Trước đây, khu vực này thuộc xã Cẩm Kim (
ngày xưa có tên gọi khác là Kim Bồng). Sông Thu Bồn là tuyến giao thông duy nhất để đi vào trung tâm Thị xã. Sau lũy tre làng dọc bờ sông là những ngôi nhà thấp thoáng cao thấp, địa bàn hiểm trở. Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, hàng năm vào mùa bão lụt, toàn xã chìm trong biển nước. Với vị thế như vậy, nơi đây đã trở thành một trong những nơi thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của thị xã Hội An, nhất là việc tổ chức các cuộc hội họp của quân giải phóng nhằm bàn bạc những việc trọng mật. Đặc biệt tại đây vào năn 1945, Ủy ban khởi nghĩa Hội An họp và quyết định ban bố lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An.
Giữa năm 1945, tình hình thế giới có những biến động sâu sắc. Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ở Đông Dương, quân đội Nhật mất tinh thần, hoang mang cực độ.
Trong nước lúc bấy giờ, chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim hầu như bị tê liệt. Trong khi đó, cả nước đã sẵn sàng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Tình hình đó đã tạo ra thời cơ ngàn năm có một cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Nhận định đúng tình hình, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 - 15/8/1945 ở Tân Trào đã phát động toàn dân khởi nghĩa. Trong lúc đó, ở Quảng Nam - Đà Nẵng, quân đội Nhật đã rút về tập trung chủ yếu ở Đà Nẵng, Hoà Vang, sân bay Thanh Quýt... Chính quyền bù nhìn tê liệt từ tỉnh đến xã.
Ở Hội An, đến ngày 17/8/1945, hoàn toàn không có quân đội Nhật. Số lính Nhật đóng ở các đồn Bảo An và đồn Cửa Đại cũng đã rút đi. Bộ máy chính quyền tay sai và tên tỉnh trưởng bù nhìn Tôn Thất Giáng cũng đang trong tình trạng hết sức hoang mang, dao động.
Nhận định điều kiện khách quan và chủ quan trong nước cũng như trong tỉnh đã chín muồi, thời cơ khởi nghĩa đã đến. Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hội An, nhân dân Hội An gấp rút chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi đã có đủ điều kiện. Trên cơ sở nhận định đó, Tỉnh ủy nhất trí quyết định phát động nhân dân trong toàn tỉnh dấy lên khởi nghĩa giành chính quyền và thành lập ngay Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Phe - tỉnh ủy viên được chỉ định làm trưởng ban khởi nghĩa Hội An.
Trong tình hình khẩn trương, ngày 16/8/1945, Thường trực ủy ban khởi nghĩa Tỉnh phân công 2 đồng chí Võ Toàn (
tức Võ Chí Công) và Phan Thị Nễ đến Hội An theo dõi và giúp đỡ công tác chuẩn bị khởi nghĩa.
Vào 17 giờ ngày 17/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Hội An họp tại nhà ông Huỳnh Đủ (
còn gọi là ông Râng), phía đông ấp Ngọc Thành xã Kim Bồng để bàn việc khởi nghĩa. Hội nghị gồm đầy đủ các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa và hai phái viên của Tỉnh. Đồng chí Lê Đức Hổ, tổ trưởng cơ sở trong đồn bảo an được mời về báo cáo tình hình, đồng chí Nguyễn Phe thay mặt Ủy ban khởi nghĩa báo cáo kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị phân tích cụ thể tình hình địch ở Hội An cũng như công tác chuẩn bị cho khởi nghĩa của ta đã đảm bảo nên các đại biểu tham dự Hội nghị hoàn toàn nhất trí, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An ngay trong đêm 17/8/1945, sớm hơn ngày đã định của Tỉnh là ngày 21/8/1945.
Cũng trong Hội nghị này, theo đề xuất của đồng chí Võ Toàn, Ủy ban khởi nghĩa đã giao cho đồng chí Trần Đình Tri đưa tối hậu thư cho Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng vào khoảng 18 giờ ngày 17/8/1945 yêu cầu giao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh và cử đồng chí Nguyễn Phe lên Tỉnh ủy và Thường trực Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đề nghị cho Hội An khởi nghĩa tối 17/8.
Trong lúc chờ đợi quyết định của Tỉnh, Ủy ban khởi nghĩa Hội An đã ra lệnh ngay cho các lực lượng cấp tốc chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa và thiết quân luật ở ấp Ngọc Thành. Vì thế, lệnh khởi nghĩa mới ra chiều 17/8/1945 nhưng lực lượng kháng chiến của ta đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Đúng 03h sáng ngày 18/8/1945 trống mõ ở xóm Ngọc Thành và các khu phố nổi lên. Đoàn quân khởi nghĩa từ Ngọc Thành, Xuân Lâm, Tu Lễ, Thanh Hà nối đuôi nhau rầm rập tiến xuống Chùa Cầu, đi qua các phố... Theo kế hoạch đã định, quân khởi nghĩa đã bao vây và chiếm đồn Bảo an. Tại đây cơ sở của ta đã mở toang cổng đồn và dẫn các đơn vị tự vệ vào chiếm đồn. Ta đã thu được 125 khẩu súng trường, một số súng ngắn và rất nhiều đạn dược. 05h sáng ngày 18/8, quân khởi nghĩa chiếm xong đồn Bảo an, sau đó bao vây toàn tỉnh trưởng, bắt tên tỉnh trưởng bù nhìn Tôn Thất Giáng giao nộp ấn tín, tài liệu, sổ sách. Cơ quan đầu não của Chính quyền tay sai ở Hội An sụp đổ, bộ máy hương lý bị khống chế. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An đã giành được thắng lợi hoàn toàn. 06 giờ sáng ngày 18/8/1945, nhân dân Hội An được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước dinh tỉnh trưởng, chứng kiến giờ phút thiêng liêng của ngày hội cách mạng lật đổ ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Hội An.
Có được thành công đó trước hết là do đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, đặc biệt là do sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Ủy ban khởi nghĩa Hội An đã tổ chức Hội nghị ở nhà ông Huỳnh Đủ để đưa ra quyết định khởi nghĩa ngay trong đêm 17/8/1945 nhằm tận dụng triệt để thời cơ “
ngàn năm có một”. Thành công của cách mạng tháng 8 đưa Hội An trở thành một trong bốn tỉnh lỵ giành chính quyền về tay nhân dân sớm nhất trong cả nước. Hiện con đường dẫn vào di tích đã được đặt tên là đường 18 tháng 8 để ghi dấu về sự kiện lịch sử quan trọng này.
Xem tiếp