Quy chế bảo vệ Khu phố cổ Hội An: Công cụ quan trọng để bảo vệ di sản

Thứ năm - 08/07/2021 00:13
Để đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An trong giai đoạn mới, ngày 18.12.2020, UBND tỉnh có Quyết định số 19 ban hành “Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An”, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Đây là công vụ hữu hiệu để bảo vệ di sản Hội An.
TNB 45760
Khu phố cổ Hội An cần được bảo vệ. Ảnh: Đ.H

Nội dung của quy chế này là sự tích hợp nội dung của các quy chế do UBND TP.Hội An ban hành trước đây. Ngoài phần những quy định chung và quy định về tổ chức thực hiện, nội dung chính của quy chế quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng và nguyên tắc hoạt động bảo vệ; hoạt động tu bổ, xây dựng; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức tham quan, dịch vụ du lịch; hoạt động kinh doanh, trưng bày, quảng cáo; trật tự an toàn và quản lý tác động rủi ro; thủ tục thực hiện quy định bảo vệ; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan nhà nước, tổ chức, các cá nhân tham gia bảo vệ Khu phố cổ Hội An.

Phần phụ lục của Quy chế gồm sơ đồ khoanh vùng bảo vệ Khu phố cổ Hội An; quy định công tác tu bổ trong khu vực IIA; ngành, nghề không được phép sản xuất, kinh doanh trong khu phố cổ; nhóm, nghề khuyến khích phát triển trong khu vực I, IIA.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho rằng quy chế này có ý nghĩa và có vai trò rất quan trọng vì đó là thành quả trong quá trình vận động pháp lý đối với một di sản văn hóa thế giới như Hội An, đồng thời đây cũng là một công cụ tối quan trọng để điều hành tất cả các khâu từ giữ gìn, bảo quản đến trùng tu, tu bổ và quản lý; kể cả vấn đề kỹ thuật đến dân sinh để Khu phố cổ Hội An vừa được bảo tồn vừa phát huy được giá trị di sản phù hợp với cuộc sống hiện nay.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên và then chốt, ngày 11.3.2021, UBND TP.Hội An ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến “Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An” để các tầng lớp nhân dân và các đối tượng liên quan nắm bắt, thực hiện.

Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, đối tượng áp dụng của quy chế này phần lớn là cư dân trong khu phố cổ nên đưa nội dung quy chế đến với cộng đồng cư dân là việc hết sức quan trọng.

Theo kế hoạch, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã in ấn, xuất bản hơn 1.000 bản sách về quy chế này. Ngoài nội dung của quy chế, tập sách còn giới thiệu nội dung hướng dẫn thủ tục cấp phép tu bổ di tích, cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí tu bổ di tích tư nhân, tập thể trong khu phố cổ. Hiện nay trung tâm đang triển khai đợt tuyên truyền, phổ biến quy chế tại các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, Cẩm Nam và Nghiệp đoàn xích lô Hội An.

Bà Lê Thị Mộng Nga (người dân ở số nhà 665/12, đường Hai Bà Trưng, phường Minh An) sau khi được nghe phổ biến nội dung quy chế, cho biết: “Chúng ta cần bảo vệ khu di sản phố cổ để nó sống mãi trong lòng những người dân và du khách khi đến với Việt Nam nói chung và Khu phố cổ Hội An nói riêng” - bà Nga nói.

Còn bà Quảng Kim Thanh - Trưởng khối phố An Thái, phường Minh An cho rằng, quy chế đã quy định rất rõ về vai trò, trách nhiệm của người dân và các cấp quản lý trong công tác bảo tồn di sản.

“Quy chế được ban hành như là định hướng để người dân biết được những hành vi nào nên làm, những hành vi nào không được làm. Chúng tôi cảm thấy như có thêm con đường đi sáng rõ để giữ gìn và bảo tồn tốt Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An” - bà Thanh nói.

Tác giả: ĐỖ HUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây