Di tích khảo cổ học Bãi Làng tại xã Tân Hiệp, thành phố Hội An được phát hiện và đào thám sát vào năm 1997 và năm 1998, khai quật năm 1999. Những hiện vật phát hiện tại di tích đã minh chứng đây là điểm dừng chân, trao đổi hàng hóa của các thương thuyền quốc tế thời kỳ Champa từ thế kỷ VIII-X. Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa và khoa học, năm 2006, di tích khảo cổ học Bãi Làng được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Nhằm làm sáng tỏ thêm những giá trị của di tích, từ ngày 21-27/8 vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa - Nhật Bản, Bảo tàng Quảng Nam và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiếp tục khai quật di tích khảo cổ học Bãi Làng tại xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Trên diện tích 4m
2 của hố khai quật, đoàn khai quật đã phát hiện được nhiều hiện vật là mảnh vỡ của đồ gốm, gạch Chăm, gốm Đường, gốm và thủy tinh Islam, hạt chuỗi,… Qua kết quả đợt khai quật lần này đã một lần nữa khẳng định vị trí, tầm quan trọng của di tích khảo cổ học Bãi Làng nói riêng, đảo Cù Lao Chàm nói chung trong con đường thương mại biển giai đoạn thế kỷ VIII-X thuộc thời kỳ Champa.
Đoàn khảo cổ học tham gia khai quật tại Cù Lao Chàm - Hội An