Nhằm nâng cao sự hiểu biết về lịch sử văn hóa Hội An đối với học sinh, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa Hội An trong tương lai, đồng thời gắn kết nội dung giảng dạy tại nhà trường với bảo tàng, di tích, tạo cho các em chủ động tìm hiểu, yêu mến di sản.
Được sự thống nhất của UBND Thành phố, năm 2014 Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huyGiá trị Di sản Văn hóa tại Hà Nội xây dựng Đề án Giáo dục Di sản trong học đường ở Hội An và UBND Thành phố đã ra Quyết định phê duyệt đề án vào ngày 25/11/2014. Tháng 8 năm 2015, lớp tập huấn đầu tiên được tổ chức do chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa tại Hà Nội vào giảng dạy cho nhóm biên soạn tài liệu là những cán bộ của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và Phòng Giáo dục & Đào tạo Hội An. Từ kinh nghiệm học tập tại lớp tập huấn, nhóm biên soạn tài liệu đã xây dựng bộ tài liệu giáo dục di sản trong học đường dành cho lớp 1 và lớp 6.
Qua thời gian biên soạn, chỉnh sửa, đến nay bộ tài liệu này đã cơ bản hoàn thiện. Vào ngày 23/8/2017, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo Hội An tổ chức tập huấn cho các thầy cô giảng dạy khối lớp 1 Trường Tiểu học Phù Đổng và khối lớp 6 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy Hiệu để triển khai dạy thử nghiệm tại hai Trường này trong năm học 2017-2018. Bộ tài liệu gồm 2 chủ đề dành cho lớp 1 là “Em yêu và bảo vệ di tích Chùa Cầu”;“Chúng em khám phá di tích Chùa Cầu” và 3 chủ đề dành cho lớp 6 là “Nghề trồng lúa quê em”; “Sự sáng tạo trong cuộc sống của người xưa”; “Em yêu lịch sử cách mạng quê em”.
Nội dung tài liệu là chọn hiện vật, di tích làm đối tượng truyền tải thông tin với phương pháp tương tác giữa giáo viên, cán bộ giáo dục di sản với học sinh để các em phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiểu biết kỹ hơn về di sản, từ đó góp phần hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản trong các em học sinh./.