Căn cứ cách mạng rừng dừa Bảy Mẫu

Thứ sáu - 30/08/2013 04:23
Rừng Dừa Bảy Mẫu hiện nằm ở thôn Thanh Tam Đông và thôn Thanh Nhứt xã Cẩm Thanh, cách trung tâm thành phố Hội An về phía Đông Nam khoảng 5km. Đây là nơi “hội thủy” của ba con sông lớn ở Quảng Nam đó là Thu Bồn, Trường Giang, Sông Cổ Cò trước khi đổ ra Cửa Đại. Với địa hình là một rừng dừa nước ngập mặn, kín đáo, sông nước bao bọc nên rất thuận lợi cho việc phát triển chiến tranh du kích. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thị ủy Hội An đã chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng để chiến đấu chiến thắng kẻ thù với nhiều chiến công vang dội.
              Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng du kích địa phương đã lợi dụng địa hình kín đáo của Rừng dừa Bảy Mẫu, tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ, đánh bại những trận càn của địch với qui mô hiện đại, có cả pháo binh, không quân yểm trợ. Tiêu biểu, năm 1948, thực dân Pháp dùng lực lượng bộ binh có sự yểm trợ của xe tăng tấn công vào Rừng dừa nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta. Lực lượng du kích địa phương đã bí mật, bám sát địch, dùng lựu đạn ném vào thùng xe làm cho bọn địch hoảng sợ, bỏ dở trận càn mà quay đầu rút về Hội An.    

                Nhiều lần càn quét bất thành, thực dân Pháp đã bắt nhân dân ở các xã đến phát quang, làm trắng khu vực Rừng dừa Bảy Mẫu nhằm làm cho lực lượng vũ trang của ta không còn nơi trú ẩn. Nhưng kẻ địch đã không đạt được ý đồ, chỉ sau một thời gian, rừng dừa lại phát triển xanh tươi. Nhiều lúc, trong thế không tương xứng về lực lượng, nhưng du kích địa phương đã dựa vào Rừng dừa đánh bại nhiều trận càn của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất.

             Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954, hiệp định Giơnevơ được ký kết, chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm đã tiếp quản Quảng Nam và chúng đã gây ra nhiều cuộc thảm sát đẩm máu như ở Vĩnh Trinh, Chợ Được. Tại Hội An, chúng đã tổ chức các đợt truy quét “Tố cộng, Diệt cộng” ngày đêm truy lùng Cộng sản. Trong giai đoạn khó khăn nhất của cách mạng, một lần nữa Rừng Dừa Bảy Mẫu trở thành nơi che chở, trú ẩn cho nhiều cán bộ cách mạng của Thị ủy Hội An và Tỉnh ủy Quảng Nam .
 
rung dua 01


              Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Rừng dừa Bảy Mẫu cũng đã trở thành căn cứ vững chắc, nơi che chở, bảo tồn lực lượng vũ trang của ta để chiến đấu chiến thắng kẻ thù. Và cũng trong khoảng thời gian này, Rừng dừa Bảy Mẫu lại gắn liền với những sự kiện lịch sử và những chiến công vang dội của quân và dân Hội An nói riêng và nhân dân Quảng Nam nói chung.

              Thực hiện chủ trương “diệt ấp” “phá kèm”, mở rộng vùng giải phóng của Tỉnh ủy Quảng Nam, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Hội An, đêm 27/9/1964,  nhân dân Cẩm Thanh đã đứng lên nhất tề đồng khởi. Với kế nghi binh dùng súng bẹ dừa, hành quân rầm rộ, làm cho quân địch nhầm tưởng bộ đội chủ lực về giải phóng Cẩm Thanh. Trong thế địch hoang man, hốt hoảng, quân ta đã đánh úp đồn phòng vệ dân sự của địch, bắt gọn 1 trung đội nghĩa quân và nhiều tên ác ôn đưa ra trước đồng bào xét xử, tuyên bố giải phóng hoàn toàn Cẩm Thanh. Chiến thắng nhanh chóng của cuộc “đồng khởi” bằng súng bẹ dừa, “mang hơi thở  Rừng dừa Bảy Mẫu” đã đi vào lịch sử cách mạng của quê hương Hội An như một huyền thoại.
 
Đứng lên bằng súng bẹ dừa
Quê ta đồng khởi Mỹ thua nguỵ nhào”.
 
              Bắt đầu từ năm 1965, chủ trương của ta phát động phong trào xây dựng làng chiến đấu và các căn cứ cách mạng nhằm chuẩn bị tinh thần chống lại các trận càn quét của địch. Dọc theo 2 tuyến Rừng dừa Bảy Mẫu, hệ thống hầm, hố, chướng ngại vật cản đường, hệ thống giao thông hào, các lớp hàng rào bằng nhiều loại vật liệu cũng được xây dựng trên các lối vào thôn xóm, các bãi chông tre, hầm chông đủ loại, bãi chông chống máy bay, đang sẵn sàng ngăn bước tiến của quân thù vào vùng giải phóng Cẩm Thanh. Phía Bắc của Rừng dừa, căn cứ xã Tiếp cũng được xây dựng, xa hơn là hệ thống phòng thủ từ xa của Thị đội Hội An. Ở phía Nam, các chốt điểm khu vực nhà bà Mận cũng được xây dựng, trở thành những điểm trú quân và chặn đánh địch từ phía Nam. Các chốt điểm này được xây dựng thành hệ thống phòng thủ của ta có qui mô tương đối lớn có cả các hầm chống pháo, xưởng chế tạo vũ khí, nhà hậu cần, các láng trại trú quân, hầm bí mật ...  Các công trình này được xây dựng bán kiên cố, được nguỵ trang kĩ lưỡng để chống các trận không kích của địch. Những địa điểm đóng quân của ta đều giáp với Rừng dừa Bảy Mẫu, tạo điều kiện đảm bảo để lực lượng của ta rút lui an toàn trong những tình thế cấp bách. Với cách bố trí quân và các công trình quân sự như vậy, quân ta dễ phòng thủ và có thể lợi dụng sự kín đáo của rừng dừa tổ chức các trận tập kích bất ngờ nhằm tiêu hao sinh lực địch.

               Năm 1966, sau khi Mỹ đưa quân vào miền Nam, chúng bắt đầu tiến hành các cuộc càng quét với qui mô lớn vào vùng giải phóng Cẩm Thanh. Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những mục tiêu mà địch đặt ra. Vào ngày 13/6/1966, sau khi nã pháo tới tấp vào vùng giải phóng Cẩm Thanh, địch đã huy động 4 đại đội hỗn hợp Mỹ nguỵ gồm 1000 tên, 28 lược máy bay trực thăng đổ quân, tiến vào đánh phá vùng giải phóng Cẩm Thanh và khu vực Rừng dừa. Ngoài lực lượng bộ binh được trang bị vũ khí hiện đại, địch còn có sự yểm trợ của 5 thuyền máy gắn đại liên và sự hỗ trợ pháo tầm xa của các đồn lân cận. Sau ba ngày chiến đấu dằn co giữa ta và địch, lợi dụng sự che chở của rừng dừa, quân ta tổ chức nhiều đợi phản kích gây cho địch nhiều tổn thất, bẻ gãy trận càn quét lần này của địch.

              Liên tiếp từ tháng 10 - 1966 về sau, địch tổ chức các chiến dịch “Bình Thanh”, sau các trận càn quét lớn, địch đốt tất cả các nhà dân, bắt nhân dân ở khu vực tiếp giáp với Rừng dừa về các khu trại tập trung nhằm thực hiện ý đồ “Tát nước bắt cá. Trong thời điểm ác liệt này, lực lượng du kích địa phương và bộ đội Thị xã đã mất đi hậu phương, nên phải tự túc lương thực thuốc men. Và một lần nữa Rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành mái che vững chắc cho lực lượng cách mạng, sau những trận chống càn, những lúc yên tiếng súng, bộ đội và du kích lại đánh bắt cá, tôm trong rừng dừa nước để tự túc lương thực trong những tháng ngày khốn khó, tiếp tục chiến đấu chiến thắng quân thù.
 
ct 1

            Tháng 9 - 1967, lực lượng du kích địa phương và bộ đội thị xã Hội An đã ngâm mình trong Rừng dừa nước, mở những trận tập kích xuất quỹ nhập thần, tiếp tục bẻ gãy một trận càn quét lớn của địch có không quân, pháo binh và hải thuyền của duyên đoàn 14 hải quân yểm trợ. Từ đây, Rừng dừa Bảy Mẫu đi vào lịch sử quê hương như một khu tử địa, làm mồ chôn thây giặc.

            Từ những năm 1967, cho đến ngày Hội An toàn thắng, Rừng dừa Bảy Mẫu đã trở thành nơi trú ẩn an toàn, nơi bảo tồn lực lượng cách mạng của thị xã Hội An, làm cho Cẩm Thanh trở thành bàn đạp quan trọng của phía Đông để quân ta xuất kích, tiến đánh nội ô Hội An, với những trận thắng lẫy lừng, góp phần cho Hội An hoàn toàn giải phóng, kết thúc 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
ct 2

            Cho đến hôm nay, mặc dù các công trình phòng thủ, chiến đấu của ta ở Rừng dừa Bảy Mẫu không còn nữa nhưng những cây dừa với sức sống mãnh liệt vẫn phát triển xanh tươi  như hiện hữu, ghi dấu những chiến tích hào hùng của quân và dân Hội An trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Rừng dừa Bảy Mẫu là nơi thể hiện trí thông minh, sáng tạo của quân và dân ta trong việc lợi dụng địa hình, địa vật để xây dựng căn cứ địa cách mạng chiến đấu, chiến thắng kẻ thù, lập nên những chiến công tiêu biểu cho phương châm đánh giặc: “Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít thắng nhiều”.

Xem tiếp
         

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây