Theo bà Diệp Ái Phương - cháu chủ nhà cổ Quân Thắng, mặc dù chưa nhận được quyết định chính thức từ thành phố, nhưng với thông tin được hỗ trợ số tiền trên sẽ giúp gia đình trang trải một phần chi phí. “Mở cửa vậy thôi chứ thời gian dịch bệnh này ít khách lắm, có khi cả ngày không có khách ghé thăm nên đời sống gia đình cũng rất khó khăn” - bà Phương cho biết.
So với một số điểm tham quan khác, nhà cổ Quân Thắng nằm tương đối xa các điểm tham quan chính nên du khách ít ghé thăm. Trước dịch Covid-19, khách tham quan chủ yếu người nước ngoài, thời điểm này càng khó khăn hơn do khách Việt ít vào thăm nhà cổ.
Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh (khóa IX) vừa qua, UBND tỉnh có báo cáo đề xuất HĐND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho mỗi chủ di tích tư nhân khu vực phố cổ Hội An (có tên trong ô vé tham quan) mỗi tháng 5 triệu đồng. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1.7 đến 31.12.2021, tổng mức hỗ trợ 390 triệu đồng. Số tiền này nhằm bù một phần chi phí quản lý, điện, nước, thuê người phục vụ... duy trì mở cửa các di tích đón khách tham quan.
TP.Hội An hiện có 13 di tích tư nhân (trong 19 di tích thuộc ô vé tham quan phố cổ). Ngoài 5 di tích thuộc quyền sở hữu cá nhân (nhà cổ Phùng Hưng, nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ Đức An, nhà cổ Tấn Ký, điểm trình diễn nghề xí mà 45/17 Trần Hưng Đạo), còn lại là công trình thuộc sở hữu tập thể (như nhà thờ tộc Trần, nhà thờ tộc Nguyễn Tường, Hội quán Quảng Triệu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Hải Nam, Hội quán Triều Châu, đình Cẩm Phô, Tụy Tiên đường Minh Hương).Qua khảo sát sơ bộ, hầu hết chủ di tích tư nhân đều bày tỏ vui mừng trước động thái kịp thời của tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Lĩnh - quản lý di tích nhà thờ tộc Trần chia sẻ, trong thời điểm khó khăn này, Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu cũng rất đáng quý nhằm phụ giúp thêm cho nhà thờ duy trì hoạt động mở cửa, bảo dưỡng di tích cũng như thuê người lau chùi, dọn dẹp, hương đèn...
Từ năm 1995, chủ trương chia sẻ nguồn lợi từ vé tham quan đã được chính quyền TP.Hội An triển khai tại một số di tích do tư nhân và tập thể quản lý trong phố cổ. Cụ thể, khi có khách đến tham quan chủ di tích sẽ cắt một ô trong vé, cuối tháng mang đến Trung tâm VH-TT&TT-TH thành phố để thanh toán. Với số tiền trích lại dao động 2.600 - 4.300 đồng mỗi ô vé (trước năm 2019), nhiều chủ di tích có thể thu được trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.
Theo ông Lê Dũng - chủ nhà cổ Tấn Ký, nếu so với nguồn thu từ ô vé tham quan trước đây, số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng mang ý nghĩa rất lớn cho những chủ di tích như ông tiếp tục mở cửa duy trì hoạt động. Thời điểm hiện tại, bình quân mỗi tháng nhà cổ Tấn Ký chi phí khoảng 15 triệu đồng, bao gồm điện nước, bảo trì, diệt mối mọt, trả lương 5 nhân viên thay phiên túc trực đón khách.
Tác giả: VĨNH LỘC
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn