ĐIỂM TỰA CHO ĐẢO NGỌC
Kế thừa nền tảng đã định hình lâu nay đồng thời định hướng lại không gian phát triển bằng tầm nhìn mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế là nội dung bao quát của quy hoạch phân khu xây dựng xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An).
Phát triển tổng hòa kinh tế biển
Từ tháng 4.2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép tổ chức lập quy hoạch xây dựng Cù Lao Chàm. Khoảng 7 năm qua là giai đoạn phát triển nóng của Cù Lao Chàm.
Do đó, lập quy hoạch phân khu xã đảo Tân Hiệp là một yêu cầu bức thiết. Dự thảo quy hoạch phân khu xã đảo Tân Hiệp cơ cấu tổ chức không gian thành 7 khu vực trên diện tích gần 1.700ha.
Theo đó, khu trung tâm Bãi Làng; khu trung tâm Bãi Hương; khu khai thác du lịch sinh thái bờ tây; khu khai thác du lịch sinh thái bờ đông; khu rừng cấm xây dựng, các đảo du lịch Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai; các đảo tự nhiên Hòn Lá, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Ông... tùy theo vị trí, tính chất sẽ mang chức năng khu dân cư, trung tâm đón tiếp và du lịch cộng đồng; rừng tự nhiên quốc phòng; tham quan, du lịch sinh thái. Toàn bộ khu vực phía bắc Eo Gió và Hòn Dài được quy hoạch ưu tiên cho mục đích bảo tồn và quân sự.
"Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, điểm nhấn nổi bật của quy hoạch là không bố trí thêm loại hình lưu trú từ Bãi Làng đến trung tâm Bãi Hương, ngoại trừ khu du lịch sinh thái biển khoảng 26ha đã hình thành. Ở khu vực bờ đông Hòn Lao, chỉ hình thành hệ thống điểm dừng chân, trải nghiệm và không bố trí lưu trú, các công trình xây dựng không quá 3 tầng đồng thời phải cân nhắc đến kiến trúc chủ đạo, cả về vật liệu, hình dáng chứ không thể xây dựng tùy tiện."Tại Bãi Làng sẽ hình thành trung tâm đón tiếp du lịch, xây dựng bảo tàng gốm sứ mậu dịch Cù Lao Chàm, mở rộng diện tích bãi tắm Bãi Ông, hình thành vườn ươm Cù Lao Chàm, công viên chuyên đề cánh đồng Chùa.
Tại Bãi Hương, định hướng chính là tu bổ, tôn tạo các di tích; cải tạo các khu dân cư cũ, khai thác homestay đồng thời hình thành khu dân cư mới, phát triển trang trại vườn rừng kết hợp du lịch.
Hiện nay, nhiều dự án góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế biển, bảo tồn môi trường Cù Lao Chàm có sự phối hợp với các tổ chức phi chính phủ đang được triển khai.
Có thể kể đến như dự án “Áp dụng mô hình quản lý không rác thải trong quản lý rác thải tại Cù Lao Chàm” của quỹ môi trường Thái Bình Dương (Pacific Inviroment), dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương của WWF, “Chương trình cộng đồng đại dương” do Quỹ nghiên cứu thách thức toàn cầu Vương quốc Anh (GRCF) tài trợ…
Kiểm soát kiến trúc, cảnh quan
Theo quy hoạch, không gian Cù Lao Chàm sẽ được tổ chức thành 5 trọng điểm gồm: Bãi Làng - Bãi Hương - Bãi Chồng - Hòn Dài - Hải đăng và 3 tuyến cảnh quan đường bờ tây, cung đường phượt bờ đông, du thuyền quanh đảo.
Theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, ranh giới lập quy hoạch thuộc phạm vi 4 đảo Hòn Lao, Hòn Tai, Hòn Dài, Hòn Mồ. Nhưng theo đại diện Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam - đơn vị tư vấn lập đồ án quy hoạch, để đảm bảo các giải pháp tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật mang tính tổng thể, các nghiên cứu được thực hiện trong ranh giới toàn bộ 8 hòn đảo thuộc Cù Lao Chàm.
Các dự án xây dựng mới phải cách bờ biển tối thiểu 100m và đảm bảo các bãi biển được sử dụng công cộng. Chuyển đổi công năng các công trình đã xây dựng phục vụ lưu trú sang mục đích nghiên cứu, bảo tồn biển tại Bãi Bấc, phục vụ mục tiêu bảo tồn rùa biển.
Cáp treo cùng các cầu tàu kiên cố cũng không nằm trong quy hoạch để giảm thiểu biến động môi trường tự nhiên xã đảo. Về quy hoạch sử dụng đất, không bố trí đất du lịch nghỉ dưỡng lưu trú tại đảo mà ưu tiên các loại hình phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, điểm dừng chân, công viên chuyên đề… Trên thực tế, mật độ xây dựng ở Hòn Lao được đánh giá là đã tương đối dày đặc với 584 ngôi nhà.
Giải pháp quy hoạch thoát nước thải phân tán theo từng khu vực dân cư và từng khu vực phát triển dịch vụ du lịch phù hợp với địa hình xã đảo được đặt ra. Từ đó, ba khu vực dân cư sinh sống hiện nay ở Bãi Làng, Bãi Ông, Bãi Hương sẽ có hệ thống thu gom nước thải riêng, bố trí mỗi nơi 1 cụm bể xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Theo cao độ quy hoạch, để đảm bảo an ninh - quốc phòng, cao độ từ 150m trở lên không phát triển các dự án kinh tế - xã hội, cao độ từ 100 đến 150m hạn chế bố trí lưu trú, các công trình xây dựng kiên cố chủ yếu phục vụ chức năng tham quan, hoạt động ngoài trời, sinh hoạt cộng đồng.
Còn lại từ cao độ 100m trở xuống là các khu vực cho phép xây dựng, khai thác cho mục đích kinh tế. Phần mặt nước tùy theo tính chất cũng được chia thành 3 khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái và phát triển.
Vùng phát triển tiếp tục chia làm ba cấp độ phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội. Vùng phát triển du lịch tập trung các hoạt động du lịch có sự kiểm soát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển và nghiên cứu khoa học, vui chơi giải trí mang tính giáo dục cộng đồng. Vùng phát triển cộng đồng là phần đất trên cạn có cư dân sinh sống thuộc Hòn Lao.
Còn vùng khai thác hợp lý sẽ tổ chức khai thác nguồn lợi thủy sản và một số nghề phù hợp khác cải thiện sinh kế cộng đồng qua đó tạo vùng đệm an toàn bao bọc cho vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái.
THIẾT LẬP NỀN TẢNG DU LỊCH XANH
Ngoài mục tiêu nâng tầm thương hiệu của Cù Lao Chàm thì việc tăng “sức đề kháng” cho xã đảo khi tương tác với hoạt động du lịch cũng là yếu tố quan trọng khi lập quy hoạch. Đây là một trong số ít những điểm đến kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh để ngành du lịch “test” mục tiêu phát triển du lịch xanh.
Giảm dần du lịch đại trà, chất lượng thấp
Dự thảo quy hoạch phân khu xây dựng xã đảo Tân Hiệp đã xác định phương án phát triển Cù Lao Chàm trở thành trung tâm du lịch gắn với bảo tồn môi trường, cảnh quan và đa dạng sinh học sau khi cân nhắc bỏ qua một số phương án có thể thúc đẩy du lịch mạnh mẽ, sôi động hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay: “Cù Lao Chàm phải hướng đến du lịch chất lượng cao để hướng đến giảm dần du lịch mang tính đại trà, chất lượng thấp gây tổn hại đến các điều kiện phục vụ cư dân trên đảo. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng sản phẩm phù hợp với từng dòng khách khác nhau từ châu Âu, châu Á đến khách nội địa trong một không gian tương đối hẹp để tránh việc xung đột trong phân khúc khách hàng”.
Về băn khoăn kết nối du lịch đến Cù Lao Chàm từ địa phương khác trong vùng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, việc liên kết phát triển du lịch của các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhất là các tỉnh thành có đặc trưng về biển đảo khá tương đồng như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được bàn thảo rất lâu, khi thực hiện được sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Vấn đề còn lại là khai thác, kết hợp ra sao để đạt hiệu quả bền vững, đem lại lợi ích hài hòa cho các bên, trong đó có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp du lịch.
So với mặt bằng chung của nhiều đảo khác trên cả nước thì lượng khách lưu trú bình quân ở Cù Lao Chàm rất khiêm tốn (năm 2019 đạt gần 24 nghìn lượt). Đây từng là vấn đề trăn trở của cơ quan quản lý du lịch cũng như cộng đồng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, Cù Lao Chàm cần cân đối quy mô sức chứa tức thì lẫn lượt khách tối đa bởi 3 yếu tố tài nguyên hạn chế bao gồm hệ sinh thái rừng biển, nguồn nước và bãi tắm.
Theo ông Nguyễn Văn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, việc phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm không nên cứng nhắc mà cần linh hoạt theo kết quả quan trắc môi trường. Ngoài việc phát huy các giá trị hiện hữu ở bờ tây thì nên khai mở một số sản phẩm, dịch vụ mới ở bờ đông của Hòn Lao.
Khác biệt từ chuỗi dừng chân “xanh”
Chỉ trên một diện tích khiêm tốn, Cù Lao Chàm sở hữu hệ sinh thái động thực vật đặc thù đầy tiềm năng thúc đẩy du lịch xanh. Có thể xem điểm khởi đầu hành trình này là Bãi Bấc. Cuối Bãi Bấc là nơi đàn rùa biển trú ngụ và đẻ trứng. Vùng nước xung quanh khu vực này được đánh giá sở hữu rạn san hô đặc sắc bậc nhất trong khu dự trữ sinh quyển, hầu hết nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.
Mặc dù vậy, theo định hướng quy hoạch cơ cấu tổ chức không gian, trong tương lai nơi đây sẽ hình thành một điểm tham quan sinh thái lý tưởng với điểm nhấn là khu nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển.
Một điểm đến tiếp theo trên hành trình không những đang bị bỏ ngỏ mà còn bị tác động tiêu cực do nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua là Eo Gió. Theo bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ không còn rác thải nhựa và biến khu tập kết rác thải ở Eo Gió hiện nay trở thành một trung tâm giáo dục môi trường.
Khi đó, tại “công viên xanh” này, du khách không chỉ chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp thiên nhiên Cù Lao Chàm mà còn được chia sẻ về giá trị lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn trên đảo.
Dọc theo bờ đông tuyến đường quốc phòng quanh đảo còn có đàn khỉ rừng, cây đa di sản 700 tuổi, những cây ngô đồng, ngọn hải đăng… Tất cả đều đang được cơ quan chức năng tính toán quy hoạch thành một chuỗi điểm dừng chân liên hoàn phục vụ du lịch. Một số tuyến đường mòn trong rừng cũng được bố trí để phục vụ loại hình du lịch thám hiểm.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thông tin, thành phố đang nghiên cứu để triển khai các khu dừng chân, tham quan phù hợp với từng chủ thể. Tuy nhiên các khu vực này chỉ khuyến khích khách tham quan chứ không quy hoạch phát triển lưu trú vì điều kiện có phần khắc nghiệt, dễ tác động xấu đến môi trường tự nhiên về lâu dài.
ĐỂ CÙ LAO KHÔNG TỔN THƯƠNG
Phát triển tổng hòa nhiều mục tiêu trên một không gian có phần hạn chế không phải là dễ dàng. Lắng nghe chuyển động từ tự nhiên và nắm bắt băn khoăn từ cộng đồng là điều cần thiết.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, mỗi năm dân số tự nhiên ở Cù Lao Chàm giảm bình quân 0,5%/năm. Điều này được người dân địa phương lý giải một phần là do việc bí bách về nhu cầu đất ở. Nhu cầu về đất ở lớn, nhất là từ các gia đình trẻ trên đảo nhưng khó lòng đáp ứng khiến không ít người trẻ chọn giải pháp vào đất liền.
Hiện trạng sử dụng đất ở xã Tân Hiệp cho thấy, nhóm đất chưa sử dụng ở đây còn đến hơn 112ha, tuy nhiên đất đồi núi chiếm đến 104,5ha còn đất bằng chỉ còn khoảng hơn 8ha. Về lâu dài, kể cả khi đã tính toán điều chỉnh quy mô dân số thì bài toán đất ở cho cư dân bản địa sẽ tiếp tục khó có lời giải khi quy hoạch đất các nhóm nhà ở chỉ tăng từ 11,3ha lên 12,7ha.
Hiện nay TP.Hội An duy trì giới hạn lượng khách ra đảo khoảng 3.000 người/ngày. Theo nghiên cứu quy mô sức chứa tức thì và lượt khách tối đa theo ngày ở 9 bãi tại Tân Hiệp thì đơn vị tư vấn đánh giá ngưỡng tối đa để Cù Lao Chàm tiếp nhận mà không ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và giảm thiểu tác động đến môi trường vào khoảng 4.000 người/ngày.
Theo Sở NN&PTNT, việc quy hoạch phát triển khách lưu trú tăng từ 400 người hiện nay lên khoảng hơn 1.500 người/ngày vào năm 2030 cần có đánh giá, quy hoạch đồng bộ giữa cấp nước phục vụ du lịch tương ứng với lượng khách tăng thêm qua từng giai đoạn.
Thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô luôn là nỗi bất an của người dân địa phương trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, điều này sẽ căn bản được khắc phục khi tiến hành bán nước sinh hoạt cho người dân trong tương lai gần để kiểm soát tốt hơn lượng nước sử dụng, đồng thời các hồ chứa tiếp tục được lực lượng quân đội đóng chân trên đảo nâng cấp, xây mới.
Kết quả từ chương trình quan trắc, giám sát cho thấy, áp lực khai thác thủy sản tại Cù Lao Chàm vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Độ phủ trung bình thảm cỏ biển năm 2020 giảm đến 10,2% so với năm 2019, nguồn lợi sinh vật trong thảm cỏ biển suy giảm nghiêm trọng về cả thành phần loài lẫn mật độ cá thể.
PGS-TS. Đặng Văn Bài - nguyên Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, thái độ ứng xử văn hóa của chúng ta đối với lưu vực sông Thu Bồn, cảnh quan sinh thái đôi bờ Thu Bồn, hệ sinh thái vùng cửa sông Thu Bồn và cả hệ sinh thái ngoại vi Hội An cũng góp phần rất quan trọng vào việc bảo vệ môi trường sinh thái khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Bởi hệ sinh thái biển đảo và hệ sinh thái lục địa có vai trò kết nối, điều hòa cho nhau trong khi con người vừa là yếu tố sinh thái trong hệ thống vừa là tác nhân quyết định.
Một cơ sở thuận lợi cho quy hoạch phát triển Cù Lao Chàm là sự khớp nối cao của đồ án quy hoạch với Quy chế quản lý, phát triển du lịch tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, dự án bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm cũng như quy hoạch nông thôn mới xã đảo Tân Hiệp.
Do việc tổ chức không gian phát triển du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng như kinh tế xã hội còn ở mức độ hạn chế nên việc kế thừa và phát triển sẽ ít gặp các vướng mắc về lỗi quy hoạch. Các chương trình, dự án chi tiết để khớp nối dự án bao gồm: khu trài dân phía tây cánh đồng Chùa, khu dân cư mới tại Bãi Hương, nhà trú bão cho nhân dân, cải tạo và nâng cấp chợ Tân Hiệp, khu vệ sinh công cộng tại Bãi Ông, khu sinh thái biển Cù Lao Chàm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Ở vị trí tiền tiêu rất đặc biệt gắn với đô thị cổ Hội An thì việc khai thác phát triển du lịch đồng thời bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Cù Lao Chàm là nhiệm vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Do đó, quy hoạch phát triển Cù Lao Chàm lần này xác định tôn trọng các giá trị thiên nhiên, bảo tồn cảnh quan, điều kiện tự nhiên.
Ở khu vực này, cảnh quan môi trường, tài nguyên biển, hệ sinh thái rừng đan xen hài hòa với nhau nên Cù Lao Chàm đang lập đề án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, gắn với vùng cửa sông ven biển Cửa Đại trở thành một quần thể thống nhất có tính đa dạng sinh học cao”.
Tác giả: QUỐC TUẤN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn