Di tích lịch sử cách mạng chùa Kim Bửu

Thứ năm - 12/09/2013 21:22
Di tích hiện tọa lạc tại thôn Trung Châu, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An. Từ bến đò Cẩm Kim - Hội An, theo đường bê tông liên thôn đến ngã tư Bưu điện xã Cẩm Kim thì rẽ phải, sau đó tiếp tục đi về phía thôn Phước Thắng, khoảng hơn 1km đến ngã ba rẽ phải đi vào xóm Vạn Ghe. Đi khoảng 350m là đến di tích.
        Từ khi được xây dựng cho đến nay, chùa Kim Bửu đã gắn bó khăn khít với đời sống của người dân Kim Bồng, trở thành nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đáp ứng đời sống tâm linh của người dân. Đặc biệt, chùa Kim Bửu còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động cách mạng sôi nổi của Đảng bộ địa phương nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung.
 
7

          Từ tháng 2/1944, chùa làng Kim Bồng trở thành cơ sở liên lạc, nuôi giấu, bảo vệ các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Thị ủy Hội An, Tỉnh ủy Quảng Nam. Vào tháng 4/1944 tại chùa Kim Bửu (lúc này ông Nguyễn Đạo - một người theo cách mạng đang làm thầy tu tại chùa), Tỉnh ủy Quảng Nam đã mở hội nghị tái lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Văn Quế làm bí thư, một trong 2 cơ quan Tỉnh ủy được đặt tại Kim Bồng. Trong hội nghị này, Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ xây dựng lại tổ chức Đảng, đoàn thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

         Đầu năm 1945, hòa chung phong trào cách mạng sôi động trên cả nước chuẩn bị tổng khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở Kim Bồng ngày càng phát triển mạnh mẽ, mặc dù lúc này người dân Kim Bồng đang sống trong cảnh đói nghèo cùng cực do chính sách độc canh nông nghiệp của Nhật còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Quảng Nam.

         Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng (12/3/1945)“Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chỉ đạo các địa phương chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, đánh đuổi quân Nhật giành chính quyền. Cuối tháng 5/1945, tại chùa Kim Bửu, Tỉnh ủy mở hội nghị để quán triệt các Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”, “ Lập ủy ban Dân tộc giải phóng”. Theo tinh thần đó, ở Kim Bồng, Uỷ ban Việt Minh đã được củng cố, các hội đoàn như: Hội công nhân Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc được kiện toàn phát triển, số lượng các hội viên của hội đoàn đã lên đến cả trăm người. Từ đây, không khí chuẩn bị khởi nghĩa bắt đầu trào dâng khắp xã.
8

         Sự nổi dậy mạnh mẽ của người dân Kim Bồng hòa chung không khí hào hùng, sôi động của phong trào cách mạng người dân xứ Quảng, đến 6h ngày 18/8/1945, Tỉnh trưởng bù nhìn Tôn Thất Giáng buộc phải giao nạp ấn tín, tài liệu, sổ sách, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền phong kiến, tay sai tỉnh Quảng Nam đóng tại Hội An, cuộc khởi nghĩa được thành công triệt để. Hội An trở thành một trong bốn tỉnh lị giành được chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước, góp phần quan trọng vào sự thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc.

           Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa làng Kim Bửu cũng là một trong những cơ sở cách mạng quan trọng của Thị uỷ Hội An. Vào tháng 6/1955, hòa cùng phong trào đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ ở thị xã Hội An, cán bộ cách mạng Cẩm Kim đã vận động hàng trăm người đến tại Đình Tiền Hiền, Chùa Kim Bửu, Nhà thờ tộc Phan Xuân… ký tên vào các bảng kiến nghị yêu cầu chính quyền miền Nam thực hiện hiệp định Giơ-ne-vơ, tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.
9

           Trong thời gian chính quyền Mỹ ngụy thực hiện chiến tranh cục bộ ở miền Nam, từ 1965-1967 Đảng bộ xã Cẩm Kim đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, phát triển lực lượng. Công tác vũ trang phát triển, đạt được nhiều thành tích lớn từ các đợt đánh đồn địch, phục kích tàu địch trên sông, chống địch càn quét vào vùng giải phóng. Vào một buổi sáng tháng 4/1965, du kích xã phối hợp cùng bộ đội Thị xã mai phục tại bến đò chùa Kim Bửu, chờ thuyền lính nghĩa quân Cẩm Kim đến gần, quân ta nổ súng, bắn chìm đò, diệt gọn một trung đội địch, trong đó có một thiếu úy. Chiến công này khiến cho quân địch trở nên dao động hơn khi hành quân vào Cẩm Kim.

           Bước sang năm 1967, địch thường xuyên truy lùng, càn quét, bắn phá bằng không quân, hải quân vào vùng giải phóng, vùng tranh chấp, mở rộng chiếm đóng, khiến cho hoạt động kháng chiến của quân dân Cẩm Kim từ tháng 10, 11/1967 hết sức khó khăn. Vì vậy chính quyền cách mạng phải chuyển sang hoạt động bí mật vào ban đêm. Trong thời gian này chùa Kim Bửu là trụ sở hoạt động chính vào ban đêm để đảm bảo an toàn cho quân dân xã Cẩm Kim. Cũng trong thời gian này, vùng phía Bắc và Đông Hội An bị đánh phá ác liệt, nhiều bộ đội thị xã cũng tập trung về đây đóng trú.

          Trong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - ngụy (1969-1975), khu vực xung quanh chùa Kim Bửu cũng là một trong những địa điểm phục kích địch của ta. Tại đây, vào tháng 7/1969 quân dân Cẩm Kim dùng lựu đạn diệt một tiểu đội Mỹ, phá hủy hệ thống liên lạc của chúng. Đây là trận đánh Mỹ thu được thắng lợi trên địa bàn xã nhà, tạo nên tâm lí phấn khởi cho người dân.

            Đầu năm 1974, du kích xã tiếp tục phát huy thế chủ động, mở nhiều cuộc tấn công lớn vào quân địch. Tiêu biểu là trận đánh vào tháng 4, đồng chí Nguyễn Đình Bán cùng 8 du kích mai phục xung quanh chùa Kim Bửu, khi lính biệt kích 706 đi càn ở các thôn về đến chùa, du kích tung lựu đạn, nổ súng, diệt 1 sĩ quan, 5 tên lính rồi rút lui an toàn. Sau đó du kích Cẩm Kim liên tục đánh các chốt điểm của địch khiến quân địch ở xã phải vất vả, lúng túng đối phó.

            Với vị trí địa lý hiểm trở, cùng những yếu tố thuận lợi về nhiều mặt nên di tích chùa Kim Bửu đã trở thành địa điểm hoạt động cách mạng của quân và dân Quảng Nam nói chung, Hội An - Cẩm Kim nói riêng trong các thời kỳ kháng chiến. Bên cạnh giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, di tích còn là địa chỉ đỏ quan trọng để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Xem tiếp

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây