Căn cứ địa cách mạng Xóm Chiêu

Thứ năm - 12/09/2013 21:13
Xóm Chiêu hay còn gọi là xóm Mồ Côi, dưới thời phong kiến thuộc ấp Tâm Chiếu, xã An Mỹ, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, nay thuộc khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, thành phố Hội An.
           Từ trung tâm thành phố Hội An theo đường Cửa Đại đi về phía Đông khoảng 2km đến ngã tư Cửa Đại - Lê Thánh Tông tiếp tục rẽ trái theo đường Lê Thánh Tông khoảng 800m là tới xóm Chiêu.  

           Trong kháng chiến chống Pháp, Xóm Chiêu có khoảng 30 hộ dân sinh sống. Đến kháng chiến chống Mỹ, xóm Chiêu cũng chỉ có khoảng hơn 40 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông tại vườn nhà. Khu vực này mặc dù có địa hình không mấy kín đáo bởi lẽ vùng đất này chủ yếu là khu đất vườn, chỉ trồng các loại cây lâu năm và hoa màu. Tuy nhiên, xóm Chiêu nằm ở vị trí trọng yếu nên được chọn làm “căn cứ lõm” bí mật của các lực lượng vũ trang thành phố Hội An. Xóm Chiêu nằm trên “tuyến giao thông mật” của con đường chuyển quân từ vùng Giải phóng của ta đến hậu phương địch ở nội ô Hội An (tuyến đường này đi từ vùng Đông Duy Xuyên vượt sông qua xã Cẩm Thanh đến xóm Chiêu tập kết rồi mới tiến vào nội ô Hội An). Có thể nói, đây là tuyến giao thông huyết mạch quyết định đến sự thắng lợi của các chiến dịch lớn của các lực lượng vũ trang thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam trong các cuộc kháng chiến.
 
xc

           Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954) bùng nổ, xóm Chiêu đã được lãnh đạo Thành ủy Hội An chọn làm Căn cứ cách mạng (căn cứ lõm), là địa bàn “rấm quân” chủ yếu của các lực lượng vũ trang Thành phố trước khi xuất kích, tiến đánh vào nội ô Hội An. Trong khoảng thời gian này, trong lòng đất của xóm Chiêu, bên dưới những vồng rau, bụi cây, nhân dân xóm Chiêu đã đào hàng chục công sự bí mật làm nơi nuôi giấu, che chở cho những đồng chí cán bộ cách mạng nằm vùng về đây hoạt động. Nhiều trận đánh lớn vào nội ô Hội An của lực lượng vũ trang Thành phố đều chọn xóm Chiêu làm căn cứ, nơi đặt sở chỉ huy Tiền phương. Trong số những trận đánh này, tiểu biểu có thể kể đến chiến công đánh vào tư thất bắt sống tỉnh trưởng bù nhìn và đồng bọn.

             Đêm 4-1-1949, đ­ược sự giúp đỡ của nhân dân Thành phố, trận đánh đã diễn ra đúng theo kế hoạch. Sở chỉ huy của ta được đặt ở xóm Chiêu, sau khi lực lượng vũ trang đã phân công, phối hợp chiếm lĩnh các vị trí trên trận địa, lực lượng xung kích từ xóm Chiêu theo hướng Trường Lệ đã tiến vào xóm Mới, sân bóng đá cũ ở khu vực Lạc Thiện (nay là khu vực tr­ường đại học Phan Châu Trinh) rồi chia làm hai mũi tiến quân. Mũi thứ nhất do đồng chí Phạm Phán - Thị đội tr­ưởng trực tiếp chỉ huy tiến đánh đồn nghè Thanh nhằm làm tiêu hao sinh lực và kiềm chế hỏa lực địch. Mũi thứ hai do đồng chí Phan Tình chỉ huy vượt lên trư­ớc cổng tòa Công sứ, luồn qua khu nhà dân, tập kết tại nhà Trợ Tân, số 26 Minh H­ương (nay là 38 Phan Châu Trinh), chia thành các tổ nhỏ tỏa ra các nơi, tiêu diệt các bót gác của địch, chặn đư­ờng chi viện bằng xe Jeep của bọn lính Lê dương.

          Một tổ xung kích gồm 3 ngư­ời do đồng chí Hồ Lý chỉ huy đánh lên ngã t­ư đư­ờng Hội An (nay là ngã tư  đ­ường Lê Lợi - Trần Phú) treo cờ Tổ quốc, cắt dây điện thoại, phá hệ thống điện đư­ờng. Một tổ xung kích khác do đồng chí Nguyễn Bằng chỉ huy đột nhập vào nhà số 24 Minh H­ương của Tống Khuyến bắt tên Lê Trọng Súy - Thư­ ký Tổng vệ ngụy. Tổ xung kích còn lại đ­ược giao nhiệm vụ bắt sống tỉnh trư­ởng gồm 5 ngư­ời, do đồng chí Nguyễn Diện chỉ huy đột nhập thẳng vào t­ư thất Hồ Ngận ở số nhà 11 Minh H­ương (nay là 61 Phan Châu Trinh). Tổ xung kích đọc lệnh của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Hội An bắt Hồ Ngận và cả tên Đặng Thống Phát - Trư­ởng phòng Lưu­­ trữ hồ sơ căn cư­ớc của ngụy và sau đó toàn đội rút lui an toàn. Đây là chiến công mở đầu, khích lệ cho đợt phá tề, trừ gian trong toàn tỉnh Quảng Nam. Với chiến công này, quân và dân Hội An vinh dự đ­ược Bác Hồ khen ngợi, và Bác đã gởi tặng quân và dân Hội An khẩu súng Cácbin có khắc tên Ngư­ời.
 
xc 2

           Bước sang những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xóm Chiêu một lần nữa lại là một trong những vùng căn cứ cách mạng quan trọng của Hội An. Vào thời điểm này, xóm Chiêu gần như nằm ngay trong lòng địch, vì cách xóm Chiêu về phía Tây Nam khoảng 1km là Chi khu Quân sự - Cơ quan quận lỵ Hiếu Nhơn, cách về phía Đông Nam khoảng 1km là cứ điểm quân sự Lăng Bà Tuấn (tại đây địch thường trực hai đại đội Mỹ - ngụy hỗn hợp), về phía Đông là cụm đồn cầu Phước Trạch, còn về phía Bắc khoảng 1km là thôn Trà Quế (từ năm 1967 đến 1969, một đại đội lính Nam Triều Tiên thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh đóng đồn tại đây). Thế nhưng bằng trí thông minh, sự khéo léo, lực lượng của ta đã xây dựng xóm Chiêu thành một “Căn cứ lõm” đảm bảo bí mật tuyệt đối, làm nơi trú quân an toàn để ta có thể triển khai đánh địch một cách thuận lợi. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Thành phố, Tỉnh và các đơn vị bộ đội, du kích địa phương đã được nhân dân xóm Chiêu hết lòng đùm bọc, nuôi giấu, bảo vệ.

          Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến (1954- 1964), trong tình thế cách mạng miền Nam nói chung bị địch đàn áp, khủng bố khốc liệt, nhiều cán bộ cách mạng của ta bị địch bắt giam cầm, giết hại dã man thì ở xóm Chiêu nhiều cán bộ cách mạng đã được nhân dân ngày đêm nuôi giấu, che chở, chờ thời cơ “đồng khởi” giành chính quyền về tay nhân dân.

            Từ sau cao trào “đồng khởi” giành chính quyền ở Hội An thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung đã chuyển sang một giai đoạn mới đầy thử thách, cam go. Xóm Chiêu lúc bấy giờ là một địa bàn “rấm quân” quan trọng, mang tính chất quyết định trong hầu hết các chiến dịch, các trận đánh lớn vào hậu phương địch tại Hội An của cả quân chủ lực và các lực lượng vũ trang địa phương.

           Có thể kể ra đây những chiến công, những trận đánh tiêu biểu như: Tấn công nhà lao Hội An giải thoát 1200 tù nhân chính trị bị địch giam cầm tại đây vào năm 1967; Đánh đồn Trà Quế diệt gọn một đại đội lính Nam Triều Tiên năm 1969; Hai lần tấn công san bằng Cơ quan quận lỵ - Chi khu quân sự quận Hiếu Nhơn chỉ trong năm 1969...

           Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, xóm Chiêu là nơi tập kết quân của Tiểu đoàn III - Mặt trận 4 tỉnh Quảng Đà. Xóm Chiêu trở thành hậu phương vững chắc đảm bảo công tác hậu cần đồng thời là bàn đạp để lực lượng vũ trang của ta tấn công tiến công vào các vị trí địch ở nội ô Hội An trong chiến dịch này.

           Xóm Chiêu cũng là nơi ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân và dân Hội An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu phải đến trận đánh vào ngày 01 tháng 02 năm 1968. Khoảng 6 giờ cùng ngày, một cánh quân Nam Triều Tiên mở cuộc càn quét lớn vào xóm Chiêu. Bộ đội Tiểu đoàn III - Mặt trận 4 Tỉnh, Đại đội 2 của Hội An và du kích Cẩm Châu được nhân dân tiếp tế tận tình đã bố trí trận địa, chiến đấu ngoan cường trong cả ngày, đẩy lùi các đợt tiến quân ồ ạt của địch, diệt hơn 100 tên, giữ vững trận địa. Bọn lính Nam Triều Tiên phải dương cờ Hồng thập tự xin lấy xác đồng đội và rút quân.

           Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xóm Chiêu là địa bàn đứng chân hoạt động cách mạng của Thành ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng thời cũng từ đây, nhiều chiến công vang dội không chỉ của quân và dân Hội An mà còn của tỉnh Quảng Nam đã được lập nên. Hiện nay, di tích là địa chỉ đỏ quan trọng góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Hội An anh hùng.

Xem tiếp

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây