Trong những năm qua, với sự quan tâm của thành phố, cơ quan chuyên môn, các địa phương, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đối với bộ phận di tích này đạt nhiều kết quả. Tất cả các di tích đã được lập hồ sơ khoa học, trong đó đã có 15 di tích đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh, 06 di tích được ghi vào danh mục kiểm kê của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2024. Công tác dựng bia, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ cũng được xúc tiến trong nhiều năm qua. Đã có 46 di tích được dựng bia lưu niệm với 03 hình thức: Bia ngoài trời (22 di tích), bia gắn tường (14 di tích) và bia cột mốc (10 di tích). Công tác chăm sóc thường xuyên các bia di tích cũng được các cấp quan tâm nhiều hơn. Lực lượng đoàn viên thanh niên các địa phương có nhiều đợt dã ngoại tuyên truyền về di tích nhân các ngày kỉ niệm lớn. Đặc biệt trong năm 2019, Chi đoàn Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa phối hợp với Thành đoàn Hội An biên soạn, phát hành cuốn “Sổ tay địa chỉ đỏ” giới thiệu thông tin về 18 di tích để giúp cho các cơ sở đoàn sử dụng làm tài liệu tuyên truyền. Trong công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo, một số di tích trọng điểm đã được quan tâm đầu tư với hoạt động phát huy, trong đó tiêu biểu nhất là di tích nhà Đức An ở phường Minh An. Các di tích quan trọng khác như nhà lao Hội An ở phường Sơn Phong đã và đang trong quá trình thực hiện dự án đầu tư; di tích Rừng dừa Bảy mẫu ở xã Cẩm Thanh và di tích Cây Thông Một ở phường Tân An cũng đã có chủ trương lập dự án đầu tư trong thời gian đến; qua đó hứa hẹn sẽ sớm hình thành các điểm tham quan mới có sức lôi cuốn, đồng thời hình thành các tuyến kết nối tạo nên một hệ thống điểm tham quan về chủ đề di tích cách mạng ở Hội An.