Nguyễn Đức Minh và chuyện xưa kể lại

Thứ năm - 03/06/2021 03:41
Tôi gặp lại thầy Nguyễn Đức Minh sau một thời gian dài kể từ lúc ông về hưu. Theo thói quen tôi vẫn thường gọi ông là thầy vì có một thời gian ông dạy văn tại trường Trần Quý Cáp nơi tôi theo học năm cấp III. Ông có phần mập hơn hồi xưa nhưng giọng nói vẫn sang sảng, và nụ cười thì vẫn cứ phớt đời như ngày nào. Lâu rồi thầy trò gặp gỡ, say chuyện ông dắt tôi trở về những tháng ngày xưa cũ.
 
TCT 45194 01

Nguyễn Đức Minh và Kazik. Ảnh nhân vật cung cấp
 

1. Sinh năm 1951 tại Quảng Ninh, chàng trai trẻ Nguyễn Đức Minh cứ ngỡ rằng cuộc đời mình rồi sẽ bình lặng khi theo học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nào ngờ mới học sang năm thứ 2, chiến tranh leo thang ác liệt ở miền Bắc khiến sinh viên tại trường phải sơ tán lên vùng Phổ Yên, Bắc Thái. Tại đây ông tiếp tục theo học Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

Sau khi tốt nghiệp đại học ông nhận lệnh nhập ngũ, điều động vào khu V, làm việc tại tạp chí văn nghệ “Quân giải phóng Trung Trung bộ”, phụ trách biên tập và in ấn tạp chí. Đầu năm 1975 ông được bổ sung về thê đội dự bị, lữ đoàn 52 và đi theo cánh quân này từ Quảng Nam vào Sài Gòn. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất ông được điều về lại Quân khu V làm tại Ban Tổng kết chiến tranh, chuyên ghi chép lại chiến lệ của các đơn vị trở về báo công.
 

TCT 45194

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Minh. Ảnh nhân vật cung cấp

Đất nước hòa bình, Nguyễn Đức Minh có ý định xuất ngũ về quê, thì gặp nhà văn Nguyên Ngọc vào Quảng Nam, mở “Trại sáng tác văn nghệ Quân khu V” và giữ ông lại làm việc tại trại sáng tác.

Đến đầu năm 1976 ông xin ra khỏi quân đội. Dường như số phận đã chọn lựa ông ở lại mảnh đất Quảng Nam nên xui khiến cho ông gặp ông Nguyễn Đình An lúc đó đang làm ở Ban Tuyên giáo Quảng Đà.

Biết Nguyễn Đức Minh đã tốt nghiệp đại học sư phạm, ông An gợi ý cho ông ở lại dạy học tại đây. Ông An còn ưu ái, cho phép ông Minh được tự chọn dạy ở Đà Nẵng hay ở Hội An. Thế là Nguyễn Đức Minh chọn về Hội An.

Nhớ lại duyên lành với Hội An, ông Minh cười: “Tôi chọn Hội An do thị xã lúc đó rất yên tĩnh, hợp với dự tính sẽ viết sách của tôi. Thực ra, có một lý do sâu xa hơn, là lúc đó tôi đang yêu một cô gái Hội An, người sau này trở thành vợ tôi, nên tôi chọn nơi này”. Kể từ đó Nguyễn Đức Minh bắt đầu nhận Hội An là quê hương thứ hai của mình.
 

TCT 45194 02
Nguyễn Đức Minh và giới chức Hội An tham dự một hội thảo tại Nhật Bản. Ảnh nhân vật cung cấp


Tại Hội An, Nguyễn Đức Minh được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Hội An khóa II. Lúc đó, phòng Văn hóa thông tin Hội An lại đang thiếu cán bộ có bằng cấp đại học để quản lý, nên giới chức tại đây tìm cách đề nghị với Ty Giáo dục Quảng Đà cho phép ông chuyển sang ngành văn hóa thông tin.

Thời ấy Ty Giáo dục cũng thiếu nhân sự có bằng đại học, nên ban đầu họ không đồng ý, sau đó thấy Hội An cần hơn nên họ cho phép ông chuyển ngành. Nguyễn Đức Minh được cử theo học lớp tập huấn “Quản lý văn hóa thông tin cấp huyện” và được  điều về làm Phó phòng Văn hóa thông tin thị xã Hội An.

2. Cương vị mới đã tạo điều kiện cho Nguyễn Đức Minh có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa Hội An. Nhờ vậy đến năm 1982, lúc kiến trúc sư Kazik về Hội An, ông đã kịp tích lũy được nhiều kiến thức về khu phố cổ, tạm đủ để hướng dẫn Kazik tìm hiểu về Hội An trong thời gian đầu.

Sau khi Kazik rời đi, nhận thấy một cơ hội mới sẽ đến với Hội An, giới chức tại đây nhanh chóng thành lập bộ phận Bảo tồn Bảo tàng trực thuộc Phòng Văn hóa thông tin. Một thời gian sau, bộ phận này được tách ra để thành lập Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An, Nguyễn Đức Minh được đề cử làm trưởng ban phụ trách phần nghiệp vụ chuyên môn phục hồi di sản văn hóa.

Thời điểm này ông cũng được cử theo học lớp “Đào tạo chủ nhiệm nhà văn hóa cấp huyện” tại Thủ Đức. Đến lúc trở về ông lại cùng các đồng nghiệp trẻ như Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Thanh hỗ trợ, hướng dẫn các đoàn của Bộ Văn hóa làm hồ sơ di sản, và Hội An được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia vào năm 1985.

Sau đó, tình cờ ông nhận được tin tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương thành lập nhà văn hóa. Ông trình bày ý định với chính quyền và được sự đồng thuận. Thế là Nhà Văn hóa Hội An nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động, Nguyễn Đức Minh được giao kiêm chức chủ nhiệm.

Nguyễn Đức Minh nhớ lại: “Kể từ đây những chuyện bi hài bắt đầu xảy ra với tôi. Thấy phong trào văn nghệ đang rất mạnh ở Hội An nên tôi lên ý tưởng thành lập một đoàn văn nghệ đi biểu diễn khắp các địa phương trong tỉnh. Chưa kịp mừng vì đoàn ca nhạc được các địa phương hoan nghênh chào đón thì sóng gió nổi lên.

Thông thường anh em văn nghệ đi biểu diễn phải có bồi dưỡng, nhưng quy định bồi dưỡng lúc đó lại quá thấp, làm họ nản lòng. Để giữ phong trào, tôi tìm đường hỗ trợ anh chị em nghệ sĩ bằng cách ghi thêm các suất ăn vào biên lai thanh toán của đoàn, rồi chi ngược lại bằng tiền mặt để họ có thêm tiền son phấn hóa trang. Nào ngờ có ai đó tố cáo đến Thị ủy, tranh cãi giải thích mãi không được, tôi đành nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo vì vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính”.

Chuyện rắc rối vừa xong, Nguyễn Đức Minh lại lao vào công việc. Nghe tin ông Nguyễn Mè tại Cẩm Thanh còn giữ được bộ trang phục múa hát bả trạo có từ thời vua Bảo Đại, Nguyễn Đức Minh cùng đồng nghiệp xin phép chính quyền địa phương, phối hợp cùng người dân Cẩm Thanh tổ chức lại lễ hội hát múa bả trạo.

Chương trình thành công ngoài mong đợi, hàng loạt tư liệu cũng như hình ảnh đã được ghi lại và lưu trữ nhằm mục đích bảo tồn và khôi phục một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc bản địa.

Thế nhưng niềm vui rồi cũng không trọn vẹn khi có một lá đơn với 32 chữ ký của các cán bộ hưu trí gửi đến Thị ủy, yêu cầu xem xét tư cách đảng viên của ông, với lý do ông tổ chức lại những hình thức mê tín dị đoan đã bị cấm(!). Nguyễn Đức Minh chới với, may là chương trình đã được cấp phép và các giới chức cũng hiểu mục đích của công việc nên sự việc cũng trôi đi nhanh chóng.

3. Hơn nửa đời người gắn bó với công tác bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Nguyễn Đức Minh cùng lứa đồng nghiệp tài năng như Nguyễn Chí Trung, Trần Văn An, Trần Ánh, Trần Văn Nhân làm việc cật lực để sưu tầm, nghiên cứu và lưu giữ những tư liệu quý giá của văn hóa Hội An.

Những bộ tư liệu đầy giá trị được họ thực hiện trong nhiều năm trở thành nền tảng để làm hồ sơ di sản trình lên UNESCO, và công lao của họ cũng đã được đền đáp xứng đáng khi Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Bằng những kiến thức thu thập được trong một đời làm công tác văn hóa, nhiều bài viết của ông cùng đồng nghiệp đã được xuất bản thành sách, đăng trên báo chí cũng như các tạp chí chuyên ngành.

Những tư liệu nghiên cứu của ông cùng đồng nghiệp cũng là nền tảng để lớp đi sau phát huy trọn vẹn các giá trị của văn hóa Hội An, phục vụ  cho sự phát triển của thành phố di sản.

“Anh Minh là một mẫu người năng động, anh rất chịu khó học hỏi, sưu tầm và tham gia tích cực vào những công việc tại Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Phải ghi nhận trong gần cả đời làm việc tại đây những đóng góp của anh là rất lớn” - xin được mượn lời của ông Nguyễn Chí Trung - nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An, một đồng nghiệp sát cánh với ông hơn ba mươi năm để nhắc về Nguyễn Đức Minh, một chàng rể suốt đời gắn bó với Hội An.

 30/05/2021 09:00 | QUẢNG NAM ONLINE


 

Tác giả: TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây