việc liên lạc, cũng như có thể in ấn các truyền đơn, tài liệu kịp thời phục vụ công tác tuyên truyền và đấu tranh của mình. Chính vì thế, các đồng chí trong Tỉnh uỷ quyết định mua một ngôi nhà tranh nhỏ ở tại Xóm Da ấp Xuân Lâm - Cẩm Phô để làm cơ quan bí mật cho Tỉnh uỷ.
Tuy nhiên trong giai đoạn, này bọn mật thám tại Hội An theo dõi và kiểm soát rất gắt gao hoạt động của các cơ sở cách mạng nên việc tổ chức một cơ quan bí mật cho Tỉnh ủy nằm ngay cạnh khu vực các cơ quan đầu não của địch ở Hội An như thế này là công việc vô cùng khó khăn và tưởng chừng như không thể. Bởi lẽ, địa điểm dự kiến đặt Cơ quan bí mật của Tỉnh ủy Quảng Nam lúc này chỉ nằm cách Tòa Công Sứ về phía bắc chỉ khoảng 400m.
Thế nhưng, sau khi bàn tính, cân nhắc kỹ lưỡng, các đồng chí trong Tỉnh ủy và Chi bộ Đảng ở Hội An đã quyết định làm một việc hết sức táo bạo, đó là tổ chức một đám cưới giả cho đồng chí Nguyễn “L” (
Nguyễn Lợi - sau này đã phản bội Đảng) và đồng chí Trần Thị Dư rồi dọn đến ngôi nhà tranh này ở một cách hợp pháp và đã qua mắt được kẻ thù.
Ngôi nhà tranh ở Xóm Da, ấp Xuân Lâm bấy giờ là một ngôi nhà nhỏ 2 gian, một phòng sinh hoạt chung, còn một phòng kín, nơi sinh hoạt riêng của “
đôi vợ chồng trẻ” đã trở thành nơi ở bí mật của đồng chí Trần Đại Quả (
đặc phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ) và các đồng chí trong Tỉnh ủy
. Ngôi nhà tranh đã trở thành nơi hội họp, in ấn báo chí, truyền đơn bí mật Tỉnh ủy Quảng Nam.
Trong thời gian tồn tại từ tháng 4/1930 đến giữa tháng 10/1930, tại ngôi nhà này, nhiều chủ trương lớn của Tỉnh ủy đã được họp bàn và triển khai. Có thể kể ra một số sự kiện tiêu biểu như:
* Giữa tháng 4 1930, thực hiện chủ trương của Đảng phát động cao trào rộng lớn trong cả nước nhân ngày Quốc tế lao động 01-5 để tuyên truyền về sự ra đời của Đảng và biểu dương lực lượng. Tỉnh ủy Quảng Nam, Chi bộ Hội An đã họp bàn kế hoạch rãi truyền đơn và treo cờ Đảng ở nội ô Hội An.
Để đến ngày 01-5-1930, đúng như kế hoạch của Tỉnh ủy Quảng Nam, Chi bộ Hội An đã tổ chức treo cờ Đảng và rải truyền đơn khắp thành phố, vùng ngoại ô, kêu gọi quần chúng hưởng ứng ngày Quốc tế lao động. Cờ Đảng được treo ở Chùa Cầu, ngõ tư đường Hội An - Cầu Nhật Bản (
nay là ngã tư Lê Lợi - Trần Phú) và trên giếng Mái (
đầu chợ Hội An). Truyền đơn được rải trên các tuyến đường Quảng Nam
(đường Hùng Vương và Trần Hưng Đạo -Hội An hiện nay), đường Cầu Nhật Bản (
nay là đườngTrần Phú) và đường Quảng Đông (
nay là đường Nguyễn Thái Học)... Ở Kim Bồng, bờ Nam sông Thu Bồn, cờ đỏ búa liềm được treo trên cây đa ấp Vĩnh Hưng và truyền đơn được rãi từ ấp Vĩnh Hưng đến bến đò Phố.
Vụ rải truyền đơn nhân ngày 01-5 đã gây tiếng vang lớn, uy tín của Đảng được lan truyền trong quần chúng. Bọn thực dân Pháp ở Hội An hết sức lúng túng vì ngay từ trước ngày 01-5, bọn chúng đã đề phòng, canh gác và tuần tra cẩn mật nhưng cờ Đảng và truyền đơn vẫn xuất hiện giữa nội ô Hội An và các vùng lân cận.
* Trong tháng 8 và tháng 9-1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh phát triển lên đến đỉnh cao. Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã họp tại ngôi nhà này chủ trương tiếp tục tổ chức míttinh ở Hội An mà tháng 8 chưa thực hiện được nhằm phát huy ảnh hưởng của Đảng, củng cố các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng giữ vững tinh thần. Đồng chí Phan Văn Định phụ trách chung, đồng chí Huỳnh Lắm, tỉnh ủy viên phụ trách việc thực hiện. Tỉnh ủy đã điều đồng chí Trần Kim Bảng từ Duy Xuyên về Hội An phụ trách diễn thuyết. Chi bộ Hội An có trách nhiệm bố trí bảo vệ an ninh trật tự trong cuộc míttinh và bảo đảm an toàn cho diễn giả. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 1-9-1930, cuộc míttinh được tiến hành ở đường Phúc Kiến trước chùa Quảng Triệu. Đồng bào đến nghe diễn thuyết khoảng 100 người. Sau khi tập hợp được quần chúng, đồng chí Trần Kim Bảng đứng lên ghế đá vừa phất cờ, vừa nói chuyện với đồng bào. Đồng chí tố cáo tội ác của bọn thực dân Pháp xâm lược và phong kiến Nam triều bán nước đã làm cho dân ta cùng khổ. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là để lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành độc lập cho Tổ Quốc, đưa lại cơm no, áo ấm cho nhân dân. Đồng bào cả nước và đồng bào Nghệ Tĩnh đã nổi dậy đấu tranh kịch liệt, bất chấp sự đàn áp dã man của kẻ thù. Vì vậy, đồng bào Hội An cũng như cả Tỉnh hãy đứng dậy đấu tranh giành lại quyền lợi cho mình, hưởng ứng và ủng hộ đồng bào Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cuộc míttinh diễn thuyết ở chùa Quảng Triệu đã gây một tiếng vang lớn. Tin Cộng Sản hô hào đánh Tây, đánh đổ bọn phong kiến Nam triều lan truyền rất nhanh chóng. Bọn cảnh sát, cảnh binh của địch ráo riết lục soát khắp nơi vẫn không tìm ra manh mối. Tỉnh ủy Quảng Nam đã thông báo tin này ra khắp toàn tỉnh để động viên tinh thần quần chúng dũng cảm đứng lên đấu tranh với kẻ thù.
* Ngôi nhà tranh này là một trong những nơi in báo “
Lưỡi Cày”, tờ báo đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Nam. Giữa tháng 10-1930, Cơ quan Tỉnh ủy và các Chi bộ Hội An tập trung in tài liệu, truyền đơn và đặt kế hoạch chuẩn bị sôi nổi để kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong khi phong trào cách mạng đang phát triển mạnh thì tên Phó Cọi (
Nguyễn Hứa - đảng viên thuộc Đảng bộ Duy Xuyên) đã phản bội khai báo cho địch biết cơ quan của Tỉnh ủy ở Hội An. Thực dân Pháp mở cuộc khủng bố, bắt bớ cán bộ trong toàn Tỉnh mà trọng tâm là cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Chiều ngày 20-10-1930, công sứ Pháp, tổng đốc Quảng Nam và một số lính bao vây Cơ quan Tỉnh ủy ở xóm Da, ập vào lục soát và bắt 3 đồng chí Trần Đệ Qủa, Trần Kim Bảng, Trần Thị Dư, tịch thu tất cả tài liệu và dụng cụ in ấn. Trong những ngày sau, thực dân Pháp lần lượt bắt các đồng chí Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Lang, Huỳnh Lắm, Nguyễn Thiết, Trần Cần, Nguyễn Văn Vỹ và một số đồng chí khác gồm 11 người, trong đó có 3 đảng viên thuộc chi bộ Hội An.
Thực dân Pháp tiếp tục khủng bố, đánh phá phong trào cách mạng. Chúng kết tội các đồng chí bị bắt có âm mưu bạo loạn chống lại nhà nước bảo hộ và bị kết án tù khổ sai. Đồng chí Phan Văn Định bị án tù tám năm, các đồng chí khác bị kết án tù từ ba năm đến bảy năm, phần lớn bị đày đi Lao Bảo. Cũng từ đây, ngôi nhà tranh này không còn là cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam nữa.
Mặc dù thời gian tồn tại ngắn ngủi nhưng những hoạt động diễn ra tại di tích này có ý nghĩa quan trọng trong buổi đầu thành lập và lãnh đạo cách mạng của Tỉnh ủy Quảng Nam.
Xem tiếp