Trên cầu Faifo thế kỷ XVII câu chuyện bi hài

Thứ sáu - 20/11/2015 03:34
“Bọn người mù xứ Đàng Trong thường ngồi ở mấy chiếc cầu có mái che để kiếm ăn, họ coi bói cho những ai cần nghe và cho họ hai xu”.
Đó là lời của Bénigne Vachet , sinh ở Dijon năm 1641, thụ phong linh mục năm 1668, ở Chủng viện Hội truyền giáo nước ngoài Paris, sang Xiêm năm 1669, kế được phái đến Đàng Trong năm 1673, ở lại đây cho đến khoảng 1683 . Trong thời gian mười năm lưu trú, vị truyền giáo người Pháp đến Huế mấy lần và đi lạc trong nước; nhưng phần lớn thời gian là ở lại FAIFO, tại đây Hội truyền giáo nước ngoài có tu thất. Vậy chúng ta đang ở FAIFO, và ở đoạn sau ta sẽ thấy rằng đề tài đề cập trong câu chuyện là chiếc cầu mái che ở FAIFO. Mà, nếu ta nhớ không nhầm, thì trước nay chỉ có một chiếc cầu có mái che tại FAIFO, cho nên đây là chiếc cầu của người Nhật Bản.
          Ta hãy đọc tiếp câu chuyện kể:
          “Họ (các người mù) nghe giọng nói mà đoán là đàn ông hay đàn bà. Họ nắm trong bàn tay năm đồng xu ném lên trời và để rơi vào một cái thau đồng, họ rờ rịt nhận ra số xu sấp, rồi đoán ra quá khứ, hiện tại và tương lai. Chỉ có dân nào quá kém cỏi mới xu phụ vào diều dị đoan này; còn ai bình thường thì chẳng tin”.

           Ngày nay, nghề chính của người mù, nam hay nữ, vẫn còn là dự đoán tương lai, hoặc cắt nghĩa quá khứ, gia giảm hiện tại; và một trong những dụng cụ được ưa chuộng là các đồng xu, một vài đồng tiền lắc lắc trong ống, trong mu rùa, và thả trịnh trọng lên chiếc đĩa, kế đó được mân mê kỹ lưỡng và diễn dịch một cách thâm trầm. Nhưng họ không còn đóng lại những chiếc cầu có mái che vì lẽ hiển nhiên rằng cầu mái che vốn hiếm hoi tại An Nam[1]. Người ta thấy họ lang thang lặng lẽ, khắp các nẻo đường ở Huế, hoặc trong các ngôi chợ lớn, cầm gậy gõ xuống đất, hoặc có thằng bé dẫn đường, chiếc tráp sơn lủng lẳng ở vai, đôi mắt trắng dã ngắm nhìn mông lung vạn vật của thế giới bên kia.

          “Cạnh nhà chúng tôi có một người mù như thế này nổi danh như cồn

          Như tôi đã nói, các vị truyền giáo người Pháp có tư thất tại FAIFO đây là điểm nổi bật ở đoạn này, Đây cũng là điểm nổi bật của một tài liệu khác[2], ngài PEREZ, “vị giám mục xứ BUGES”, “Trốn vào nhà các vị truyền giáo tại FAIFO, thành phố này chỉ cách nhà thờ một dặm dường”. Sự kiện này xảy ra từ năm 1698 hoặc 1699. Trong cùng tài liệu ấy, chúng ta tìm thấy một vài lời chú đáng ghi nhận về tư cách của các vị truyền giáo cư ngụ[3]; hai vị này đã mua lại miếng đất và xây nhà thờ và tư thất, “của cộng đồng FAIFO”, tức là của cộng đồng làng. Vị tổng đốc lúc bấy giờ của tỉnh Chàm hay tỉnh Quảng Nam, mà chúng ta sẽ gặp lại trong một bài nghiên cứu khác đã giao lại miếng đất này cho cộng đồng FAIFO, sau khi đã đuổi các người sở hữu đất chính thức đi nơi khác dù quá trình đuổi trong một thời gian ngắn[4].

          Một tài liệu khác, do Bénigne Vachet[5] thảo, kể lại dài dòng về một việc xảy ra liên quan tới tư thất và ngôi nhà thờ của các vị truyền giáo tại FAIFO. Sự kiện xảy ra sau chuyến ngài Lamotte Lambert đến Đàng trong lần thứ hai có ý nghĩa là sau năm 1675 - 1676. Nhưng tôi không thể nói trước hay sau câu chuyện người lính mà chúng tôi kể lại sau đây:

          “số là mấy trận lụt mùa đông đã làm hư hại khá nhiều của các vị truyền giáo tại FAIFO. Một nhà giáo lý trong vùng có cho xây một ngôi nhà thờ đẹp” “dàn giá kỹ lưỡng” và tặng lại cho Bénigne Vachet đang ở FAIFO, nhưng ông này không muốn các quan lại và hoàng đế sinh lòng ngờ vực nên từ chối. Người đồng sự với ông là Courtaolin mới đến thành phố, năm 1674, nhận lời và cho dựng nhà thờ tại FAIFO trong khi ông Vachet vắng mặt, ông này được tin, trở về gấp, quở trách người đồng sự vẫn nhất mực không nghe, rồi cuối cùng ông lên tỉnh lụy rồi lên Huế, để thông báo sự việc với bạn bè, quan tổng đốc Quảng Nam và thượng thư. Nội vụ tưởng đã yên thì bọn “ganh ghét” dâng sớ lên vua tố cáo việc xây nhà thờ. May sao sự buột tội này được thông qua thượng thư, vị này ngăn không cho đệ trình hoàng đế. Tuy nhiên vị này vẫn bất bình, và để tránh sinh sự, ông phái vào FAIFO thư ký của mình “Vanthou[6], cùng với binh lính, để hũy phá nhà thờ. Benigne Vachet thương lượng với viên thư ký, người này ưng thuận sẽ trình lại với thượng thư. Vachet quay trở về Huế và trình diện với thượng thư. “Tôi kính cẩn chào thượng thư, ông chẳng thèm nhìn ngó tôi. Suốt 3 ngày, tôi không hề xao nhãn việc trình diện với ông sáng chiều, và tôi vẫn bắt gặp thái độ lạnh lung ấy. Vanthou an ủi tôi… đến này thứ 3, khoảng 3 giờ chiều, ông đi dạo chơi vào một ngôi nhà trong làng chỉ cách nơi ông ở ¼ dặm đường, Viên thư ký khuyên tôi dù trời mưa bụi. Tôi trà trộn vào đám lính tùy tùng, và khi chợt thấy tôi bước lẫn vào trong bọn họ, ông ra dấu cho tôi lại gần võng là hỏi tôi vào trong cung được bâu lâu, làm như thể ông không hai biết…

          Vào đến ngôi nhà làng, tôi được giải thích. Thượng thư sai dọn ăn, điều này “đáng mừng cho tôi”, vì suốt ngày tôi chưa ăn gì, và ông bằng long để cho ngôi nhà thờ tồn tại “cơ sở của ngài vẫn còn đó, ngôi nhà hay ngôi nhà thờ gì cũng vậy, là này, kẻ thù của ngài sẽ không cười ngài đâu”.

          Ông lại còn muốn phạt vạ kẻ nào khơi dạy câu chuyện. Nhưng Bénigne Vachet năng nỉ ông đừng làm như thế, và trở về FAIFO, sau khi nhận của thượng thư “20 ngàn tiền” là lộ phí.

          Sau đoạn lạc đề ở trên đây, dù sao cũng cho ta những điều chỉ dẫn mà chúng ta hiện có, nay ta hãy tiếp tục câu chuyện kể về chỗ ỡ của các vị Truyền giáo Pháp ở FAIFO vào cuối thế kỷ XVII.

          “Tôi thương sót số người đông đảo hằng ngày đến với ông, và tôi không biết phải làm như thế nào để giúp đỡ họ. Một hôm có một người lính trẻ có đạo vừa cưới vợ phải đi công cán, khi đi có đến chào tôi

          Dưới thời Hiền Vương có nhiều lính tráng có đạo, cho đến khi vua nhận thấy số này đông quá, dù suốt thời gian trị vì vua tỏ ra gần như thể ưu ái với đạo Kitô, và dù giao hảo hữu nghị với các ngài Lamotte Lambert và Bénigne Vachet, năm 1663, đã vẫn nổ ra một cuộc trừng phạt có nhiều lính Kitô giáo phải chết[7]. gã lính được nói đến ở đây là thành phần binh lính đặt dưới quyền chỉ huy của vị tổng đốc Quảng Nam, vì trong giai đoạn sau ta sẽ thấy rằng chính vị quan này thẩm vấn nội vụ, và tổng đốc gọi gã là “lính của bản chức”, và gã chắc hẳn cư ngụ tại thị xã của tỉnh không xa FAIFO[8], sự kiện đem kể ra đây hẳn nhiên xảy ra sau năm 1671, là năm Bénigne Vachet đến Đàng Trong, mà cũng có thể sau nữa, sau những năm 1673, 1674 hoặc luôn cả 1675. Quả tình, sự rộng lượng của Hiền Vương đối với gã linh khó lòng xảy ra trước thời ấy, vì Vương hãy còn vô cùng cấu giận với kẻ có đạo. Nhưng; năm 1673, Vương tiếp ông Mahot một cách tử tế, ông này vân lệnh đức cha Lamotte Lambert đến biếu tặng phẩm cho Vương năm 1674, Vương không thèm nghe ông Jean De La Croix, chuyên viên đúc súng, hằng học tố giác những nhà truyền giáo người Pháp. Sau cùng, năm 1675, Vương phái một chiếc tàu sang Xiêm đón đức cha Lamotte Lambert và tiếp vị này công khai, những gì ta sẽ thấy ở đằng sau, từ những quan hệ tốt đẹp giữa Bénigne Vachet với Tổng đốc Quảng Nam, cho phép ta đoán rằng vị truyền giáo này có mặt trong sứ sở này đã được một thời gian.

          Ta hãy đọc tiếp câu chuyện: “(lính) có giọng nói như đàn bà; tôi nghĩ  như thế này là rất được việc cho tôi. Tôi bảo những gì gã cần phải làm để tìm cho tôi một ông mù. Gã trình diện và vì gã là lính, ai nấy nhường ưu tiên cho gã”.

          Ta thấy rõ không phải mới hôm nay tại An Nam, cái uy tín của chiếc áo đỏ hay xanh của người lính mới lộ rõ.

          “không tiết lộ điều gì hết mà chỉ nói rằng gã còn trẻ tuổi lập gia đình ba bốn tháng nay, sáng nào cũng thấy đau ở ngực và nằng nặng ở cánh tay và cẳng chân, trước khi đám cưới không bị  như vậy, xin thầy cho biết vì sao.

          “người mù lập tức ném đồng tiền và sau khi nhặt tuần tự các đồng tiền, mặt mày rạng rỡ, tưởng gã là đàn bà, ông mù nói với gã: “cô ăn mừng đi, cô mang thai một đứa con trai khấu kỉnh, gia đình sẽ vui lây.

          “gã lính chưa nghe hết đã giáng cho một cái bạt tai và nói “cái thứ lừa phỉnh, láo toét, ta đây là đàn ông mà”, và bỏ đi

          “Cần ghi nhận ở Đàng Trong đánh đập những người này là có tội bởi thế cho nên giã mù nhờ người ta đưa đến quan tổng đốc để kêu oan nhưng cũng không kể lễ sự tình. Tuy nhiên như vậy cũng đủ để làm gã lính phải tự tròng cổ và trói tay. Tuy gã lính được điệu đến, gã mù trình bày cái hành vi thô bỉ đáng bị xử tử. Gã lính yêu cầu được nói và trình bày diễn tiến sự việc, có tiếng cười rộ lên cùng những giọng nói tán thưởng hành vi. Quan Tổng đốc truyền hỏi ai là kẻ bày vẽ; gã bảo là do tôi, vì tôi báo trước là nếu bị thúc bách thì cứ nói tên tôi”.

          “Quan Tổng đốc vốn ưu ái tôi nên phái người đi tìm tôi. Quan rầy rà tôi ra trò, bảo rằng tôi suýt hại sinh mạng người lính. Sau khi chúng tôi bàn luận khá sôi nổi, quan sai trưởng nam lên đường đi kinh thành, và quan viết thư cho hoàng hậu là con gái mình, để xin vua ân xá cho gã lính được đi theo làm tùy tùng. Bởi lẽ chỉ có nhà vua bắt lính chịu án tử hình”.

          Chúng ta hãy dừng lại một lát nữa tại thị xã tỉnh Quảng Nam, trước khi ra Huế và xem thử với các tư liệu địa phương có thể xác định được các nhân vật trong câu chuyện được chăng.

          Chính Hiền Vương đang trị vì tại Huế, Bénigne Vachet, đến năm 1673. đi khoảng 1683, chỉ quen biết vị Vương này, là người lên ngôi năm 1648. Mà theo Liệt truyện tiền biên, Hiền Vương có hai bà vợ, hay nói đúng hơn người ta chỉ nêu có hai bà chứ không tính đến các bà khác.

          Bà thứ nhất, được phong Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Hậu, có tên là viên họ Châu. Ta không biết gì thêm về nguyên quán cả bà. Bà sinh năm Ất Sửu, 1625, chết ngày 21 tháng 11 năm Giáp Tý, 26 tháng 12 năm 1684. Bà được hai trai một gái. Trai đầu, Diễn, còn gọi là Hán, được phong làm Thái tử, nhưng Thái tử chết cùng năm với mẹ là năm Giáp Tý, ngày 12 tháng 10 âm, 18 tháng mười một 1684, thọ 45 tuổi[9]. Người con thứ hai, Thuần, hay Hiệp, chưa bàn đến ở đây, dù diện mạo của người con trai này đặc biệt khả ái[10].

          Bà vợ thứ hai, cũng được phong cùng một đẳng, Thái Tôn Hiếu Triết Hoàng Hậu, tên riêng là Đôi, họ Tống, là mẹ của Ngải Vương, là người kế vị Hiền Vương. Ngải Vương sinh năm Kỷ Sửu, ngày Giáp Thìn. Tháng Giáp có nghĩa là ngày hai mươi âm tức là hai mốt tháng 1 - 1650[11]. Vị hậu này thuộc gia đình Tống Phúc, mà chúng ta từng bắt gặp ở vào thời cực thịnh trong những năm cuối cùng của thế kỷ XVII[12] nhưng cũng chiếm một địa vị quan trọng của xứ Đàng Trong. Vị tổ tiên là Tống Phúc Trị, tổng đốc Thuận Hóa năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào tới đây và đã khôn khéo nhường quyền lại cho người mới đến mà có lẽ ông đã đoán trước tiền đồ rực rỡ cho nên một lòng phụ giúp cai quản xứ sở và nhờ thế tạo phúc lộc cho hàng hậu duệ. Tống Phúc Trị có con trai là Tống Phúc Đông, Đông có con trai là Tống Phúc Khang[13]. Bà vợ thứ hai của Hiền Vương là con gái của Tổng Phúc Khang.

           Hai hậu trên đây, ai là người được Bénigne Vachet gọi là “Hoàng hậu”?

          Thoạt nhìn hình như đó là Hoàng hậu kia, thuộc họ Châu. Thật vậy, lúc ấy, tức là thời kỳ Bénigne Vachet đang có mặt tại Đàng Trong thì hoàng hậu kia hãy còn sống và mất năm 1684. Hoàng thái tử con của bà hãy còn sống và mất cùng năm ấy. Do đó cách gọi trịnh trọng là “Hoàng hậu” chỉ có thể áp dụng với người vợ thứ nhất của vua, nghĩa là mẹ của người kế vị được vua đương thời chỉ định. 

          Ta vẫn có thể theo cách gọi ấy, vì một số trùng hợp nào đó, dù chỉ là những tín hiệu, nhưng tôi lại muốn hiểu chữ “hoàng hậu” của Bénigni Vachet là người vợ thứ hai của hiền vương.

          Quả thật, họ tộc Tống Phúc vốn đã có nhiều quyền lực ở trong đất nước, như tôi đã nói. Liệt truyện đã cho ta chứng cứ, khi bàn đến Tống Phúc Khang, có nói rằng[14]: Vị quan này “nhờ công lao được ghi nhận và các công trạng của tổ tiên, vẫn nắm quyền chỉ huy quân đội, và có công trạng riêng trong các trận đánh”. Sách nói thêm rằng: Ông lên tới cấp bậc Chưởng Dinh, phải nhìn nhận rằng đây là một cấp bậc trong quân đội. Nhưng dưới thời chúa Nguyễn, dinh là những tỉnh xứ Đàng Trong. Trấn thủ của các dinh bao giờ cũng là một võ quan. Nhiệm sở Trấn thủ Quảng Nam là một trong những nhiệm sở quan trọng của cả xứ. Lúc đầu bao giờ cũng do Hoàng thái tử đảm nhiệm. Do đó, vào thời buổi chúng ta đang nói tới, đây cũng là điều có thể xảy ra nếu như nhiệm sở được giao phó cho một sĩ quan có công lớn. Và thuộc một dòng họ đã có uy lực mà chúa Nguyễn có hàm ân, và cuối cùng đó cũng là người cha của một trong những người vợ chính của vua. Điều khẳng định cho giả định này là năm 1698 hoặc 1699, chúng ta có thấy một vị Ou Nghe Diêm[15], “em trai của Hoàng hậu[16], đang làm trấn thủ tỉnh Chàm, Quảng Nam. Mà dưới thời Minh Vương, hoàng thái hậu là mẹ của vua, vợ của Ngải Vương, cũng là họ Tống Phúc Khang, Nếu như, năm 1698 hoặc 1699, tỉnh Quảng Nam được giao phó một người họ Tống Phúc, giao phó cho em trai của mẹ vua, thì chức vụ ấy, hai chục năm trước đó cũng có thể giao phó cho một người khác của cùng một dòng họ, cha của một người vợ chính của lúc bấy giờ là Hiền Vương. Những lý do như dòng họ quyền uy, thân thích của vua, đều giống nhau cả[17].

          Do những lý do trên đây, dường như hoàng hậu của Bénigne Vachet không phải là người vợ đầu tiên của Hiền Vương họ Châu, nhưng là người thứ hai, họ Tống Phúc, mẹ của Ngãi Vương.

          Và nếu như giả thuyết này là đúng, như tôi nghĩ, chúng ta có thể xác định lý lịch cho người trưởng nam của Trấn thủ Quảng Nam, là người đi ra Huế, dẫn độ gã lính phạm tội tát tai người thầy bói mù trên cầu Faifo.

          Tống Phúc Khang, ngoài người con gái là vợ của Hiền Vương có hai người em trai được nêu tên trong liệt truyện[18]: Trai trưởng là Tống Phúc Vinh, trai thứ hai là Tống Phúc Thạch. Người đầu giữ chức vụ lớn về võ và, như ta đã thấy, là cha của một người vợ chính của Ngải Vương; do đó ông là em trai của một hoàng hậu, và là cha của một hoàng hậu khác. Con gái ông sinh năm Quý Tỵ, 1653, vào thời điểm chúng ta đang nói tới, đã là vợ của vị Ngãi Vương tương lai, gã lính được đề cập ở đây, được một vị vô cùng quyền lực biên hộ sẽ không phải quá lo sợ hình phạt của vua.

          Quả như vậy: “Vua được hoàng hậu báo trước, hôm sau truyền dẫn tên lính tới trong điệu bộ của kẻ phạm tội”; triều thần đông đủ, nhà vua nhìn quanh các quan ngồi gần mình, bảo họ: “Ta muốn biết các vị nghĩ gì về gã lính. Mấy hôm trước đây đi trên cầu FAIFO gã coi bói nhờ cậy một người mù thường ngồi trên cầu và được coi như một trong những thầy giỏi hơn cả; ông mù ngỡ gã là bà lão gã đang mang thai một đứa con trai; gã lính tát tai thầy khiến thầy suýt rơi xuống sông mà bảo thầy: “Đồ láo toét, tôi là đàn ông kia mà”. Quần thần rộ lên cười và bảo “Gã lính khá. Nhà vua truyền cho gã lính một ít tiền rồi đuổi về”.

          “Tôi thừa biết rằng suốt thời gian tôi còn ở lại ở Đàng Trong, không còn ai bắt gặp người mù ngồi trên cầu nữa hết”.

          Trên đây là câu chuyện nhỏ, do Bénigne Vachet thuật lại với tính chất linh hoạt quen thuộc, câu chuyện này cho phép chúng ta đặt chuyện kể của một người Âu thông thuộc Đàng Trong vào thế kỷ XVII gần với những tài liệu bản xứ. Câu chuyện suýt kết thúc bi thảm thì lại kết thúc bằng một tràng cười và khiếng chúng ta ngưỡng mộ lòng đại độ của Hiền Vương. Mấy năm trước, năm 1672, Vương đánh thắng trọn vẹn quân Đàng Trong và lập được nền độc lập cho xứ Đàng Trong: có lẽ nhờ sự kiện này mà Vương có được những tình cảm đối với ngài Lamotte Lambert và đối với Bénigne Vachet, và luôn cả trong cách xử kiện vụ người lính ở FAIFO.
 

[1] Về chiếc cầu mái che ở Thanh Thủy, ở ngoại ô Huế, đọc ông E.GRAS trong B. A.V.H. IV, 1917 : Một chiếc cầu, Tr.213 – 216, có minh họa – xem các tấm hình chụp chiếc cầu mái che ở FAIFO, trong  B.A.V.H. VI, 1919 ; Bác sỹ SALLET FAIFO cổ...II. Kỷ niệm Nhật Bản, tr. 506 – 516.
[2] Thuật sự tóm tắt việc sát hại cuối cùng đối với Kitô giáo ở  Đàng Trong. Paris, xuất bản L.V.THIBOUST và Pierre ESCLASSAN, Quảng Trường Cambray, M. DCC.
[3] Thuật sự tóm tắt:…,tr.34.
 
[4] Thuật sự tóc tắt…, tr. 29.
[5] Hồi ký của Bénigne Vachet. Hồi ký phục vụ lịch sử tổng quát việc truyền giáo và phục vụ Văn Khố Chủng viện Faris, Paris, 1865, Victo Roupy
[6] Dưới thời Hiền Vương, và kể từ Sãi Vương, trong ba sở của các bộ Hộ, Lễ và nội các, có những viên Hoa Văn, là những viên viết chữ đẹp, giữ chức vụ này sau khi qua một kỳ thi (Thực lục tiền biên, tập II, tở 23)  - còn có những viên Văn Chức, hay còn gọi là “nhà nho, ông hàm”, tập thể này được đổi thành các vị Hàn Lâm, năm 1744. (nt, tập X, tờ 11)- Cách gọi của Vachet là “nhà nho, ông hàm”, chắc hẳn tương ứng với từ Hán Việt là Văn Thơ tức là “chữ nghĩa và thư từ : [Có lẽ là văn thư chăng], và tương ứng với các viên Hoa Văn  của các tài liệu bản xứ”.
[7] Đọc về vấn đề này: Truyền giáo ở Nam kỳ và Bắc kỳ do các cha Montézon và Estére, Paris, Douniol, 1858, tr. 216 và sau đó, Nam kỳ theo đạo, do cha I. – E. LOUVET, Paris, Leroux, 1885, cuốn I, tr. 269 và sau đó.
[8] Điều này xuất xứ từ Thuật sứ tóm tắt…, tr. 26 và 28 : “... Nhà thờ của ngài Giám mục Bouges... được xây cất ở một nơi quan trọng của tỉnh” ; Và “vị này trốn vào ngôi nhà các vị truyền giáo ở FAIFO là thành phố chỉ cách nhà thờ một dặm đường mà thôi”
 
[9] Tôi sử dụng nhiều chú dẫn của Tiên nguyên toát yêu phổ của ngài thượng thư bộ Lại, tờ 35 – 36. Tác phẩm này chính xác hơn cuốn Liệt truyền tiền biên, tập 1, tờ 7b, 8, 9 và, về các người con trai, tập II, các tờ 10 và tiếp theo.
[10] Về vị hoàng tử này, đọc Lũy Đồng Hới, bài của L. CADIÈRE, trong BÉFEO, tập VI, 1906, tr. 214 – 232. Đọc thêm, trong B. A. V. H. Tập II, 1905, J. B. Roux: Hoàng tử nhỏ tuổi theo đạo Kitô ở Dinh Cát, tr. 407 – 416.
[11] Không rõ ngày sinh ngày mất của hoàng hậu này.  Nhưng ngày sinh của Ngải Vương có thể giải thích phần nào.
[12] Đọc B.A.V.H. Tập VII, 1920: Những người Âu đã thấy được Huế cổ: Thomas Bowyear, bài của bà Mir và L. Cadière, chú dẫn 80, trang 235.
[13] Về tiểu sử của gia tộc Tống Phúc, đọc Liệt truyện tiền biên, tập III, các tờ 5, và tiếp theo.
[14] Liệt truyện tiền biên Tập III tờ 5b, cột 1,2.
[15] Ou, oũ chính tả  của các thế kỷ XVII có nghĩa là Ông - Nghè, làm quan lại, Diêm, có thể là tên riêng.
[16] Thuật sự tóm tắt việc giết hại cuối cùng… ở Đàng Trong, tr. 26.
[17] Tuy nhiên tôi phải nêu ra đây một lời dẫn có vẽ như đi ngược lại với giả thuyết của tôi: Lúc lên ngôi, năm 1687, Ngải Vương thăng thưởng cho quan lại, và “Nguyễn Đức Bửu, trấn thủ Quảng Nam và Chưởng Dinh được thăng làm trấn vũ (cao hơn trấn thủ) ” (Đại Nam Thực Lục tiền biên, Tập VI, tờ 2). Không nói rõ năm nào  Nguyễn Đức Bửu là trấn thủ Quảng Nam. Trong liệt truyện, người ta cho rằng « Năm Thái tôn thứ 24 (Hiền Vương 1672),... ông Cầm Quân ở sông Gianh (địch với quân Đàng Ngoài), và thắng lớn. Sau đó (không rõ bao lâu ), ông được phong trấn thủ Quảng Nam và Chưởng Dinh ». (Liệt truyện tiền biên, tập IV, tờ 21). Có thể kết luận rằng  Nguyễn Đức Bửu làm trấn thủ Quảng Nam - lúc Vachet đang có mặt ở Đàng Trong. Nhưng sự chính xác trong lời khẳng định của vị thừa sai người Pháp, rằng trấn thủ là cha của « hoàng hậu », những lý do tôi đưa ra trên đây thuận lợi cho Trương Phúc Khang, sau hết sự thiếu chính xác trong văn bản của liệt truyện về năm tháng thăng thưởng Nguyễn Đức Bửu, những sự thể này làm cho tôi quyết định đặt việc thăng trưởng này vào khoảng thời gian mấy năm từ 1683, là năm Vachet rời Đàng Trong đến năm 1687, là năm chúng ta biết chắc chắn Nguyễn Đức Bửu làm trấn thủ Quảng Nam”
[18] Liệt truyện tiền biên, tập III. Tờ 5b.
 
(Những người bạn cố đô Huế, (BAVH) tập 7, 1920, Nxb Thuận Hóa, tr 445 - 456)

Tác giả: L. CADIÈRE, Hội truyền giáo nước ngoài Paris

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây